Họ mọt cám lyctidae có số lượng loài không nhiều, mọt trưởng thành có thân hình bé nhỏ, bẹt (dẹt) nhưng tác hại chúng gây ra là rất lớn, nhất là các nước nhiệt đới và á nhiệt đới như ở nước ta. Họ mọt này không phá hoại cây còn sống, chúng chỉ phá hoại gỗ đã khô dùng trong xây dựng, gỗ dùng trang trí nội thất trong gia đình.
Theo ghi nhận ở Việt Nam có 4 loài được phát hiện. Các loài mọt cám tấn công vào phần giác các loại gỗ đã khô thuộc các họ thực vật: Burseraceae, Dipterocapaceae, Meliaceae, Euphorbiaceae, Myristicaceae, Fabaceae, Styraceae,...
Để xâm nhập vào gỗ, mọt mẹ sau khi giao phối, chúng luồn máng đẻ trứng vào trong mạch gỗ rồi đặt trứng của nó vào mạch gỗ 1 đến 2 trứng. Rất ít trường hợp chúng đẻ trứng vào những lỗ ngoằn ngoèo đơn giản, điều đó giải thích rằng trứng của mọt lyctus không thấy trên bề mặt gỗ, kể cả bề mặt gỗ xù xì và nhẵn bóng. Đường kính gỗ thích hợp để mọt mẹ đẻ trứng là >70µ.
Sâu non nở ra ăn gỗ trực tiếp, và gỗ này phải có một lượng tinh bột >1,5%, nếu không sâu non sẽ bị chết vì thiếu lượng tinh bột. Một đặc tính sinh học của họ lyctidae là trước khi đẻ trứng, mọt mẹ không đào hang hoàn chỉnh, mà chỉ đẻ trứng vào mạch gỗ có đường kính phù hợp có sẵn, hoặc gặm trên bề mặt gỗ những mạch rất nông làm cho mạch gỗ bị lộ ra rồi đẻ trứng vào đó.
Điều đáng nói, ngoài việc làm hỏng đồ đạc bằng gỗ, mọt còn gây cảm giác khó chịu cho con người bởi tiếng kêu của chúng. Đấy là chưa kể, phân và thức ăn mà chúng để lại trên "hiện trường" còn có thể gây độc cơ học cho đường hô hấp và cho mắt nếu chẳng may dính phải.
Do đó để phòng trừ loại mọt này ngoài việc căn cứ vào đặc tính sinh học của mọt cám có thể phòng trừ chúng bằng kỹ thuật và hóa học, chọn các loại gỗ có đường kính mạch gỗ <70µ, chọn gỗ lõi để dùng mà không cần phải xử lý hóa chất, dùng thuốc bảo quản gỗ BQG - 1 để phun hoặc quét lên bề mặt gỗ đã được gia công hoàn chỉnh thì nhà sản xuất cần xác định hiệu lực phòng chống mọt cám nâu lyctus brunneus hại gỗ theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn TCVN 14126:2024 chế phẩm bảo quản gỗ - Xác định hiệu lực phòng chống mọt cám nâu lyctus brunneus hại gỗ - phương pháp trong phòng thí nghiệm do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Tiêu chuẩn này đưa ra các phương pháp xác định hiệu lực hoặc độ độc của chế phẩm bảo quản phòng chống mọt cám nâu lyctus brunneus (Stephens) khi bảo quản gỗ theo phương pháp tẩm bề mặt và phương pháp tẩm sâu.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho các hóa chất không tan trong nước, được dùng làm hoạt chất chống côn trùng. Các công thức hữu cơ, được cung cấp hoặc được pha loãng từ dung dịch đậm đặc trong phòng thí nghiệm. Các công thức hữu cơ có thể tan trong nước, được cung cấp hoặc được pha loãng từ dung dịch đậm đặc trong phòng thí nghiệm. Các chất tan trong nước, ví dụ các muối vô cơ. Phương pháp này có thể được sử dụng kết hợp với quy trình lão hóa mẫu mà không loại bỏ các chất dinh dưỡng đã được bổ sung vào mẫu.
Về nguyên tắc tùy thuộc vào yêu cầu thử nghiệm để thực hiện tẩm dung dịch dinh dưỡng cho một bộ mẫu thử từ loại gỗ có độ bền tự nhiên kém với mọt cám nâu Lyctus brunneus sau đó tẩm bề mặt bằng chế phẩm bảo quản; hoặc nếu cần xác định độ độc của chế phẩm, một số bộ mẫu thử từ loại gỗ có độ bền tự nhiên kém với mọt cám nâu Lyctus brunneus được tẩm với dung dịch dinh dưỡng và sau đó được xử lý theo phương pháp tẩm bề mặt hoặc tẩm sâu bằng các dung dịch chế phẩm bảo quản ở các nồng độ khác nhau trong khoảng cần khảo sát.
Các mẫu tẩm được tiếp xúc với mọt cám nâu Lyctus brunneus trưởng thành, kết quả mẫu thử được so sánh với kết quả mẫu gỗ đối chứng không tẩm. Nếu dung dịch chế phẩm bảo quản đã được chuẩn bị trong phòng thí nghiệm bằng cách pha loãng từ dung dịch đậm đặc hoặc bằng cách hòa tan một chất rắn, kết quả thử nghiệm cũng được so sánh với kết quả mẫu đối chứng được xử lý bằng dung môi hoặc chất dùng để pha loãng.
Sử dụng vật liệu sinh học thì mọt cám nâu Lyctus brunneus được lấy từ môi trường gây nuôi không quá 48 h trước khi thử nghiệm đã được nuôi ít nhất hai thế hệ trên gỗ Bồ đề (Styrax tonkinensis Pierre). Việc nuôi mọt cám nâu cần quan tâm để thu được thường xuyên các cá thể mọt trưởng thành chưa đẻ trứng. Kỹ thuật nuôi mọt phù hợp, đúc kết từ kinh nghiệm. Tuy nhiên không sử dụng Benzen hoặc các dung môi có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Nên nhớ khu vực làm việc trong phòng thí nghiệm, được thông gió tốt, là nơi tiến hành tẩm các mẫu thử nghiệm được diễn ra. Yêu cầu phải tuân thủ theo quy trình an toàn khi thao tác với các vật liệu dễ cháy và độc hại. Nhân viên vận hành tránh tiếp xúc quá mức với các dung môi hoặc hơi của chúng. Phải dùng thiết bị an toàn và quần áo bảo hộ, thích hợp với sản phẩm và dung môi thử nghiệm, để đảm bảo an toàn cho người vận hành.
Mẫu chế phẩm bảo quản phải đại diện cho sản phẩm cần thử nghiệm. Các mẫu thử cần được bảo quản và thao tác theo các yêu cầu bằng văn bản từ nhà cung cấp. Lấy mẫu chế phẩm bảo quản từ nguồn cung cấp rất lớn, sử dụng quy trình được quy định trong EN 212. Sử dụng phần gỗ dác không bị khuyết tật, không có mắt, thẳng thớ.
Nếu chế phẩm bảo quản ở dạng thành phẩm thì có thể dùng ngay không cần pha loãng mà chỉ khuấy đều. Nếu chế phẩm bảo quản ở dạng dung dịch đậm đặc, hòa tan chế phẩm vào dung môi pha loãng để đạt nồng độ cần thiết theo quy định của đơn vị cung cấp.Tất cả các dung dịch tẩm phải được sử dụng ngay sau khi pha.
Khi cần xác định một giá trị độ độc, cần chuẩn bị nhiều loại dung dịch với mỗi loại có năm cấp nồng độ. Cũng phải sử dụng dung môi hoặc chất pha loãng đối chứng, tức là tẩm ở nồng độ bằng 0. Nếu các giá trị độ độc không đoán trước được, các nồng độ sẽ được chọn ở khoảng bước tiến chênh lệch rộng, và thu hẹp hơn ở các phép thử tiếp theo.
Tất cả các dung dịch tẩm phải được chuẩn bị mới. Với các phòng thí nghiệm có thiết bị chiếu tia X, tiến hành chiếu tia X cho tất cả các mẫu thử nghiệm sau 10 tuần cho mọt vào để kiểm tra sự có mặt và trạng thái gia tăng phát triển của sâu non bất kỳ. Tại thời điểm kết thúc phép thử, xác định và thu thập các số liệu sau cho từng mẫu thử: Số mọt trưởng thành và số lỗ vũ hóa của mọt.
Thử nghiệm được coi là hợp lệ nếu mẫu đối chứng (bao gồm cả các mẫu tẩm dung môi hoặc chất pha loãng) đáp ứng được 3 điều kiện sau: ít nhất 20 con mọt (sâu non, nhộng và mọt trưởng thành) còn trên mẫu; 85% số mọt trong mẫu còn sống; Mọt trưởng thành bắt đầu vũ hóa tại thời điểm kết thúc kiểm tra.
Nguồn: VietQ.vn