Bộ Xây dựng có công văn 3851/BXD-VLXD ngày 04/7/2024, gửi Sở KH&ĐT TP Hải Phòng góp ý hồ sơ đề nghị thực hiện Dự án đầu tư sản xuất vôi công nghiệp, các sản phẩm từ vôi và thu hồi khí thải sản xuất sản phẩm CO2.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết, Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lò vôi công nghiệp để thay thế, xóa bỏ hoàn toàn các lò thủ công gián đoạn và thủ công liên hoàn, thu hồi khí thải sản xuất sản phẩm CO2, sản xuất các sản phẩm sau vôi (bột nhẹ, canxi hydroxit, bột nặng, vôi, khí CO2 hóa lỏng) nhằm nâng cao giá trị, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường. Do đó, Dự án đầu tư sản xuất vôi công nghiệp, các sản phẩm từ vôi và thu hồi khí thải sản xuất sản phẩm CO2 của Công ty CP Hóa chất Minh Đức phù hợp với Chiến lược nêu trên.
Bộ Xây dựng lưu ý, chủ đầu tư cần lựa chọn công nghệ, thiết bị tiên tiến, mức độ cơ giới hóa, tự động hoá cao để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng, ổn định, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; đồng thời tiết kiệm nguyên nhiên liệu, sử dụng nhiên liệu thay thế theo hướng công nghệ xanh, bảo vệ môi trường.
Sản phẩm của Dự án phải đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên ngành, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, lâu dài cho Dự án hoạt động, Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung việc xác định nguồn nguyên liệu dự kiến (đá vôi, dolomit) nằm trong Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nguyên liệu phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường và đúng quy định của pháp luật về khoáng sản.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu chủ đầu tư phải có đánh giá tác động môi trường; có biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải; đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, khí thải nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về nước thải và khí thải công nghiệp.
Ngoài ra, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện đúng cam kết nếu được phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư, nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án.
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1626/QĐ-TTg ngày 25/12/2023.
Theo đó, đã quy hoạch thăm dò 518 khu vực khoáng sản giai đoạn 2021-2030 và 177 khu vực khoáng sản giai đoạn tầm nhìn đến 2050; quy hoạch khai thác 774 khu vực khoáng sản giai đoạn 2021-2030 và 931 khu vực khoáng sản giai đoạn tầm nhìn đến 2050.
Tổng tài nguyên, trữ lượng huy động vào quy hoạch là 26,6 tỷ tấn các loại khoáng sản và 2,25 tỷ m3 đá làm ốp lát.