Ngày 22/2, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Pleiku và vùng phụ cận, tỉnh Gia Lai đến năm 2040, định hướng đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.

Theo thuyết minh Nhiệm vụ, phạm vi ranh giới gồm toàn bộ ranh giới TP Pleiku và một phần diện tích các huyện lân cận gồm Đak Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông, Chư Sê. Diện tích nghiên cứu khoảng 103.500 ha.
Phạm vi ranh giới lập quy hoạch: 35.000 ha-40.000 ha, gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Pleiku có diện tích khoảng 26.077 ha và khu vực phụ cận với diện tích khoảng 8.000 - 14.000 ha, thuộc huyện Đak Đoa, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Chư Sê, ranh giới cụ thể: Phía Bắc giáp huyện Chư Păh; phía Nam giáp huyện Chư Prông, Chư Sê và huyện Đak Đoa; phía Tây giáp huyện Ia Grai; phía Đông giáp huyện Đak Đoa.
Mục tiêu của lập quy hoạch là xây dựng TP Pleiku với thương hiệu “TP Pleiku - Cao nguyên xanh vì sức khỏe”; nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, kinh tế - xã hội và môi trường bền vững.
Bên cạnh đó là các mục tiêu về đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế; định hướng đến năm 2050, TP Pleiku mở rộng về hướng các huyện lân cận, đóng vai trò là một trong những trung tâm phát triển chính của khu vực Tây Nguyên, có sức hút đầu tư lớn và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trên một số lĩnh vực.
Tại Hội nghị, Thường trực Hội đồng lưu ý địa phương và đơn vị tư vấn cần hoàn thiện, bổ sung căn cứ chính trị và cơ sở pháp lý liên quan; xem xét ranh giới điều chỉnh giữ nguyên như cũ hay mở rộng, có luận cứ rõ ràng hơn nếu chọn phương án mở rộng; chú ý đảm bảo tiêu chí đô thị loại I.
Bên cạnh đó, thời hạn quy hoạch điều chỉnh kéo dài đến 2045 để đảm bảo tuân thủ quy định.
Đồ án cũng cần xác định rõ hơn mối quan hệ vùng làm động lực phát triển, cũng như làm rõ các tiêu chí về đất đai, chỉ tiêu phân loại, lưu ý các nội dung đánh giá hiện trạng; vấn đề sạt lở, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ di sản, dân tộc; các chương trình ưu tiên và thống nhất với các quy hoạch khác liên quan.
Cũng liên quan đến vấn đề phạm vi ranh giới lập quy hoạch, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn yêu cầu địa phương và tư vấn cần làm rõ phạm vi ranh giới, cơ sở pháp lý liên quan vì vấn đề này ảnh hưởng đến việc sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh cũng như các chỉ tiêu của đô thị loại I.
Ông Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, giải trình, làm rõ thêm quan điểm của tỉnh về vấn đề phạm vi ranh giới lập quy hoạch, thừa nhận một số tiêu chí của đô thị loại I của TP Pleiku còn yếu, nếu theo phương án mở rộng TP Pleiku sẽ khó đảm bảo các tiêu chí đô thị loại I. Do đó, trong tên gọi là “Quy hoạch chung xây dựng TP Pleiku và vùng phụ cận”, lõi vẫn là TP Pleiku; còn vùng phụ cận là nghiên cứu với ý nghĩa tổng hòa, hỗ trợ cho TP Pleiku.
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến để tư vấn hoàn thiện Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung về phạm vi, ranh giới lập quy hoạch; giai đoạn lập quy hoạch; vấn đề về xử lý chất thải rắn, thu gom xử lý nước thải; vấn đề bảo vệ nguồn nước; liên kết vùng; tổ chức cấu trúc không gian để thực hiện mục tiêu đô thị xanh…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị địa phương và tư vấn rà soát bổ sung các cơ sở pháp lý liên quan, chú ý các nội dung liên quan đến rừng và di sản; xác định rõ phạm vi ranh giới lập quy hoạch; đối với phần nghiên cứu mở rộng để đảm bảo tính kết nối, cân nhắc đưa vào hay không đưa vào Nhiệm vụ.
Về vấn đề thời hạn lập quy hoạch, Thứ trưởng đề nghị tỉnh nghiên cứu nới ra đến năm 2045 nhằm đảm bảo tuân thủ theo quy định.
Đối với vấn đề đánh giá thực trạng, theo Thứ trưởng phải có rà soát, đánh giá thực trạng các dự án; ngoài ra còn phải đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí đô thị loại I; trên cơ sở đánh giá, có các dự báo, định hướng cho công tác lập quy hoạch, về đất đai, dân số, cập nhật số liệu mới, từ đó đưa ra các mô hình, phương án phát triển, cấu trúc phát triển, các khu chức năng; lựa chọn các vùng đất xây dựng đô thị; lưu ý cảnh quan môi trường sinh thái; lựa chọn các dự án ưu tiên.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị tỉnh Gia Lai thống nhất các văn bản báo cáo, đảm bảo đúng trình tự và thẩm quyền; rà soát thống nhất các nội dung của Nhiệm vụ với nội dung của quy hoạch tỉnh đang thực hiện. Tư vấn tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của Hội đồng để hoàn thiện Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Pleiku.