Xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị đảm bảo khả thi phương án tài chính

07:00 25/11/2022
Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị đề xuất vượt tổng mức đầu tư được duyệt hơn 7%, Thành viên Hội đồng thẩm định liên ngành thuộc Bộ Xây dựng đề nghị kiểm soát chặt chi phí đảm bảo hiệu quả đầu tư Dự án.

Cảng hàng không quốc nội

Thành viên Hội đồng thẩm định liên ngành thuộc Bộ Xây dựng góp ý thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Cảng hàng không Quảng Trị được xác định là cảng hàng không quốc nội nằm trong quy hoạch mạng cảng hàng không đến năm 2030 theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018; theo Phụ lục II thì Cảng hàng không Quảng Trị quy mô cấp sân bay 4C, công suất hành khách dự kiến lên 01 triệu lượt hành khách/năm, diện tích đất dự kiến 312 ha.

Chủ trương đầu tư Dự án ĐTXD Cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021, theo đó cấp sân bay là 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II; công suất 01 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm; chia thành 02 giai đoạn đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến cho cả 2 giai đoạn khoảng 5.822,9 tỷ đồng, vốn cho giai đoạn 1 là 2.913,6 tỷ đồng (gồm: Vốn do nhà đầu tư huy động 2.680,5 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư 233,103 tỷ đồng).

Dự án được chia thành 02 dự án thành phần: (i) Dự án thành phần 1, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ quan nhà nước tại Cảng hàng không, thực hiện theo hình thức đầu tư công; (ii) Dự án thành phần 2 xây dựng Cảng hàng không thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Bổ sung sự cần thiết giao tư nhân sở hữu, vận hành

Kết quả thi tuyển phương án kiến trúc công trình Nhà ga hàng không dân dụng thuộc dự án Cảng hàng không Quảng Trị được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt tại Quyết định số 1112/QĐ-UBND ngày 22/4/2022, theo đó phương án trúng tuyển là phương án “Đan dệt tương lai” của Liên danh Công ty TNHH CPG Việt Nam (CPGV) và Công ty CPG Consultant (CPGA).

Cảng hàng không Quảng Trị được xác định là cảng hàng không quốc nội nằm trong quy hoạch mạng cảng hàng không đến năm 2030.

Việc thẩm định các nội dung về hồ sơ thiết kế cơ sở, kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật khác có liên quan.

Theo Bộ Xây dựng, việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không thuộc Dự án sẽ do cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ GTVT thực hiện. Đề nghị Bộ KH&ĐT tổng hợp nội dung thẩm định thiết kế cơ sở Cảng hàng không của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ GTVT đối với Dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không thuộc Dự án để báo cáo Hội đồng thẩm định liên ngành.

Việc lựa chọn áp dụng hình thức hợp đồng PPP cần bổ sung cơ sở lý luận về tính đặc thù, sự cần thiết của việc giao khối tư nhân sở hữu và vận hành cảng hàng không, cần có sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền đặc biệt đây là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

Nội dung về tính khả thi tài chính và hiệu quả kinh tế - xã hội được đánh giá thông qua các chỉ số bao gồm IRR, NPV, B/C, WACC, EBCR và NVA. Tuy nhiên để đánh giá sự phù hợp của các chỉ số này cần cập nhật, bổ sung dữ liệu và tính toán lại các chỉ số đánh giá trên cơ sở phân tích tổng thể hạ tầng giao thông trong khu vực; chi phí đầu tư, lưu lượng của cảng hàng không, tính khả thi của phương án tài chính dự kiến áp dụng…

Kiểm soát chặt chi phí đầu tư

Bên cạnh đó, Thành viên Hội đồng thẩm định liên ngành thuộc Bộ Xây dựng góp ý một số nội dung liên quan đến tổng mức đầu tư trên cơ sở chức năng quản lý nhà nước ngành Xây dựng.

Cụ thể, tổng mức đầu tư được lập trên cơ sở Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí ĐTXD và các Thông tư hướng dẫn là phù hợp quy định pháp luật áp dụng cho Dự án.

Tại Quyết định số 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021 của Thủ tướng Chỉnh phủ về chủ trương đầu tư Dự án, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 2.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 tại Báo cáo nghiên cứu khả thi đề xuất hơn 2.947 tỷ đồng, vượt sơ bộ tổng mức đầu tư được duyệt khoảng 7%, mặc dù không vượt ngưỡng phải điều chỉnh chủ trương đầu tư (10%) theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát chặt chẽ chi phí, đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính và hiệu quả đầu tư của Dự án.

Tổng mức đầu tư được xác định trên cơ sở kết hợp phương pháp xác định bằng suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng công bố tại Quyết định số 610/QĐ-BXD ngày 13/7/2022, giá xây dựng tổng hợp và dữ liệu chi phí các công trình, dự án tương tự. Tuy nhiên, thiếu bảng tính toán suất chi phí, giá xây dựng tổng hợp; chưa thuyết minh cơ sở vận dụng, tính tương đồng về quy mô, công suất, yêu cầu kỹ thuật của dự án, công trình tương tự; chưa tính toán, quy đổi dữ liệu chi phí theo thời gian, địa điểm ĐTXD theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ.

Chi phí lãi vay chuyển về khoản mục Chi phí khác cho phù hợp với cơ cấu chi phí quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ.

Chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 được tách riêng thành Dự án thành phần 1 và không thuộc phạm vi hồ sơ trình thẩm định.

Một số hạng mục chi phí xây dựng và chi phí thiết bị vận dụng dữ liệu tại các dự án Cảng hàng không Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng… cần làm rõ sự phù hợp về quy mô, công suất, điều kiện, công nghệ áp dụng, thành phần và tỷ trọng chi phí, thời gian, địa điểm và các nội dung cần thiết khác để đảm bảo tính tương đồng trong việc áp dụng. Đồng thời, rà soát, cập nhật đơn giá xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị theo đúng thực tế.

Chi phí thiết bị trong tổng mức đầu tư chưa đủ cơ sở để cho ý kiến về sự phù hợp. Cần bổ sung thuyết minh, phân tích, đánh giá để đảm bảo phù hợp quy định tại Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Rà soát, cập nhật, đảm bảo các định mức tỷ lệ chi phí phù hợp với quy định tại Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các quy định pháp luật áp dụng cho Dự án.

Tổng mức đầu tư dự án là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá tính khả thi, hiệu quả đầu tư Dự án và làm cơ sở để dự trù vốn. Đề nghị người quyết định đầu tư tổ chức rà soát, hoàn thiện và chịu trách nhiệm về kết quả hoàn thiện tổng mức đầu tư.

Bình luận