Ngày 12/02, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tính toán phương án dự phòng theo vùng để tránh thiếu điện cục bộ
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã đưa ra hai kịch bản: Tăng trưởng nhu cầu điện 10,3% theo phương án cơ sở và 12,5% theo phương án cao, sát với các kịch bản phát triển kinh tế. Do đó, theo ông Nguyễn Anh Tuấn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần tính toán phương án dự phòng theo vùng để tránh thiếu điện cục bộ, thay vì dự phòng chung toàn quốc.
Với giai đoạn 2031 - 2035, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, việc giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện là hợp lý, phù hợp với xu thế chuyển dịch sang kinh tế dịch vụ và giảm bớt các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng. Ngoài ra, cần đánh giá kỹ nhu cầu điện cho giao thông xanh, nhất là đường sắt cao tốc Bắc - Nam và hệ thống Metro.
Đối với năng lượng tái tạo, quy mô tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2018 - 2021 đã đặt ra không ít thách thức. Với thủy điện tích năng và điện lưu trữ, cần nhanh chóng xây dựng cơ chế giá rõ ràng để thu hút đầu tư.
Riêng về điện hạt nhân, ông Nguyễn Anh Tuấn đồng tình với kế hoạch tái khởi động dự án, nhưng lưu ý rằng việc xây dựng nhà máy đầu tiên vào năm 2031 là thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ và nhân lực.
Ngoài ra, chiến lược phát triển năng lượng cần cân bằng giữa các khu vực. Trong khi miền Bắc thiếu điện, miền Trung lại thừa. Do đó, ông Nguyễn Anh Tuấn khuyến nghị cần có chính sách phát triển năng lượng hợp lý và phân bổ đầu tư đồng đều giữa các vùng để tối ưu hóa nguồn lực và giảm áp lực về vốn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, cho rằng quy hoạch cần nhấn mạnh hơn vào việc đánh giá sự chênh lệch giữa các vùng trong dự báo nhu cầu điện.
Bên cạnh đó, cần mở rộng thêm phần dự báo cho giai đoạn 2031-2035 nhằm xác định rõ các danh mục đầu tư trọng điểm, bảo đảm sự ổn định và tính liên tục trong quá trình phát triển nguồn điện.
Ông Ngô Tuấn Kiệt - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, cho rằng quyết định tái khởi động hai dự án điện hạt nhân là bước đi mang tính chiến lược và là lựa chọn tất yếu để đảm bảo nguồn cung năng lượng dài hạn.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề lớn được ông Ngô Tuấn Kiệt đề cập là sự mất cân đối trong phát triển kinh tế vùng miền. Do đó, cần nghiên cứu một kịch bản phát triển kinh tế miền Trung để giảm bớt áp lực truyền tải điện ra miền Bắc và miền Nam.
Ngoài ra, ông Kiệt cũng nhấn mạnh việc cần bỏ mô hình hợp đồng mua bán điện cố định, chuyển sang cơ chế thị trường linh hoạt hơn để phù hợp với tình hình mới.
Phát triển tối đa tiềm năng của năng lượng tái tạo

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thống nhất với các ý kiến phản biện, góp ý.
Về nguồn điện, Bộ trưởng cho biết, thống nhất phát triển tối đa tiềm năng của năng lượng tái tạo, tuy nhiên cũng phải tính đến tiềm năng và lợi thế ở vùng nào, miền nào tốt nhất để phát triển.
Về thủy điện và thủy điện tích năng, Bộ trưởng đề nghị khai thác triệt để, tối đa nguồn này vì vừa là năng lượng sạch, vừa là nguồn điện nền.
Về điện sinh khối, Bộ trưởng lưu ý cần phải theo tiêu chí 15 MW/triệu dân. Ngoài ra, nếu sử dụng những nguyên liệu từ rừng trồng hay phế thải, rác thải công nghiệp hay rác thải sinh hoạt phải tính theo định mức. Đặc biệt chú ý phát triển năng lượng mới như điện khí bao gồm cả khí tự nhiên trong nước, khí hóa lỏng và điện hạt nhân.
"Chúng ta sẽ phát triển hạt nhân tập trung, hạt nhân quy mô nhỏ trên phạm vi cả nước. Vì thế trong quy hoạch lần này đề nghị là đến năm 2030 cũng phải xác định không phải chỉ là Ninh Thuận mà ít nhất phải có 3 trong 8 điểm đã được xác định có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về truyền tải, Bộ trưởng đề nghị trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải áp dụng lưới điện thông minh và triển khai rộng rãi. Bên cạnh đó, truyền tải liên miền phải tính đến phương án cáp ngầm, kể cả ngầm trên bờ và ngầm dưới nước.
Về giải pháp, Bộ trưởng khẳng định mục tiêu tiến tới thị trường điện cạnh tranh cả ba cấp độ: Phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh, có giá điện hai thành phần trong đó có cả giá mua và giá bán, cũng như xác định khung giá theo giờ; xác định rõ khung giá cho tất cả các loại hình điện năng.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương tách bạch giá truyền tải ra khỏi cái giá thành điện năng theo hướng thị trường, tính đúng, tính đủ, tính hết chi phí của giá truyền tải.
"Như vậy mới có thể huy động được nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực truyền tải, kể cả truyền tải liên miền và truyền tải nội miền. Đặc biệt cần phải có cơ chế đặc thù cho từng loại hình điện năng, nhất là nguồn điện nền và nguồn năng lượng mới", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm 12 chương, sau khi hiệu chỉnh, hoàn thiện được kỳ vọng sẽ đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, với các mục tiêu cụ thể:
+ Điện thương phẩm: năm 2030 khoảng 500-558 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1238 - 1375 tỷ kWh.
+ Điện sản xuất và nhập khẩu: năm 2030 khoảng 560-624 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.2360 - 1.511 tỷ kWh.
+ Công suất cực đại: năm 2030 khoảng 90-100 GW; và năm 2050 khoảng 206 - 228 GW.
+ Tổn thất điện năng toàn hệ thống năm 2030 khoảng 6%, năm 2050 khoảng 5%.
+ Mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050; hướng tới đạt mức phát thải đỉnh 170 triệu tấn vào năm 2030.