Những năm gần đây, việc quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội mặc dù được quan tâm nhưng chất lượng nhiều biệt thự đã xuống cấp, không có đủ kinh phí để bảo trì, cải tạo, sửa chữa.
Đa số các biệt thự được xây dựng trên dưới 100 năm; nhiều biệt thự không được sửa chữa thường xuyên nên bị hư hỏng, gây mất an toàn cho người sử dụng và hiệu quả kinh tế khi khai thác, sử dụng, cho thuê và bán chưa cao.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố đã xác định danh mục 1.216 biệt thự được phân loại về sở hữu, quản lý; trong đó, 367 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước (gồm 177 biệt thự nhóm 1; 131 biệt thự nhóm 2; 59 biệt thự nhóm 3); 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp (giữa Nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau) và 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.
Giai đoạn trước đây (từ năm 1954 đến trước năm 2009), biệt thự cũ chỉ được coi là nhà ở, Nhà nước chưa có cơ chế chính sách để bảo tồn, tôn tạo; chưa ban hành được danh mục và các văn bản quản lý Nhà nước về cải tạo, sửa chữa, phá dỡ, xây dựng và bảo tồn tôn tạo quỹ nhà biệt thự Pháp; quá trình phân phối, bố trí, cho thuê và sử dụng nhà biệt thự, nhiều hộ ở đã lấn chiếm, tự hoạch định diện tích sân, vườn, lối đi chung và xây dựng, cải tạo trái phép, không phép đã làm biến dạng biệt thự.
Bên cạnh đó, một bộ phận tổ chức, cá nhân sử dụng nhà biệt thự chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị của các nhà biệt thự cũ, chưa xác định được ý thức, trách nhiệm, chưa tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện, có trường hợp thắc mắc cho rằng nhà biệt thự đang sử dụng không có giá trị để bảo tồn.
Mặt khác, do nhiều thành phần quản lý, sở hữu, sử dụng biệt thự nên việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp kinh phí để bảo trì, cải tạo, sửa chữa rất khó khăn, các hộ gia đình vẫn trông chờ vào Nhà nước, tiền thuê nhà thu được không đủ để sửa sữa, bảo trì biệt thự. Việc quản lý, khai thác, cho thuê, bán biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước chưa thực sự hiệu quả.
Hiện nay, mới chỉ có Công ty TNHHMTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội là khai thác hiệu quả 8 biệt thự được giao quản lý theo giá thị trường. Còn Công ty TNHHMTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng) mới chỉ thực hiện việc quản lý, cho thuê và bán biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước cho các đối tượng được phân phối, bố trí, cho thuê trước đây đang được hưởng việc thuê và mua nhà theo chế độ, chính sách của Nhà nước quy định (theo Nghị định số 61/CP).
Quỹ nhà biệt thự chuyên dùng (không dùng để ở) do Công ty TNHHMTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý; quỹ nhà biệt thự chuyên dùng do các cơ quan, đơn vị của Trung ương và thành phố quản lý, sử dụng làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh... chưa được khai thác hiệu quả theo cơ chế thị trường, vì chưa có cơ chế, chính sách về đấu giá quyền thuê trả tiền 1 lần đối với 207 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước nằm trong danh mục biệt thự không bán nên chưa khai thác được các giá trị địa tô, lợi ích về đất đai thuộc sở hữu Nhà nước vào công cuộc chỉnh trang, tái thiết đô thị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…
Xuất phát từ thực trạng khó khăn, vướng mắc trên, thành phố Hà Nội xác định việc cần thiết ban hành cơ chế, chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định để tăng cường quản lý các biệt thự công gắn với việc thực hiện tốt nội dung về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Trước mắt, để triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Kế hoạch số 258/KH-UBND thực hiện việc thiết lập hồ sơ quản lý, cơ sở dữ liệu, số hóa 3D biệt thự thuộc nhóm 1 và xây dựng phần mềm quản lý nhà biệt thự theo Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu việc xây dựng phần mềm quản lý nhà biệt thự đảm bảo tính bảo mật, đầy đủ các trường cơ sở dữ liệu của hồ sơ; phản ánh đầy đủ quá trình cập nhật, bổ sung, điều chỉnh và địa chỉ, trách nhiệm của đơn vị, cá nhân thực hiện việc cập nhật, bổ sung, điều chỉnh. Sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống của thành phố; đảm bảo tuân thủ, phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin; đảm bảo khả năng mở rộng, nâng cấp theo yêu cầu thực tế trong quá trình khai thác sử dụng phần mềm sau này. Dự kiến, trong quý 4/2024 hoàn thành 80% khối lượng công việc và hoàn thành xây dựng phần mềm vào năm 2025.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì sao lục và cung cấp cho Sở Xây dựng và Trung tâm Quản lý nhà thành phố Hà Nội (trực thuộc Sở Xây dựng) các tài liệu, hồ sơ nhà biệt thự trước năm 1954; các bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và các biến động về sở hữu, sử dụng nhà biệt thự khi nhận được văn bản đề nghị của Sở Xây dựng. Hồ sơ tài liệu sau khi hoàn thành việc quét (scan) phải được bàn giao lại ngay cho đơn vị quản lý để tiếp tục bảo quản, lưu trữ và sử dụng. Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chủ trì cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin chuyên ngành về quy hoạch, kiến trúc cho Trung tâm Quản lý nhà thành phố Hà Nội để thực hiện thiết lập hồ sơ quản lý, cơ sở dữ liệu nhà biệt thự.
"Thành phố yêu cầu việc xây dựng và thực hiện phải đảm bảo tính nhất quán và liên tục. Sản phẩm phần mềm là công cụ thông minh giúp các cơ quan và đơn vị quản lý truy cập, tra cứu, kết xuất thông tin một cách đầy đủ, khoa học, chính xác, nhanh chóng và kịp thời", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.
Nguồn: bnews.vn