Xây dựng dữ liệu GEOdata hỗ trợ phát triển bền vững cho cộng đồng nông thôn

11:23 26/07/2023
Xây dựng dữ liệu GEOdata là hướng tới tích hợp các chính sách trong quản lý thiên tai cho khu vực miền Trung (Việt Nam) trên cơ sở kiến thức khoa học và công nghệ mô hình hóa các thiên tai và rủi ro.

Ngày 25/7, tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội diễn ra Hội thảo giới thiệu dự án GeoSicRE TEAM: “Cơ sở hạ tầng dữ liệu GEOdata và khoa học công dân hỗ trợ sự phát triển bền vững cho các cộng đồng nông thôn khu vực tỉnh Quảng Nam”.

TS Nguyễn Tiến Dũng - HUCE phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tai Hội thảo, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) cho biết: Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kể nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, sự phát triển tổng thể đang bị đe dọa bởi thiên tai bao gồm lũ lụt, hạn hán, bão trượt, lở đất và xói mòn bờ biển gây thiệt hại trung bình hằng năm gần 1,5% GDP.

Một trong những trở ngại là việc thiếu các thông tin khoa học và hiểu biết sâu sắc từ các nhóm dân số dễ bị tổn thương trong việc xây dựng các kế hoạch giảm thiểu thiên tai. Bên cạnh đó, còn thiếu các quan trắc có hệ thống về sự xuất hiện và tác động của các hiện tượng thiên tai ở vùng núi Việt Nam. Do vậy, dự án hợp tác quốc tế Việt - Bỉ GEOSCIRE sẽ hỗ trợ sự phát triển nghiên cứu khoa học công dân một cách thực tiễn và hiệu quả.

Toàn cảnh Hội thảo.

Dự án GEOSCIRE hướng tới việc tích hợp các chính sách trong quản lý thiên tai cho khu vực miền Trung Việt Nam, với kiến thức khoa học và xây dựng dựa trên công nghệ cập nhật để lập hồ sơ, dự báo và mô hình hóa các thiên tai và rủi ro nhằm hỗ trợ phát triển các cộng đồng có khả năng chống chịu, có khả năng phòng ngừa, giảm thiểu và ứng phó với tác động của các tác động khắc nghiệt của tự nhiên. Dự án hợp tác nghiên cứu do Hội đồng liên trường Đại học Flemish, Vương quốc Bỉ tài trợ.

Cơ quan chủ trì điều phối thực hiện dự án tại Việt Nam là Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; các đơn vị phối hợp thực hiện gồm: Trường Đại học Phenikaa (PU), Trường Đại học Huế (HU), Viện Nghiên cứu và Khoa học Phát triển Việt Nam (VNU-IVIDES), Trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội (HUMG), và Viện nghiên cứu thiên tai và môi trường (RIDES). Đối tác phía Bỉ: Trường Đại học Tự do Brussels, Vương quốc Bỉ (VUB).

Thời gian thực hiện Dự án là 05 năm, từ ngày 03/01/2023 đến 31/12/2027. Chủ nhiệm Dự án phía Bỉ là GS Matthieu Kervyn De Meerendre - Đại học Tự do Brussels. Chủ nhiệm Dự án phía Việt Nam là PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Hội thảo đã tập trung xác định làm rõ hơn những khu vực dễ bị ảnh hưởng và nguy hiểm nhất đồng thời đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai hiệu quả, bảo vệ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, nhằm xây dựng kế hoạch giảm thiểu rủi ro thiên tai. Trong đó, đưa ra những quan sát có hệ thống về sự xuất hiện và tác động của hiện tượng thiên tai bao gồm lũ lụt, hạn hán, bão, trượt lở đất... ở vùng núi tỉnh Quảng Nam (Việt Nam).

Bình luận