
Trong bối cảnh phát triển kinh tế bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, du lịch xanh đang trở thành xu thế chủ đạo tại nhiều địa phương trên cả nước. Tại khu vực Bắc Trung bộ, ba tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An đang nổi lên như một tam giác liên kết tiềm năng, nơi hạ tầng giao thông, hệ thống đô thị và các khu du lịch sinh thái được đầu tư đồng bộ, tạo thành một hành trình trải nghiệm hấp dẫn, bền vững và giàu bản sắc.
Sự đồng bộ về hạ tầng giao thông là nền tảng quan trọng cho sự kết nối này. Việc đưa vào khai thác các tuyến cao tốc quan trọng như Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu đã rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa ba tỉnh, đồng thời kết nối trọn vẹn các điểm đến du lịch nổi bật ven trục Bắc - Nam. Không chỉ dừng lại ở việc thuận tiện về giao thông, các tuyến cao tốc này còn đóng vai trò như trục động lực thúc đẩy mở rộng không gian phát triển đô thị và các cụm du lịch vệ tinh. Song song đó, hệ thống đường sắt Bắc - Nam, QL1A và đường Hồ Chí Minh tiếp tục được nâng cấp, mở rộng, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, đa phương thức.
Trên nền hạ tầng đó, các đô thị trung tâm như TP Hoa Lư, Thanh Hóa và Vinh đang được quy hoạch theo hướng đô thị hiện đại, thông minh và gắn với bản sắc địa phương. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị từ giao thông nội thị, cấp thoát nước, xử lý rác thải đến hạ tầng số được đầu tư đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cư dân và du khách. Nhiều đô thị du lịch ven biển và ven núi như: Sầm Sơn, Hải Hòa, Cửa Lò, Tam Cốc - Bích Động, Tràng An cũng được định hướng phát triển trở thành các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái với sự tham gia mạnh mẽ của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực hạ tầng du lịch.
Quan trọng hơn cả, liên kết ba tỉnh còn thể hiện rõ qua việc hình thành và kết nối chuỗi các khu du lịch sinh thái, di sản và cộng đồng. Ninh Bình nổi bật với Quần thể danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Vườn quốc gia Cúc Phương…; Thanh Hóa có suối cá Cẩm Lương, Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Khu Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Lam Kinh…; trong khi Nghệ An sở hữu Vườn quốc gia Pù Mát, thác Khe Kèm và các điểm đến cộng đồng tại Con Cuông, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên, Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn... Mỗi địa điểm mang một sắc thái riêng, nhưng khi được kết nối thành chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng, tạo nên một hành trình khám phá phong phú về sinh thái, văn hóa bản địa.
Việc phát triển du lịch xanh liên vùng dựa trên nền tảng hạ tầng giao thông, đô thị không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên thiên nhiên mà còn tạo ra giá trị lan tỏa về kinh tế - xã hội. Nó thúc đẩy liên kết vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương và thu hút đầu tư theo chiều sâu. Trong bối cảnh, ngành Xây dựng ngày càng gắn bó mật thiết với chiến lược phát triển xanh, những dự án giao thông và đô thị hướng đến hỗ trợ du lịch sinh thái đang đóng vai trò thiết yếu trong việc định hình không gian phát triển bền vững của khu vực Bắc Trung bộ.