Phát triển giao thông công cộng, phi cơ giới
Tại Hội thảo “Hạ tầng xanh cho phát triển bền vững đô thị, nông thôn”, do Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam (MTXDVN) tổ chức ngày 18/01, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hội cho biết, phát triển đô thị xanh, thành phố thông minh tồn tại một số khó khăn, bất cập cần những giải pháp mang tính đồng bộ để thúc đẩy công tác thiết kế, xây dựng công trình, quy hoạch xây dựng, cải tạo chỉnh trang đô thị, điểm dân cư nông thôn theo hướng xây dựng hạ tầng xanh cho phát triển đô thị và nông thôn bền vững.
Việc chưa chú trọng tới thu hút đầu tư, triển khai những giải pháp công nghệ và kỹ thuật thiết kế, quy hoạch, xây dựng và vận hành hệ thống hạ tầng và sinh thái đô thị theo hướng xanh, giảm phát thải, ứng phó với BĐKH sẽ là rào cản cho phát triển bền vững đô thị… Để giải quyết bài toán này đòi hỏi các ngành, các cấp có kế hoạch hành động và giải pháp quyết liệt, cụ thể...
Trong bài trình bày về quản lý, phát triển hạ tầng xanh ở Việt Nam, thách thức và giải pháp, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến đề xuất một số giải pháp quản lý phát triển hạ tầng xanh theo hướng phát triển giao thông xanh định hướng vào các nhóm yếu tố về phát triển giao thông công cộng và giao thông phi cơ giới, sử dụng năng lượng xanh cho phương tiện và sử dụng vật liệu xanh, công nghệ xanh cho phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó, giao thông xanh là các phương tiện giao thông không phát thải hoặc ít phát thải carbon ra môi trường.
Quản lý nước thông minh góp phần nâng cao hiệu quả của sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm điện năng, giảm thất thoát, giảm thiểu rủi ro và bảo đảm cấp nước an toàn.
Thoát nước bền vững góp phần giảm thiểu ngập úng đô thị, chiếu sáng tiết kiệm năng lượng góp phần phát triển đô thị bền vững…
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cũng đề xuất giải pháp quản lý và phát triển hạ tầng xanh ở Việt Nam như: Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển hệ thống hạ tầng xanh, thông minh; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn về quy hoạch đô thị, công trình hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch có liên quan đến hạ tầng xanh, tiêu chuẩn thiết kế công trình hạ tầng xanh.
Xây dựng và hoàn thiện các chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh; Tiếp tục thí điểm ứng dụng mô hình thoát nước bền vững; Triển khai chuyển đổi số, ứng dụng KH&CN trong chiếu sáng thông minh tiết kiệm năng lượng...
Quy định bắt buộc đối với 10 loại công trình hạ tầng
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia đề cấp đến các nghiên cứu trong thực tiễn như: Các không gian xanh (công viên, hành lang xanh, các khu vực ven sông…) theo hướng hạ tầng xanh cần phải tăng cường kết nối với tự nhiên qua việc tạo sinh khối, tăng cường khả năng thấm nước, độ che phủ kết nối với cảnh quan cùng với hạ tầng kỹ thuật để trở thành một hệ thống hạ tầng cơ sở xanh cho đô thị.
Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp kết nối các không gian xanh với yếu tố cảnh quan, môi trường sinh thái. Cụ thể hóa các giải pháp thoát nước mưa, cấp nước xanh. Các giải pháp trong công tác quy hoạch, thiết kế kiến trúc, cho phát triển các khu vực đặc thù như hạ tầng KCN xanh, khu nhà ở xanh và các ý tưởng về kỹ thuật khác.
Thông qua nghiên cứu hạ tầng xanh khu vực nông thôn, làng xã và vùng huyện, đã nhận diện được thực trạng đứt gãy kết nối và đề xuất tái kết nối với tự nhiên, tạo nên chất lượng môi trường nông thôn bền vững hơn.
Bên cạnh đó, cũng đã có những nghiên cứu mới thành công trong thực tiễn như sử dụng vật liệu đất thân thiện với môi trường, những kiến nghị sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng trong công trình...
Trong bài trình bày giới thiệu Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống các công trình hạ tầng (QCVN 07:2023) theo hướng hạ tầng xanh, PGS.TS Phạm Đức Nguyên - Phó Chủ tịch Hội MTXDVN cho biết, trong 3 năm vừa qua (2021-2023), Hội MTXDVN đã chủ trì nghiên cứu, soát xét, bổ sung cập nhật Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07:2016 về các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Qua nhiều lần hội thảo, thu thập ý kiến đóng góp rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý. Qua đó, Quy chuẩn QCVN 07:2023 về Hệ thống các công trình Hạ tầng kỹ thuật đã được Bộ Xây dựng chính thức ban hành vào cuối năm 2023, là những quy định kỹ thuật bắt buộc tuân thủ đối với 10 loại hình công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Đáng chú ý, Quy chuẩn mới đề xuất các tiêu chí tối thiểu bắt buộc mỗi công trình phải thực hiện, nhằm bảo đảm chất lượng phục vụ của công trình, bảo đảm “môi trường xanh đô thị” và an toàn, an ninh cho người dân, phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, môi trường của Việt Nam hiện tại và sau 5 - 10 năm.
Quy chuẩn bổ sung những công trình mới xuất hiện trong những năm sau 2016. Các tiêu chí trong Quy chuẩn cũng được so sánh, đối chiếu với các tiêu chí được nhiều nước trên thế giới áp dụng…