Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 24/3/2025 phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung đô thị Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000.

Hiệp Hòa lấy phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị kết hợp dịch vụ làm trọng tâm
Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Quy mô diện tích quy hoạch khoảng 20.599,65 ha.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm xây dựng huyện Hiệp Hòa trở thành thị xã, đô thị loại IV trước năm 2030 theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại và bản sắc, có những bước đột phá nhằm đưa nền kinh tế của huyện phát triển bền vững; đến năm 2045 trở thành đô thị loại III, mang đặc trưng nổi bật về sự gắn kết hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, có hình ảnh đặc trưng hấp dẫn gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan.
Đồng thời từng bước xây dựng đô thị Hiệp Hòa trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mới của tỉnh Bắc Giang và vùng Thủ đô Hà Nội, động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Tây tỉnh Bắc Giang.
Đô thị Hiệp Hòa lấy phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị kết hợp dịch vụ làm trọng tâm, tập trung vào 2 cực phát triển chính: Trung tâm hiện hữu (khu vực thị trấn Thắng hiện nay và vùng phụ cận) và trung tâm kinh tế phía Nam (vùng phát triển các khu công nghiệp quy mô lớn, 2 khu logistics gắn với cảng Xuân Cẩm và Đông Lỗ - Tiên Sơn).
Hướng phát triển không gian chủ đạo của đô thị bám dọc theo các trục đường hướng tâm (ĐT 296, ĐT 288, ĐT 295, Quốc lộ 37) và các tuyến đường vành đai.
Theo định hướng, đến năm 2030, khu vực nội thị gồm 10 đơn vị hành chính (Thắng, Bắc Lý, Hùng Thái, Thường Thắng, Danh Thắng, Lương Phong, Đoan Bái, Hương Lâm, Châu Minh, Mai Đình). Diện tích 10.745,94 ha, chiếm 52,17%.
Đến năm 2045, khu vực nội thị gồm 13 đơn vị hành chính (Thắng, Bắc Lý, Hùng Thái, Thường Thắng, Danh Thắng, Lương Phong, Đoan Bái, Hương Lâm, Châu Minh, Mai Đình và bổ sung thêm 3 đơn vị hành chính gồm: Đông Lỗ, Xuân Cẩm, Mai Trung). Diện tích 14.333,52 ha, chiếm 69,58%.
Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế
Về công nghiệp: Giai đoạn đến năm 2030, huyện Hiệp Hoà cơ bản hình thành 4 khu công nghiệp, 14 cụm công nghiệp đã được phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.
Giai đoạn đến năm 2045 mở rộng KCN Hòa Yên, KCN Minh Châu - Bắc Lý - Hương Lâm theo định hướng tầm nhìn đến năm 2050 đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.
Các ngành công nghiệp được xây dựng tại Hiệp Hòa là công nghiệp đa ngành, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp thế hệ mới, hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Nông - lâm - ngư nghiệp: Duy trì vùng đất nông nghiệp, vùng nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy các vùng nông nghiệp đặc sản địa phương (vùng trồng rau cần và nuôi cá giống Hoàng Lương, vùng trồng lúa nếp cái hoa vàng Thái Sơn, vùng trồng lạc Lương Phong, Ngọc Sơn, Danh Thắng).
Đồng thời chuyển đổi, đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2030, bổ sung mới vùng nông nghiệp công nghệ cao phía Đông Bắc và vùng chuyển đổi chức năng Trung tâm Thử nghiệm ô tô không thực hiện thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Du lịch: Phát triển các loại hình du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái và du lịch trải nghiệm nông nghiệp và du lịch cộng đồng; xây dựng Công viên du lịch văn hóa - lịch sử núi Y Sơn (xã Sơn Thịnh); xây dựng Khu đô thị - dịch vụ - du lịch sinh thái Vườn Cò (thị trấn Bắc Lý và xã Đông Lỗ); phát triển du lịch văn hoá vùng ATK II, hệ thống chùa, đình đền, lăng mộ đá.
Ngày 21/7/2024, Hội đồng thẩm định liên ngành đánh giá đô thị Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đạt 84,36/100 điểm, qua đó đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Kết quả rà soát, đánh giá của địa phương đối với 5 tiêu chí và 63 tiêu chuẩn của đô thị loại IV, đô thị Hiệp Hòa đạt 5/5 tiêu chí.
Hội đồng thẩm định cho rằng, Hiệp Hoà còn 7 tiêu chuẩn không đạt, gồm cân đối thu chi ngân sách, nhà tang lễ, đất cây xanh công cộng khu vực nội thị bình quân theo đầu người, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, tỉ lệ tuyến phố văn minh đô thị, công trình xanh; khu chức năng đô thị được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) bổ sung thêm 3 tiêu chuẩn không đạt, gồm tỉ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; đất xây dựng công trình dịch vụ công cộng đô thị; công trình văn hoá cấp đô thị…