Hà Nội: Chốt các mốc thời gian cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

18:36 22/12/2021
Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội vừa được ban hành với nhiều nội dung cụ thể được ấn định thời gian hoàn thành, cho thấy những tín hiệu khả thi trong quá trình thực hiện.

Chốt thời gian cho từng nhiệm vụ

Mặc dù xác định công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ lớn, cấp thiết nhưng UBND TP Hà Nội cũng thừa nhận, sau nhiều năm triển khai kết quả thực hiện còn rất hạn chế do những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Trong số khoảng 1.579 chung cư cũ, đến nay Hà Nội mới thực hiện được 19 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ và 14 dự án đang triển khai.

Để khắc phục tình trạng chậm trễ này, UBND TP Hà Nội đã khẩn trương xây dựng và đến nay đã ban hành"Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội" (gọi tắt là Đề án). Đây được coi là cơ sở pháp lý, công cụ giải pháp thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Đáng chú ý, Đề án đã xác định rõ mốc thời gian hoàn thành các nhiệm vụ. Trong đó, tiến độ thực hiện kiểm định nhà chung cư cũ theo từng năm trong giai đoạn 2021-2025 được chia làm 4 đợt và phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định tất cả chung cư cũ trên địa bàn TP trước quý III/2023.

Nhiều chung cư cũ tại Hà Nội đã xuống cấp nặng nề đang chờ được cải tạo, xây dựng lại.

Việc tổ chức lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, đề án quy gom toàn bộ các khu chung cư, nhà chung cư trong chung cư cũ đối với 76 khu được chia làm 4 đợt, bố trí nguồn vốn ngân sách lập quy hoạch với tiến độ hoàn thành chậm nhất quý IV/2023.

Trên cơ sở kế hoạch kiểm định và kế hoạch lập quy hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, TP sẽ lựa chọn triển khai lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại 10 khu, gồm 6 khu có tính khả thi cao như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân... và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D: Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp.

Cùng đó, rà soát bổ sung triển khai đối với khu chung cư có nhà nguy hiểm, hư hỏng nặng và nhà chung cư đơn lẻ nguy hiểm, hư hỏng nặng (có phát sinh trong quá trình kiểm định) còn lại trên địa bàn TP. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2023 đối với 14 dự án đang triển khai; tháo gỡ đối với dự án cải tạo, xây dựng lại khu chung cư Nguyễn Công Trứ đang dở dang… Với chung cư cũ đã hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết xong trước hoặc trong quý IV/2022, có thể tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự kiến trước hoặc trong quý I/2023, dự kiến khởi công trước hoặc trong quý II/2023.

Gỡ điểm nghẽn hệ số đền bù

Qua khảo sát điều tra xã hội một số khu chung cư cũ cho thấy phần lớn ý kiến đồng thuận của các hộ dân (chủ sở hữu nhà chung cư) đối với chủ trương cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, đạt tỷ lệ từ 63 - 95%. Tuy nhiên, đa số các hộ dân khi được hỏi ý kiến đều yêu cầu hệ số bồi thường cao với diện tích căn hộ tái định cư tại chỗ từ k > 1,3 đến k > 2. Như khu chung cư cũ Thành Công, tỷ lệ đồng thuận cải tạo đạt 95%, yêu cầu hệ số k>2 chiếm từ 89 - 92%; các khu Ngọc Khánh, Giảng Võ, tỷ lệ đồng thuận đạt 70%, yêu cầu hệ số k >1,5 đến k > 2,5 chiếm 96,2%... Đây được cho là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trong suốt thời gian qua.

Do đó, một trong những nội dung của Đề án được rất nhiều người dân quan tâm là công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường hỗ trợ tái định cư, nhà ở tạm thời (tạm cư). Đối với nội dung này, Thành phố cho biết, trên cơ sở quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP; quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng khu, nhóm, nhà chung cư cũ hoặc đề án, dự án quy gom tái định cư chung cư cũ độc lập đơn lẻ được cấp thẩm quyền phê duyệt; căn cứ vào điều kiện cụ thể từng khu vực, tính khả thi, tính toán hiệu quả đầu tư (điểm hòa vốn) của từng dự án, UBND TP quyết định hệ số k bồi thường từ 1 - 2 lần (không được phép vượt quá 2 lần) diện tích sử dụng căn hộ cũ, theo nguyên tắc: hệ số k giảm dần từ ngoài vào khu vực nội đô; xác định hệ số k đối với từng dự án trên cơ sở xác định điểm hòa vốn của dự án…

Là địa phương có nhiều dãy nhà tập thể cũ, Chủ tịch UBND phường Thành Công (quận Ba Đình) Ngô Ngọc Lâm cho biết, trong số 87 nhà tập thể cũ cao từ 2 - 5 tầng trên địa bàn phường thì có tới 14 nhà tập thể có dấu hiệu nguy hiểm cao cần sớm được cải tạo xây dựng lại. Do đó, việc TP ban hành đề Đề án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, trong đó có quy hoạch tổng thể và đưa ra hệ số đền bù, hỗ trợ cụ thể là hết sức cần thiết. Từ đó, chính quyền địa phương có cơ sở để tuyên truyền người dân di dời đến nơi ở mới, tạo điều kiện cho việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Ở góc độ người dân sống tại nhà chung cư cũ, bà Hoàng Thị Hường, nhà C4, tập thể Thành Công chia sẻ, hầu như người dân sống ở các nhà chung cư cũ đều có nguyện vọng được cải tạo xây dựng lại. Riêng đối với khu tập thể Thành Công đã xây dựng từ lâu hiện đã xuống cấp nặng nề nên người dân đang rất mong chờ được cải tạo lại để có được chỗ ở đàng hoàng hơn. Vấn đề người dân băn khoăn nhất hiện nay là TP cần đưa ra hệ số đền bù hợp lý với diện tích căn hộ đang sử dụng chứ không phải là diện tích được phân trước đây.

“Với khu tập thể Thành Công, nếu TP đưa ra hệ số đền bù là 1,3 – 1,5 thì chắc chắn người dân sẽ không đồng tình mà phải là 2 lần và tái định cư tại chỗ thì dân mới nhất trí. Do đó, Nhà nước cần lắng nghe và có giải pháp hợp lý, đáp ứng nguyện vọng của đa số người dân thì mới giải quyết được vấn đề lớn là cải tạo, xây dựng lại nhà tập thể cũ - bà Hoàng Thị Hường nêu kiến nghị.

Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm đanh giá, Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội vừa được TP ban hành được coi là một bước đột phá, không chỉ là định hướng mà còn là công cụ để tổ chức thực hiện xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội. Nội dung Đề án được xây dựng có chất lượng với sự tham gia của các cơ quan quản lý, chuyên gia, tổ chức xã hội, đặc biệt có sự tham gia của người dân, hy vọng sẽ sớm đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, để  tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đặt ra, cần sớm cụ thể hóa nhiều vấn đề được nêu trong Đề án như nguồn vốn, lựa chọn chủ đầu tư, công nghệ đầu tư xây dựng, tái định cư, đền bù GPMB…

 

Nguồn: Kinh tế& Đô thị

Bình luận