Điểm tin Quy hoạch - Kiến trúc

Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế

09:08 29/04/2024
Phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm; hình thành chuỗi đô thị tập trung, bao gồm du lịch, trung tâm dịch vụ, giải trí, khu bảo tồn thiên nhiên, cảng hàng không, cảng biển. Bên cạnh đó là một số tin tức đáng chú ý khác trong lĩnh vực Quy hoạch - Kiến trúc.

Phát triển TP Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm

Phú Quốc định hướng trở thành thiên đường du lịch biển trong khu vực. Ảnh: Báo Hà Nội mới

Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 05/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Theo đó, định hướng xây dựng TP Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế; là thành phố thông minh, hiện đại, văn minh, xanh, sạch, đẹp, an toàn và đáng sống; phát triển kinh tế biển, công nghiệp văn hóa. 

Ưu tiên phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức, kinh tế chia sẻ; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.

Phát triển hài hòa, gắn kết giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh; giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo, toàn vẹn lãnh thổ.

Ninh Thuận lấy kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng

Ngày 28/4, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội nghị, tỉnh Ninh Thuận công bố nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch mở ra không gian phát triển mới trong 10 năm và định hướng 20 năm tới; với mục tiêu đến năm 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng.

Đến năm 2050, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững; hệ thống đô thị ven biển thông minh, có bản sắc riêng, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu…

Tổ chức lại không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh vùng Nam Trung Bộ theo 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực, 3 hành lang phát triển, 5 nhóm ngành đột phá quan trọng, lấy kinh tế biển và kinh tế đô thị làm động lực phát triển.

Phát triển Bến Lức trở thành đô thị cửa ngõ của vùng TP.HCM

 Đô thị Bến Lức. Ảnh: internet

Ngày 25/4, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Bến Lức, tỉnh Long An đến năm 2045.  

Bến Lức được xác định là đô thị cửa ngõ, một trong những trung tâm trung chuyển của vùng TP.HCM và vùng ĐBSCL, là đô thị loại III trực thuộc tỉnh.

Đồng thời là đô thị hạt nhân, kết nối vùng đô thị trung tâm theo trục hành lang, kinh tế đô thị và công nghiệp; vùng phát triển công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, trung tâm công nghiệp - công nghệ cao, trung tâm văn hóa - đào tại - y tế chất lượng cao của vùng ĐBSCL.

Kết luận Hội nghị, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Bộ Xây dựng đề nghị địa phương rà soát lại toàn bộ các quy hoạch ngành, quốc gia có liên quan; làm rõ vị trí, vai trò của Bến Lức đối với tỉnh Long An.

Bên cạnh đó, cần làm rõ cơ sở của các dự báo về dân số, đất đai; xem xét vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính, mô hình tổ chức không gian phù hợp với đặc trưng sông nước; làm rõ hơn vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu…; rà soát hồ sơ, dự thảo quyết định đảm bảo thống nhất và thuyết phục về số liệu.

TP Hội An: Giải bài toán bảo tồn và phát triển bền vững đô thị di sản

Ngày 22/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức cuộc họp để nghe TP Hội An báo cáo thông qua đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hội An đến năm 2035, tầm nhìn 2050. 

Theo đồ án, Hội An phấn đấu trở thành đô thị loại II theo tiêu chí đặc thù vào năm 2030; hướng tới phát triển đô thị thông minh vào năm 2050, định hướng phát triển đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch mang tầm quốc tế, phát triển dựa trên nền tảng: dân tộc, hiện đại và bền vững…

Dự báo đến năm 2035, dân số toàn thành phố khoảng 160.000 người; đất xây dựng đô thị khoảng 2.841 ha. Đến năm 2050, số dân khoảng 230.000 người; đất xây dựng đô thị khoảng 3.274 ha.

Đồ án cũng vạch ra các chiến lược phát triển đô thị Hội An trong giai đoạn tới: bảo tồn không gian mặt nước độc đáo, đa dạng và dễ biến động của Hội An; quảng bá Hội An như một thành phố của di sản sống; cải thiện tình trạng quá tải và phát triển bền vững hơn.

TP Hội An sẽ được quy hoạch với 7 phân khu. Cấu trúc phân khu chức năng dựa theo ranh giới hành chính và tính chất, đặc điểm của 4 vùng không gian của Hội An. 

TP.HCM ủy quyền cho các quận, huyện điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu

Ảnh: Internet

UBND TP.HCM ủy quyền cho UBND các quận, huyện (ngoại trừ TP Thủ Đức) điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu (quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000) để phục vụ các dự án đầu tư công theo địa bàn.

Thành phố yêu cầu các quận, huyện, trước khi tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu để phục vụ các dự án đầu tư công, phải rà soát và báo cáo bằng văn bản để UBND Thành phố chấp thuận về chủ trương điều chỉnh cục bộ.

Trên cơ sở hồ sơ gửi lấy ý kiến đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 của các quận, huyện, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có ý kiến chuyên môn bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải phối hợp với địa phương đánh giá kết quả thực hiện hàng năm để làm cơ sở tham mưu UBND Thành phố tiếp tục ủy quyền hoặc mở rộng nội dung ủy quyền theo quy định.

Bình luận