Đảng ủy UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Thành ủy về việc chỉ đạo nghiên cứu Quy hoạch, đầu tư cải tạo và chỉnh trang một số quảng trường, không gian công cộng tại quận Hoàn Kiếm.

Theo đó, khu vực dự kiến quy hoạch và đầu tư quảng trường - công viên phía Đông hồ Hoàn Kiếm có diện tích khoảng 2,14 ha. Ranh giới khu vực là phía Tây giáp hồ Hoàn Kiếm, phía Bắc giáp khu dân cư, phía Đông giáp phố Lý Thái Tổ, phía Nam giáp phố Trần Nguyên Hãn.
UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, khu vực thực hiện dự án có 47 chủ sử dụng nhà đất, bao gồm 12 tổ chức, cơ quan; 35 hộ dân, gồm 23 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; 2 hộ có hợp đồng thuê nhà với Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội; 2 hộ nằm trong sổ quản lý nhưng chưa có hợp đồng thuê nhà.
Đáng chú ý, khu vực dự án có một số công trình kiến trúc có giá trị như 1 công trình thuộc Viện Văn học, 2 công trình thuộc Điện lực Hà Nội, 1 công trình thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và công trình “Nhà đèn”, tượng Bác Hồ trong khuôn viên Điện lực Hà Nội.
Theo kế hoạch trước đó, Hà Nội sẽ điều chỉnh quy hoạch khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận (H1-1B) tỷ lệ 1/2000, đồng thời lập quy hoạch chi tiết 1/500 theo quy trình rút gọn. Thành phố cũng xây dựng và phê duyệt phương án kiến trúc khu đất phía Đông hồ Hoàn Kiếm, dự kiến hoàn thành trước ngày 16/4.

Hà Nội hiện cũng đang lập đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực Bắc Hồ Gươm, Nam phố cổ, chủ đạo là Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Trong đó tòa nhà "Hàm cá mập" dự kiến được phá bỏ trước ngày 30/4 tới đây để mở rộng không gian công cộng ở khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Theo TS.KTS Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận là một khu vực đặc biệt, gắn với không gian văn hóa, lịch sử. Đây cũng là nơi tổ chức không gian đi bộ vào cuối tuần, và nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, do đó đặt ra yêu cầu phải mở rộng không gian.
“Tòa nhà “Hàm cá mập” không còn phù hợp với không gian hiện nay. Việc phá bỏ tòa nhà sẽ giúp mở rộng không gian khô, phát triển không gian ngầm, liên kết với ga tàu điện ngầm C9 dự kiến xây dựng tại khu vực trụ sở Điện lực Hà Nội hiện nay”, TS.KTS Trương Văn Quảng nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, TS Trần Anh Tuấn - nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc Hà Nội dự kiến xây dựng công trình ngầm tại khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cần có sự rà soát để phù hợp với các quy hoạch liên quan.
“Đặc biệt, với dự kiến khai thác cả chức năng bãi đỗ xe thì cơ quan chức năng cần lưu ý thiết kế đường lên xuống, và kết nối với hạ tầng giao thông xung quanh, tránh ảnh hưởng đến luồng lưu thông của phương tiện”, TS Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng theo TS Trần Anh Tuấn, cần tính toán phương án kết nối với các hạng mục công trình ngầm khác trong khu vực để tạo thành quần thể, thuận lợi cho người dân và tăng hiệu quả khai thác.