Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP Thái Nguyên đến năm 2045. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị, cùng sự tham dự của ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; đại diện các Bộ, ngành là thành viên của Hội đồng nghiệm thu.

Theo dự thảo Nhiệm vụ, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP Thái Nguyên, với 21 phường và 11 xã, diện tích tự nhiên khoảng 222,12 km2.
Ranh giới khu vực quy hoạch có phía Bắc giáp huyện Đại Từ, huyện Phú Lương, huyện Đồng Hỷ; phía Nam giáp TP Sông Công; phía Đông giáp huyện Phú Bình; phía Tây giáp huyện Đại Từ.
Thời hạn quy hoạch, giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045.
Dự báo sơ bộ quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 550.000 người; đến năm 2045 khoảng 750.000 người.
Dự báo nhu cầu sử dụng đất, đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 6.000 - 7.000 ha, đất dân dụng khoảng 3.600 - 3.800 ha. Đến năm 2045, đất xây dựng đô thị khoảng 9.000 - 10.000 ha, đất dân dụng khoảng 4.500 - 4.800 ha.
Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch cũng đặt ra các yêu cầu chính gồm phân tích vai trò của TP Thái Nguyên đối với vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; đánh giá mối liên hệ của TP Thái Nguyên trong hành lang kinh tế Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội - Hải Phòng và các tỉnh lân cận.
Xác định các tiềm năng, lợi thế phát triển, các mối quan hệ hợp tác phát triển và xác định các động lực phát triển, lựa chọn các ngành kinh tế mũi nhọn theo từng giai đoạn, tạo sức lan tỏa của Thành phố.
Đánh giá tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên, TP Thái Nguyên và các khu vực lân cận; hiện trạng sử dụng đất và không gian cảnh quan; thực trạng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội trên địa bàn, hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường.
Rà soát các chương trình, dự án, đồ án có liên quan và tình hình thực hiện Quy hoạch chung năm 2016 đến nay.
Đánh giá tổng hợp hiện trạng, đề xuất các nội dung trọng tâm cần điều chỉnh trong quy hoạch mới; xác định các thế mạnh cần khai thác làm cơ sở hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Dự báo phát triển đến năm 2030, năm 2045 dựa trên các tiềm năng và thế mạnh đặc trưng.
Nghiên cứu, rà soát, kế thừa hợp lý các định hướng của Quy hoạch chung 2016 và các quy hoạch ngành có liên quan.
Đề xuất định hướng phát triển không gian các khu vực đô thị, các khu vực đặc thù; nghiên cứu cấu trúc đô thị (khai thác các giá trị về cảnh quan sông nước, hạ tầng giao thông); đề xuất giới hạn phát triển các khu vực đô thị hiện hữu, đô thị mới, các khu chức năng và vùng dự kiến phát triển (đặc biệt là các khu vực ven sông Cầu, hồ núi Cốc…).
Đề xuất định hướng phát triển không gian nông thôn và vùng ven đô, tổ chức phát triển các làng nghề đi đôi với bảo tồn nhằm phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử.
Xác định luận cứ, xây dựng tiêu chí lựa chọn quy hoạch, chương trình, dự án ưu tiên đầu tư. Dự kiến sơ bộ quy mô tổng mức đầu tư, dự kiến nguồn vốn và phân kỳ đâu tư theo các giai đoạn quy hoạch.

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá hồ sơ Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP Thái Nguyên cơ bản đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị đơn vị lập quy hoạch làm rõ thêm hiện trạng phát triển đô thị về hình thái và thiết kế đô thị, phát triển văn hóa đô thị; tiền đề và động lực phát triển đô thị còn mờ nhạt, do đó cần làm rõ hơn để có thêm động lực, nền tảng cho phát triển đô thị.
Đồng thời phân tích làm rõ hơn vai trò, vị trí của TP Thái Nguyên trong mối quan hệ với vùng tỉnh, cũng như các địa phương xung quanh, đặc biệt là với Vùng Thủ đô; nghiên cứu rõ hơn về cấu trúc đô thị, kết nối không gian với các vùng du lịch, trên cơ sở đó xem xét lại việc tổ chức giao thông đường bộ, đường sắt…

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho rằng, việc lập Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP Thái Nguyên là cần thiết, do Quy hoạch 2016 được lập đã lâu, trong khi nhiều định hướng, chiến lược phát triển mới, quy hoạch mới cần cập nhật; bên cạnh đó là các nhiệm vụ về sắp xếp đơn vị hành chính, yều cầu rà soát lại phát triển đô thị…
Thứ trưởng thống nhất về thời gian lập quy hoạch, phạm vi ranh giới như Nhiệm vụ Quy hoạch nêu ra, tuy nhiên để đảm bảo tính pháp lý, cơ quan lập quy hoạch cần bổ sung văn bản của Bộ TN&MT xác nhận phạm vi nêu trong Nhiệm vụ Quy hoạch là đúng quy định của pháp luật;.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị địa phương tiếp tục rà soát, đảm bảo nhận thức được đầy đủ các tiềm năng thế mạnh, lợi thế phát triển của địa phương, trên cơ sở đó có tiền đề để xây dựng TP Thái Nguyên trở thành một cực tăng trưởng phía Bắc của Vùng Thủ đô, gắn với các tỉnh, thành phố vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Đồng thời rà soát các nội dung của Nhiệm vụ Quy hoạch đảm bảo phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch khác liên quan, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh, định hướng nhiều nội dung liên quan đến TP Thái Nguyên; rà soát việc lập và thực hiện các quy hoạch cấp dưới; rà soát việc tổ chức thu hút, thực hiện đầu tư.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, dự báo dân số, đất đai cần phù hợp với các định hướng phát triển, từ đó đưa ra các chỉ tiêu dự báo có cơ sở; quan tâm đến các nội dung mới như quy hoạch không gian ngầm, nhà ở xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực cho phù hợp với định hướng phát triển chung…