Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế để bổ sung nguồn lực tài chính

00:05 23/05/2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, bên cạnh môi trường pháp lý cạnh tranh, minh bạch, tiến bộ, thông thoáng, thì hạ tầng phải hiện đại, tiên tiến, thông suốt để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Chiều 22/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp tiếp tục thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp tiếp tục thảo luận, cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tích cực, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Đặc biệt, tích cực xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam để trình Bộ Chính trị xem xét và trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay trong kỳ họp thứ 9 đang diễn ra; đồng thời xây dựng các nghị định chuyên ngành để sớm xây dựng, đưa vào vận hành trung tâm.

Tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận về các vấn đề liên quan, như: Mục tiêu của việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế; mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam; các định hướng phát triển và lĩnh vực trọng tâm; thành viên, các sản phẩm chủ yếu của trung tâm tài chính; các chính sách, cơ chế đặc thù; cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thị thực; việc áp dụng thể chế, thông lệ quốc tế; vấn đề tự do hoá ngoại hối và hoạt động ngân hàng; việc giải quyết tranh chấp theo chuẩn mực quốc tế…

Thủ tướng nêu rõ, đặc biệt phải bảo đảm quyền tài sản, bảo đảm tự do, sáng tạo trong kinh doanh, tự do đi lại, ra vào thuận tiện, có chính sách visa thuận lợi với những người cần khuyến khích, tạo môi trường sống vượt trội, thuận lợi, an toàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã xác định 2 mục tiêu 100 năm (đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao); muốn đạt được thì phải tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số, để tăng trưởng 2 con số thì phải có vốn, do đó phải xây dựng, phát triển trung tâm tài chính quốc tế để bổ sung nguồn lực tài chính cho 2 mục tiêu nói trên.

Thủ tướng nêu rõ, để đạt mục tiêu đề ra trong xây dựng trung tâm tài chính quốc tế thì môi trường pháp lý phải cạnh tranh, minh bạch, tiến bộ, thông thoáng; hạ tầng phải hiện đại, tiên tiến, thông suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp xu thế thế giới và điều kiện cụ thể, hoàn cảnh Việt Nam; nhân lực phải chuyên nghiệp, chất lượng cao; quản trị phải thông minh, hiện đại, phù hợp.

Thủ tướng nêu rõ, tất cả những điểm này phải vượt trội so với các trung tâm tài chính hiện có trong khu vực và trên thế giới; đặc biệt là bảo đảm quyền tài sản, bảo đảm tự do, sáng tạo trong kinh doanh, tự do đi lại, ra vào thuận tiện, có chính sách visa thuận lợi với những người cần khuyến khích, tạo môi trường sống vượt trội, thuận lợi, an toàn.

Các mục tiêu là thu hút vốn cho phát triển đất nước nhanh, xanh, bền vững, đặc biệt là vốn trung và dài hạn; tạo môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư, thiết lập và cung ứng các dịch vụ tài chính hiện đại cho thế giới; phát triển đồng tiền số phù hợp xu thế phát triển chung và điều kiện Việt Nam; bảo đảm tự do luân chuyển dòng vốn và lợi nhuận hợp pháp, phù hợp thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam.

Thủ tướng lưu ý, tự do hóa các hoạt động kinh doanh nhưng có lộ trình phù hợp với nền kinh tế; cắt bỏ tất cả các loại giấy phép sau khi đã có quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn và tăng cường hậu kiểm; vận hành trung tâm theo cơ chế thị trường, tôn trọng quy luật cạnh tranh, cung cầu và quy luật giá trị, có sự quản lý thống nhất của Nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; có tòa án chuyên biệt tại trung tâm.

Ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 47-TB/TW về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Theo đó, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương đối với Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, với những nội dung chủ yếu như sau:

Thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng.

Lựa chọn phát triển các trung tâm tài chính có ranh giới địa lý nhất định và đối tượng điều chỉnh được xác định theo tiêu chí rõ ràng, nhưng không "biệt lập"; theo mô hình "kết hợp" với các chính sách đặc thù, vượt trội theo lộ trình.

Mục tiêu cụ thể, từ nay đến năm 2030: Ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay; đồng thời, thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.

Từ năm 2030 đến năm 2035: Tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.

Bình luận