Xem xét thực hiện/hủy bỏ dự án xi măng Thanh Sơn

10:06 28/04/2022
Việc dừng triển khai hay cho phép tiếp tục thực hiện và nâng công suất dự án xi măng Thanh Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa phải bảo đảm quyền lợi và vốn đầu tư của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 20558/UBND-CN ngày 27/12/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa xin ý kiến về việc dừng triển khai thực hiện dự án xi măng Thanh Sơn tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; đồng thời cũng nhận được văn bản số 08/2022-XMTS ngày 16/3/2022 của Công ty CP xi măng Thanh Sơn xin tiếp tục thực hiện dự án và nâng công suất xi măng Thanh Sơn.

Ngày 11/3/2022, Đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã kiểm tra tại mặt bằng dự án và các mỏ nguyên liệu; cùng làm việc với Đoàn có Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành của tỉnh Thanh Hóa và UBND huyện Ngọc Lặc. Trên cơ sở các văn bản và kiểm tra thực tế, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

Dự án xi măng Thanh Sơn nằm trong Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 (viết tắt là Quy hoạch 1488), theo đó dự án gồm 01 dây chuyền với công suất thiết kế 910.000 tấn xi măng/năm (tương đương 2.500 tấn clanhke/ngày) tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

Tại mục 7 Phụ lục kèm theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 26/8/2019 của Chính phủ ban hành Danh mục các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch quy định bãi bỏ Quy hoạch 1488.

Tại khoản 3 Điều 59 Luật Quy hoạch quy định: “Dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy hoạch đã được công bố trước ngày Luật này có hiệu lực thì được thực hiện đến hết thời hạn của dự án đó theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Tại mục 1.a Phụ lục I - Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam quy định: “Tổng công suất thiết kế các nhà máy xi măng đến năm 2025 không vượt quá 125 triệu tấn/năm; đến năm 2030 không vượt quá 150 triệu tấn/năm”.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu, xem xét về đề nghị của Công ty CP xi măng Thanh Sơn để đảm bảo quyền lợi và vốn đã đầu tư của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Bình luận