Xén vỉa hè - Lo bộ mặt đô thị thêm vá víu

07:00 27/08/2024
Nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, 7 tuyến đường chính được Sở GTVT Hà Nội đề xuất xén vỉa hè và dải phân cách với kinh phí do thành phố chi là 225 tỷ đồng. Nhưng, các chuyên gia lại lo ngại những hệ lụy của đề xuất chuyển đổi này, bởi việc cắt bớt không gian vỉa hè sẽ càng làm bộ mặt đô thị thêm vá víu.
Xén vỉa hè - Lo bộ mặt đô thị thêm vá víu
Tuyến đường Láng Hạ quá tải vào giờ cao điểm. Ảnh: Tuấn Đông

Các tuyến đường đề xuất gồm Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến. Trong đó, tuyến đường Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu nằm trên trục buýt nhanh BRT - trục giao thông xuyên tâm, tập trung phương tiện ra vào khu vực trung tâm nên lưu lượng phương tiện tăng cao, đặc biệt vào khung giờ cao điểm.

Việc mở rộng các tuyến đường, đặc biệt là tuyến BRT, được Sở GTVT lý giải, là sẽ giúp tăng cường khả năng lưu thông, rút ngắn thời gian di chuyển và góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Giải pháp tình thế hay đi ngược với xu thế?

Các chuyên gia cho rằng, trong điều kiện Việt Nam đang khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng và những hình thức di chuyển xanh như đi bộ, xe đạp thì việc xén vỉa hè, thu hẹp không gian này để ưu tiên cho các phương tiện cá nhân khác như ôtô, xe máy là một việc làm đi ngược với xu thế.  

TS Trần Anh Tuấn lo ngại những tác động đến hạ tầng kỹ thuật và đời sống người dân khi thực hiện xén vỉa hè. Ảnh: Tuấn Đông

TS Trần Anh Tuấn - nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, nêu quan điểm: Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông cục bộ, chúng ta cần tìm cách giảm lưu lượng phương tiện cá nhân, giãn mật độ dân số, tăng cường năng lực giao thông công cộng, kết hợp phân luồng giao thông một cách hợp lý.  

Về nguyên tắc, đối với các trục đường chính, đường liên khu vực, trong quá trình lập quy hoạch, các cơ quan chức năng đã phải tính toán lưu lượng giao thông cho phù hợp. Tình trạng ùn tắc, đặc biệt là vào giờ cao điểm, có thể do nguyên nhân bố trí dân cư dọc tuyến và các khu vực kết nối bất cập, dẫn đến giải pháp tình thế là buộc phải tăng mặt cắt đường để giải quyết bài toàn giao thông.

“Trong điều kiện không có giải pháp nào khác khả thi, cực chẳng đã mới phải tính đến giải pháp tình thế là xén vỉa hè” - ông Tuấn nói.

Nhưng "gỡ cái sảy thường lại dễ nảy cái ung", nếu giải pháp không mang tính tổng thể. Ông Tuấn cho rằng, “hệ lụy của giải pháp tình thế kia là không ít, trước hết, dân cư hai bên đường sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi tiếng ồn, ô nhiễm khói, bụi, và thêm cả những bất tiện trong đời sống”, do vỉa hè bị xén nhỏ đi, phương tiện giao thông sẽ áp sát nhà cửa, công sở hai bên đường hơn.

Chưa hết, một số hợp phần hạ tầng kỹ thuật, như cột điện, đèn đường, bảng hiệu giao thông, hộp kỹ thuật… vốn đang đi trên vỉa hè, nay có thể phải “nhảy” xuống lòng đường vì không phải cái nào cũng có thể di chuyển được, hoặc có thể phải chờ đợi di chuyển trong một… dự án khác.  

Vỉa hè là không gian công cộng cần được tôn trọng

Ở một góc nhìn khác, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nêu quan điểm: Trước hết phải khẳng định, vỉa hè là bộ phận không gian công cộng hết sức quan trọng, cần có nhận diện đầy đủ về giá trị di sản của Hà Nội xoay quanh không gian này.

Trước hết, vỉa hè là không gian công cộng, tạo lập kiến trúc cảnh quan, diện mạo đô thị; là không gian trung chuyển hệ thống giao thông và gắn với công trình kiến trúc hai bên đường; đặc biệt, là nơi dành cho người đi bộ.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm: "Vỉa hè là bộ phận không gian công cộng hết sức quan trọng, cần có nhận diện đầy đủ về giá trị di sản của Hà Nội xoay quanh không gian này". Ảnh: Tuấn Đông

Thực tế lịch sử để lại cho Hà Nội với nhiều tuyến phố không có vỉa hè, hoặc có nơi thì vỉa hè rộng 2 - 3 mét, nơi lại đến 5 mét, thậm chí hơn. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, vấn đề bảo tồn các di tích, trong đó có các giải pháp liên quan đến vỉa hè khu vực hồ Tây, hồ Gươm, phố cổ… được bàn luận rất nhiều. Đến nay, Hà Nội có hơn 1.000 tuyến phố có vỉa hè.

Để có bức tranh toàn cảnh, cần thực hiện điều tra phân loại vỉa hè theo chức năng từng tuyến phố, quy mô vỉa hè, đặc biệt là gắn với định hướng phát triển và đặc điểm cuộc sống của người dân hai bên đường…

Khi mở các tuyến đường, việc dành không gian cho vỉa hè đã được tính đến đầy đủ. Nhiều giải pháp về phát triển không gian công cộng, không gian xanh, hạ tầng kỹ thuật, đường dành cho người đi bộ, phát triển du lịch, mở rộng mô hình kinh tế ban đêm... trong đó có phát triển vỉa hè, đã được chính quyền thành phố Hà Nội đưa ra, tạo nên dấu ấn đột phá, nhất là từ những năm 2015, 2016.  

“Đến nay, có thể thấy được một số kết quả, nhưng xét về tổng thể, Hà Nội vẫn cần những giải pháp mang tính toàn diện, ổn định hơn nữa, nhất là hạn chế việc tác động đến không gian công cộng này, tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân bên cạnh vỉa hè” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

 

Hệ thống cây xanh, điện, nhà chờ xe bus sẽ bị ảnh hưởng khi thực hiện xén vỉa hè. Ảnh: Tuấn Đông

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng lưu ý, Hà Nội cũng cần quan tâm đến các chính sách đặc thù mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi), với hơn 50 cơ chế đặc thù, cùng khoảng 70 vấn đề cần được cụ thể hóa, trong đó có các vấn đề liên quan đến vỉa hè, cây xanh, tạo lập Quỹ bảo tồn di sản…, gắn với Luật Đất đai (sửa đổi), các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới, khi Hà Nội được quyền xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mời phù hợp với điều kiện đặc thù của mình...

Bình luận