Sự vào cuộc mạnh mẽ của các chủ đầu tư
Ngày 17/5 vừa qua, tại lễ động thổ KCN Cây Trường (700ha), KCN Bàu Bàng mở rộng giai đoạn 2 (380ha), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới đã trao chứng nhận công trình xanh EDGE Advanced cho chủ đầu tư - Tổng công ty Becamex IDC.

Ông Phạm Ngọc Thuận - Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC, cho biết, hai KCN này được quy hoạch gần các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, nhằm hình thành một quần thể liên kết công nghiệp - năng lượng hoàn chỉnh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Becamex IDC.
Trước đó, ngày 09/4, tại KCN Việt Nam - Singapore III (VSIP III), tại Bình Dương, Công ty LEGO Manufacturing Việt Nam tổ chức khánh thành Nhà máy LEGO. Đây là cơ sở sản xuất bền vững nhất của Tập đoàn LEGO trên toàn cầu, tính đến thời điểm hiện tại.
Ông Niels B.Christiansen, Tổng giám đốc Điều hành của Tập đoàn LEGO cho biết: "Phát triển bền vững là mục tiêu trọng tâm xuyên suốt trong từng hoạt động của Nhà máy LEGO Việt Nam. Nhà máy sẽ được vận hành bằng năng lượng tái tạo. LEGO ký kết thỏa thuận với VSIP để xây dựng một trung tâm năng lượng sử dụng giải pháp lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS), nhằm tận dụng nguồn năng lượng từ các tấm pin mặt trời trên mái trung tâm. Bằng việc kết hợp với hệ thống pin năng lượng mặt trời, nhà máy sẽ được đáp ứng 78% nhu cầu năng lượng hàng năm từ nguồn năng lượng tái tạo, trong 5 năm đầu tiên hoạt động. Trung tâm năng lượng dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong nửa cuối năm 2026".
Là một nhà đầu tư bất động sản KCN uy tín, từ đầu năm 2024, Viglacera chính thức công bố Thuan Thanh Eco-Smart IP, quy mô 262ha là KCN xanh và thông minh, với mục tiêu hướng đến là mang lại những giá trị thiết thực đối với môi trường cũng như đối với nhà đầu tư.
Đáng nói hơn nữa, lãnh đạo Viglacera đưa ra cam kết mạnh mẽ. Theo đó, đến năm 2025, Viglacera dự kiến phát triển thêm hơn 10 KCN, với diện tích tăng thêm khoảng từ 2.000 - 3.000 ha tại các địa bàn tiềm năng, nâng tổng số các KCN mang thương hiệu Viglacera lên trên 25, tổng diện tích các KCN lên 6.000 - 7.000ha.
Viglacera định hướng phát triển các KCN mới theo mô hình xanh, thông minh, với những mục tiêu cốt lõi là cắt giảm tối đa tiêu hao nguyên, nhiên liệu; giảm tiêu thụ nước; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giảm ô nhiễm môi trường; giảm phát thải. Tại các KCN xanh, sinh thái mới này, Viglacera ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ thân thiện môi trường, tạo ra giá trị gia tăng cao.
Đối với các KCN đã đầu tư, đang vận hành, Viglacera cũng sẽ đầu tư chuyển đổi, nâng cấp từng phần để đạt được mức xanh hóa cao nhất.
Vì sao có sự gia tăng của bất động sản công nghiệp xanh?
Theo ghi nhận của đại diện IFC, các công trình công nghiệp xanh tăng trưởng rõ rệt và mạnh mẽ trong 2 năm gần đây (2023 và 2024), chiếm hơn 50% diện tích sàn xanh là do có sự tham gia của loại hình nhà kho xanh (warehouse), song song với sự phát triển đều của mảng nhà máy (Industrial Factory).

Việc dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam cũng như đẩy mạnh công nghiệp hóa, mở rộng sản xuất và hoạt động kho vận tại Việt Nam của các nhà đầu tư FDI là lý do chính cho việc các công trình công nghiệp xanh tăng trưởng mạnh.
Cũng theo IFC, quý I/2025 ghi nhận sự gia tăng đáng kể với hơn 1,8 triệu m2 sàn đạt chứng nhận xanh. Trong đó, khối bất động sản công nghiệp có 1,25 triệu m2 sàn đạt chứng nhận xanh, chiềm gần 70%. Sự gia tăng diện tích sàn bất động sản công nghiệp đạt chứng nhận xanh trong quý I/2025 là do một số dự án lớn hoàn công…
Lý giải về sự gia tăng các KCN xanh tại Việt Nam, ThS.KS Bạch Ngọc Tùng - Công ty CP Công nghệ Xây dựng ACUD Việt Nam cho rằng, KCN đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư FDI với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
ThS.KS Bạch Ngọc Tùng nhận định, với tốc độ phát triển số lượng lớn các KCN như hiện nay, việc chuyển đổi thành KCN xanh, sinh thái tại Việt Nam là cần thiết nhằm đạt được hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội. Đây là giải pháp tối ưu, nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn thay thế kinh tế tuyến tính truyền thống.
Cũng theo ThS.KS Bạch Ngọc Tùng, KCN xanh, sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.
Đại diện Viglacera thì chia sẻ, với chiến lược “xanh hóa” các KCN, Viglacera kỳ vọng sẽ đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất thông minh, sản xuất xanh, thu hút các doanh nghiệp "đại bàng" lớn trên thế giới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam đến đầu tư nhà máy, nhà xưởng.
Với những nỗ lực trong phát triển các dự án xanh, Viglacera đang quyết tâm từng bước thu nhỏ “dấu chân carbon”, góp phần hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại COP 26.

Vẫn còn nhiều thách thức
ThS.KS Bạch Ngọc Tùng nhận định, “phát triển KCN sinh thái không chỉ là giải pháp giải quyết vấn đề môi trường trong công nghiệp mà còn là một chiến lược hiệu quả để xây dựng các cụm liên kết ngành mạnh, có sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững, góp phần nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam nói chung và phát triển các ngành công nghiệp tại Việt Nam nói riêng”.
Nhằm khuyến khích chuyển đổi hoặc phát triển mới các KCN sinh thái tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quy định về những ưu đãi đối với các KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận (Điều 39 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, ngày 28/5/2022).
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN sinh thái được hưởng chính sách ưu đãi: Được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai; được ưu tiên vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, thực hiện các hình thức huy động vốn hợp pháp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan; được đưa vào danh mục dự án thu hút đầu tư.
Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quỹ, nhà tài trợ trong nước và quốc tế; được cấp tín dụng xanh tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài Việt Nam theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan…
Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, chương trình xúc tiến đầu tư do các cơ quan nhà nước tổ chức, quản lý…
Doanh nghiệp trong KCN sinh thái được ưu tiên cung cấp thông tin có liên quan về thị trường công nghệ, khả năng hợp tác để thực hiện cộng sinh công nghiệp trong lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ KH&ĐT, nay là Bộ Tài chính, cũng đang đề xuất Chính phủ việc xây dựng Luật Khu công nghiệp - Khu kinh tế nhằm tạo ra hành lang pháp lý điều chỉnh các hoạt động của KCN, khu kinh tế, trong đó có các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển KCN sinh thái, KCN xanh…
Đề cập đến điều kiện thuận lợi phát triển các KCN xanh, thông minh, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Liên Chi hội BĐS công nghiệp Việt Nam cho rằng, Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các KCN xanh, thông minh, dựa trên 3 nhóm lợi thế then chốt: Vị trí địa lý chiến lược, động lực chính sách mạnh mẽ và nền tảng hạ tầng - nhân lực đang được cải thiện rõ rệt.
Để thực hiện hóa tiềm năng này, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng, cần có sự đồng lòng và quyết liệt từ tất cả các bên liên quan. “Chúng ta cần tập trung vào việc tái cấu trúc quy hoạch, nâng cấp hạ tầng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy các mô hình KCN thông minh, xanh, tuần hoàn. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam không chỉ thu hút dòng vốn FDI chất lượng mà còn khẳng định vị thế trong cuộc đua công nghiệp 4.0”, ông Tiến nhận định.
Một số chuyên gia khác cho rằng, việc phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các KCN là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho từng KCN, KKT, cho từng địa phương và cả nền kinh tế. Lợi ích này là to lớn và lâu dài, nhưng trong ngắn hạn, nhiều thách thức trở ngại làm cho quá trình chuyển đổi chưa diễn ra mạnh mẽ như mong đợi.
Hơn nữa, việc xây dựng KCN mới cũng như chuyển đổi KCN truyền thống theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần phải có tài chính, công nghệ, hợp tác và liên kết…