Ngày 12/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục có chuyến khảo sát thực tế và có cuộc làm việc chuyên đề về sụt lún, sạt lở, ngập úng tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Tình hình sạt lở đang diễn biến phức tạp
Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn biến phức tạp, uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, môi trường sinh thái.
Từ năm 2016 tới nay, ĐBSCL đã xuất hiện 779 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 1.134km (trong đó sạt lở bờ sông nhiều nhất với 666 điểm, chiều dài 744km; sạt lở bờ biển 113 điểm, chiều dài 390km).
Trong số này, có 63 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 240km (bờ sông 39 điểm, bờ biển 24 điểm).
Sạt lở bờ biển cũng có những diễn biến đáng lo ngại. Dữ liệu từ năm 2020 - 2022 cho thấy một số nơi ở huyện Ba Tri, Bến Tre bị sạt với tốc độ khá lớn (khoảng 30m/năm), ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) khoảng 35m/năm.
Về giải pháp công trình, những năm qua Trung ương đã bố trí hơn 16.223 tỉ đồng cho các địa phương xây dựng 218 công trình kè chống sạt lở với chiều dài 324km. Trong đó đã xây dựng hoàn thành 190 công trình với 246km, tổng kinh phí là 11.453 tỉ đồng. Đồng thời đã có kế hoạch đầu tư thêm 28 công trình (với chiều dài 78km, tổng kinh phí 4.770 tỉ đồng).
Quán triệt năm quan điểm chỉ đạo, điều hành
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL thời gian gần đây có diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, gây thiệt hại về người và tài sản.
Trên cơ sở khảo sát tại bảy tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và TP Cần Thơ, Thủ tướng yêu cầu tất cả những điểm "nóng" về sạt lở, sụt lún phải nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ theo quy định, gửi nhanh cho các cơ quan có thẩm quyền thẩm định để xem xét, quyết định, xử lý ngay.
Đối với năm tỉnh còn lại gồm Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre và Hậu Giang, Thủ tướng yêu cầu chọn ra dự án cấp bách nhất, trên tinh thần sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn dự trữ để thực hiện, nếu còn thiếu thì đề nghị Trung ương hỗ trợ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ chủ trì cùng các Bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ ban hành một văn bản quy phạm pháp luật định hướng, chỉ đạo phòng, chống, khắc phục sụt lún, sạt lở và ngập úng ở ĐBSCL.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL trong thời gian tới quán triệt 5 quan điểm chỉ đạo, điều hành.
Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm và hậu quả của vấn đề sụt lún, sạt lở, ngập úng ở ĐBSCL.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quản lý của cấp ủy, chính quyền; huy động nguồn lực của nhân dân tham gia vào việc phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng ở ĐBSCL.
Thứ ba, có giải pháp cấp bách, trước mắt và giải pháp lâu dài. Trước mắt cần làm gì, lâu dài cần làm gì. Đối với dự án cấp bách thì phải khẩn trương phê duyệt, nhưng phải đảm bảo đúng quy định, chống lãng phí, chống tiêu cực. Về lâu dài có dự án vừa bảo vệ, vừa phát triển nhanh và bền vững ĐBSCL.
Thứ tư, huy động nguồn lực của Nhà nước, của địa phương, của nhân dân và các nguồn lực hợp tác công tư khác, các nguồn lực hợp pháp khác.
Thứ năm, phải phân cấp, phân quyền, tăng thẩm quyền cho cấp dưới, đi đôi với đó là phải phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi, đồng thời đẩy mạnh khâu kiểm tra, giám sát.
Về phương châm, phải nắm chắc dự báo, sát tình hình; nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả; huy động tổng thể nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất.