Xử lý vi phạm về trật tự xây dựng

07:00 20/04/2024
Để có cơ sở, căn cứ xử phạt đối với hành vi tái phạm, cơ quan quản lý trật tự xây dựng đô thị nghiên cứu kỹ hồ sơ vi phạm, đối chiếu với các điều kiện quy định tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, Luật Xử lý VPHC, pháp luật có liên quan để xác định hành vi VPHC và xử lý theo quy định (nếu có).

Bộ Xây dựng nhận văn bản của Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Đan Phượng (Hà Nội) đề nghị hướng dẫn quy trình xử lý tiếp theo đối với vi phạm mới phát sinh sau khi đã có quyết định cưỡng chế.

Cụ thể, công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng (sai phép, không phép) đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian lựa chọn đơn vị tư vấn, lập, thẩm định, phê duyệt phương án phá dỡ theo quy định thì chủ đầu tư cố tình tiếp tục xây dựng vi phạm làm phát sinh quy mô xây dựng vi phạm mới.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Theo khoản 13 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ, quy định: “13. Xử phạt đối với hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) theo quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều này mà tái phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:......”

Tại khoản 5 Điều 2 Luật Xử lý VPHC năm 2012 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật Xử lý VPHC sửa đổi 2020, quy định:

“5. Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt VPHC nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt VPHC mà lại thực hiện hành vi VPHC đã bị xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó.”

Để có cơ sở, căn cứ xử phạt đối với hành vi tái phạm, đề nghị Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Đan Phượng nghiên cứu kỹ hồ sơ vi phạm, đối chiếu với các điều kiện quy định tại khoản 13 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, khoản 5 Điều 2 Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi năm 2020) và pháp luật có liên quan để xác định hành vi VPHC và xử lý theo quy định (nếu có).

Bình luận