Việt Nam cần tái cấu trúc quy hoạch khu công nghiệp
Theo số liệu thống kê của Liên Chi hội BĐS công nghiệp Việt Nam, nước ta có 433 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập, trong đó có 298 KCN đã hoạt động với tổng diện tích khoảng 155.300ha. Các KCN đang có xu hướng phát triển từ các ngành truyền thống như dệt may, da giày, chế biến nông sản… sang các ngành công nghệ cao như điện tử, cơ khí chính xác, ô tô, thiết bị số…

Tuy nhiên, các KCN ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần phải giải quyết. Trước hết, hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại các KCN chưa đồng bộ. Nhiều KCN vẫn thiếu nhà ở công nhân, dịch vụ xã hội, hạ tầng logistics và hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn. Tình trạng phát triển thiếu liên kết giữa KCN với đô thị và các vùng kinh tế lân cận còn phổ biến.
Tỷ lệ lấp đầy tại các KCN chưa cao, hơn 50% KCN vẫn đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhiều khu chưa được khai thác hiệu quả, dẫn tới lãng phí tài nguyên đất và vốn đầu tư công.
Chất lượng thu hút đầu tư của các KCN cũng chưa đồng đều. Việt Nam vẫn chủ yếu thu hút FDI ở các ngành sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp, ít có sự lan tỏa công nghệ. Các mô hình KCN tiên tiến như KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, KCN gắn với đô thị - dịch vụ… còn hạn chế về số lượng và chưa có tác động rộng.
Mặt khác, nguồn nhân lực tại các KCN chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực kỹ thuật số, tự động hóa, và quản trị sản xuất hiện đại.
Bên cạnh đó, một số KCN còn chưa tuân thủ đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường. Hệ thống xử lý nước thải, chất thải công nghiệp còn yếu và thiếu đồng bộ, gây ảnh hưởng đến môi trường địa phương và niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế.
Theo quy hoạch của các địa phương, tính đến năm 2030, cả nước dự kiến tăng thêm khoảng 125-129 KCN mới, diện tích đất KCN tăng thêm 115.000ha. Các KCN sẽ tạo ra khoảng 4,15 triệu việc làm, đóng góp khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nước ta theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Trong thời gian tới, các KCN tại Việt Nam sẽ tái cấu trúc quy hoạch KCN theo định hướng tích hợp vùng - ngành, đảm bảo tính liên kết giữa KCN và hệ sinh thái đô thị - công nghiệp - dịch vụ.
Bên cạnh đó, các KCN cũng sẽ đẩy mạnh mô hình KCN sinh thái, KCN thông minh đáp ứng tiêu chuẩn phát triển xanh, bền vững và gắn với xu hướng chuyển đổi số toàn cầu…
Khu công nghiệp thông minh mang đến những lợi ích gì?
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Liên Chi hội BĐS công nghiệp Việt Nam nhận định, sự phát triển của KCN thông minh không chỉ là một xu thế tất yếu trong tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế mà còn phản ánh yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chuyển đổi công nghệ và phát triển bền vững.

Cụ thể, 3 nhóm yếu tố chính đang giữ vai trò động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang mô hình KCN thông minh tại Việt Nam, bao gồm: Công nghệ, áp lực từ nhà đầu tư nước ngoài và yêu cầu phát triển bền vững, cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những bước nhảy vọt trong lĩnh vực sản xuất và quản lý công nghiệp thông qua việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud computing) hay tự động hóa thông minh (Smart automation). Những công nghệ này đã làm thay đổi căn bản mô hình hoạt động của các KCN, từ quản lý vận hành thủ công sang hệ thống giám sát, điều hành theo thời gian thực, tối ưu hóa chuỗi giá trị và nâng cao năng suất sử dụng tài nguyên.
Mặt khác, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng gay gắt, các nhà đầu tư quốc tế hiện đại không chỉ quan tâm đến chi phí sản xuất và vị trí địa lý, mà còn đặc biệt chú trọng đến yếu tố hạ tầng công nghệ và khả năng tích hợp số hóa của KCN.
Thực tế, hơn 60% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có xu hướng lựa chọn các KCN đã tích hợp hệ thống quản lý thông minh và có khả năng cung cấp dữ liệu vận hành theo thời gian thực.
Vậy một KCN như thế nào mới được xem là một KCN thông minh? Theo định nghĩa của Liên Chi hội BĐS công nghiệp Việt Nam, một KCN thông minh là KCN sử dụng các công nghệ hiện đại như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn tự động hóa… để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả quản lý, và thúc đẩy phát triển bền vững. Nó tạo ra một hệ sinh thái kết nối, nơi doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả hơn, giảm chi phí, cải thiện chất lượng sản phẩm, và giảm tác động môi trường.
KCN thông minh sẽ có 4 cấp độ chính. Ở cấp độ 1, KCN còn thiếu công nghệ và khả năng vận hành thông minh, chỉ có một số cơ sở hạ tầng cơ bản. Ở cấp độ 2, KCN bắt đầu có sự “số hóa sơ khởi” và định hình quản lý cơ bản. Hạ tầng đã có các thiết bị thông minh nhưng chưa được kết nối với nhau.
Ở cấp độ 3, KCN đã thực sự vận hành như một KCN thông minh đúng nghĩa, với năng lực phân tích và điều hành thông minh. Các thiết bị thông minh được kết nối hiệu quả giúp KCN có thể triển khai quản lý hợp đồng thông minh và các dịch vụ dựa trên dữ liệu. Ở cấp độ 4, KCN được trang bị hầu hết các thiết bị thông minh sẽ vận hành linh hoạt, thông minh toàn diện và tối ưu hóa hiệu suất.
Như vậy, KCN thông minh sẽ có một số đặc điểm nổi bật như tích hợp công nghệ số hóa để kết nối và tự động hóa các quy trình; áp dụng hệ thống quản lý thông minh cho năng lượng, nước, chất thải, và an ninh; tập trung vào các giải pháp thân thiện môi trường, như năng lượng tái tạo và giảm phát thải; cung cấp cơ sở hạ tầng hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng suất và cạnh tranh; cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt cho người lao động thông qua các tiện ích thông minh.
So với các KCN truyền thống, các KCN thông minh sẽ có hạ tầng hiện đại hơn, quản lý tài nguyên và ứng dụng công nghệ tốt hơn, đảm bảo tính bền vững cao hơn, đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn, đồng thời tác động đến môi trường thấp hơn. Vì vậy, các KCN thông minh cũng sẽ nhận được nhiều ưu đãi về chính sách hơn.
Sự phát triển của các KCN thông minh là một xu thế tất yếu.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Liên Chi hội BĐS công nghiệp Việt Nam đánh giá, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển KCN thông minh nhờ vị trí địa chiến lược và vai trò trung chuyển mới nổi trong khu vực, có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích chuyển đổi số và nguồn lao động dồi dào với xu hướng đào tạo mới.
Nhưng để hiện thực hóa được tiềm năng to lớn này đòi hỏi phải có sự đồng lòng và hành động quyết liệt từ tất cả các bên liên quan.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiến, Việt Nam cần tập trung vào việc tái cấu trúc quy hoạch, nâng cấp hạ tầng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, và thúc đẩy các mô hình KCN thông minh, xanh, tuần hoàn. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam không chỉ thu hút dòng vốn FDI chất lượng mà còn khẳng định vị thế trong cuộc đua công nghiệp 4.0.
“Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động trọng tâm, tôi tin tưởng rằng các KCN thông minh sẽ trở thành động lực quan trọng, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững”, ông Nguyễn Văn Tiến nhận định.