Hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật về phát triển đô thị
Trong 15 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Cục Phát triển đô thị không ngừng nỗ lực tập trung nghiên cứu, đề xuất lên các cấp có thẩm quyền ban hành các VBQPPL có tính chất quan trọng, đặt nền móng cho công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị.
Năm 2009, Quốc hội phê chuẩn Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009. Đây là đạo luật đầu tiên điều chỉnh tổng thể các hoạt động về quy hoạch đô thị bao gồm lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị; tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị được duyệt.
Tới ngày 07/04/2009, tại Quyết định số 445/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050. Đây là dấu mốc quan trọng, lần đầu tiên hệ thống đô thị quốc gia đã có một định hướng chung để phát triển quy hoạch tổng thể định hướng chung, giúp cho công tác phát triển cho đô thị của các địa phương có mục tiêu, nguyên tắc cụ thể và rõ ràng hơn.
Để xác định lộ trình và từng bước thực hiện được mục tiêu phát triển đô thị quốc gia theo Quyết định số 445/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 về Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020. Đây là chương trình tổng thể, là cơ sở cho các địa phương triển khai lập chương trình phát triển đô thị cho mỗi vùng, miền và cho từng đô thị trên cơ sở quy hoạch vùng và quy hoạch chung đô thị được duyệt. Từ đó xác định được các chương trình ưu tiên và nguồn lực thực hiện phù hợp thực tế cho từng giai đoạn.
Tiếp đó là các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Quốc hội liên tiếp được ban hành nhằm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đô thị, có thể kể tới như: Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 về phân loại đô thị; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; Nghị định số 62/2011/NĐ-CP ngày 26/7/2011 về thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, phường, thị trấn; Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 08/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009-2020; Quyết định số 1961/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 về kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị; Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị; Quyết định 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 và Quyết định số 438 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị; các Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 và số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị tăng trưởng tăng trưởng xanh và kế hoạch thực hiện; Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 phê duyệt Đề án đô thị thông minh hướng đến phát triển bền vững ...
Đặc biệt trong năm 2022, một dấu mốc trong công tác nghiên cứu, tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật, Cục Phát triển đô thị đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, nghiên cứu thực hiện Đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là một đề án hết sức quan trọng, đánh giá toàn bộ, toàn diện quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị sau 35 năm đổi mới đất nước, nhằm đề xuất các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cho công tác quản lý phát triển đô thị cho giai đoạn tới.
Đề án này là cơ sở khoa học quan trọng để ngày 22/01/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng về quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, cũng là lần đầu tiên, một lĩnh vực công tác quản lý nhà nước của ngành Xây dựng được Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chuyên đề.
Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Cục Phát triển đô thị đã tham mưu lãnh đạo Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 148-NQ/CP ngày 11/11/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Cũng trong năm 2022, với sự tham mưu của Cục Phát triển đô thị, đề xuất của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng đối với công tác phân loại đô thị và phân loại đơn vị hành chính, gồm Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Có thể nói, đây là những chính sách quốc gia hết sức quan trọng, là cơ sở chính trị, pháp lý để thống nhất nhận thức, đồng thời là nhiệm vụ, trách nhiệm đối với các cấp ngành để cùng có hành động thiết thực, đóng góp cho công tác quản lý phát triển đô thị Việt Nam trong thời gian tới.
Phát triển đô thị theo mạng lưới, có sự liên kết tầng bậc theo cấp, loại đô thị
Trong giai đoạn từ sau năm 1999 đến nay, hệ thống đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực về lượng và chất, phát triển theo quy hoạch đô thị, định hướng tổng thể và áp dụng các mô hình mới trong phát triển đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 23,7% năm 1999 lên 41,7% năm 2022, với tốc độ tăng tỉ bình quân là 2,75%/năm; tỷ lệ tăng dân cư đô thị khoảng 3,1%/năm, cao hơn mức trung bình 2,5% của các quốc gia Đông Nam Á.
Giai đoạn 2010-2020, trung bình mỗi năm cả nước có thêm khoảng 10 đô thị mới. Tính đến tháng 10/2023, hệ thống đô thị cả nước đã có có tổng số 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV, 703 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,6%.
Đô thị hóa đã tạo ra một hệ thống các đô thị được phát triển tương đối hợp lý trên 6 vùng kinh tế - xã hội của quốc gia và định hình 2 vùng đô thị lớn là vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM. Bên cạnh các vùng đô thị hóa, các đô thị động lực chủ đạo, dựa vào đặc điểm của điều kiện tự nhiên, các mối quan hệ và nguồn lực phát triển, các chuỗi và chùm đô thị của Việt Nam cũng được bố trí hợp lý tại các vùng đô thị hóa cơ bản; dọc hành lang biên giới, ven biển, hải đảo và trên các tuyến hành lang Đông - Tây, tạo mối liên kết hợp lý trong mỗi vùng và trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng.
Các đô thị khác tập trung vào các trung tâm cấp tỉnh (tỉnh lỵ) và gắn với các hành lang kinh tế, trục giao thông lớn của quốc gia. Xu hướng phát triển mạng lưới như vậy là tiền đề quan trọng để hệ thống đô thị trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội của từng vùng và trên cả nước.
Vùng đô thị: Vùng Thủ đô Hà Nội, vùng TP.HCM về cơ bản cũng hội tụ đủ các chỉ số như lưu lượng giao thông, các điểm kết nối kinh tế (khoa học - công nghệ, công nghiệp, dịch vụ/đào tạo, y tế, du lịch và nông nghiệp…) và thực sự đã trở thành các vùng đô thị lớn đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo trong cấu trúc tổng thể mạng lưới đô thị quốc gia, có tác động không nhỏ trong môi trường cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Các cực tăng trưởng chủ đạo: Các đô thị lớn và cực lớn như Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, TP Hải Phòng, Vinh, Huế, TP Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP Cần Thơ… được tổ chức phát triển theo mô hình đa trung tâm. Vùng Thủ đô Hà Nội, vùng TP.HCM là các vùng đô thị lớn, là vùng động lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia và hội nhập quốc tế, trong đó TP Hà Nội, TP.HCM là các đô thị trung tâm, cực tăng trưởng chủ đạo.
Các hành lang tăng trưởng chủ đạo: Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị đã góp phần bước đầu tạo ra những tam giác liên kết kinh tế chính như ở phía Bắc như Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, miền Trung như Huế - Quảng Nam Đà Nẵng - Quảng Ngãi và phía Nam như TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai.
Bên cạnh đó, cũng hình thành các hành lang tăng trưởng chủ đạo như: các hành lang kinh tế động lực theo hướng Bắc - Nam (hành lang kinh tế ven biển; hành lang biên giới; hành lang hỗ trợ dọc tuyến đường Hồ Chí Minh) đóng vai trò quan trọng trong kết nối không gian giữa các vùng, các cực tăng trưởng, các đô thị động lực chủ đạo và thứ cấp… tạo nên bộ khung xương sống, huyết mạch chính của quốc gia.
Các chuỗi và chùm đô thị: Các chuỗi và chùm đô thị cơ bản được hình thành và bố trí hợp lý tại các vùng đô thị hóa cơ bản; dọc hành lang biên giới, ven biển, hải đảo và trên các tuyến hành lang Đông - Tây, bước đầu tạo mối liên kết, phối hợp, chia sẻ chức năng trong mỗi vùng, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng.
Đô thị hóa đã từng bước được phát huy, hình thành vùng kinh tế, chuỗi đô thị biển. Đã hình thành liên kết giữa Cảng biển - Sân bay - Đô thị để phát huy lợi thế lẫn nhau giữa khu kinh tế - đô thị - hạ tầng kết nối đa phương thức.
Theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được định hướng phát triển theo mô hình mạng lưới (liên kết mạng), trên cơ sở kịch bản phát triển theo từng giai đoạn, phù hợp với các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ và hội nhập kinh tế quốc tế. Định hướng phát triển chung không gian đô thị cả nước cơ bản được phát triển hợp lý trong các vùng đô thị hóa quan trọng gắn với 6 vùng kinh tế - xã hội quốc gia. Có sự liên kết giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam; giữa phía Đông và phía Tây; gắn với việc phát triển các cực tăng trưởng chủ đạo và thứ cấp quốc gia, đồng thời bảo đảm phát triển theo mạng lưới, có sự liên kết tầng bậc theo cấp, loại đô thị.
Đến nay, hệ thống đô thị quốc gia cơ bản được phân bố theo mô hình mạng lưới, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và quy luật phát triển kinh tế, là tiền đề quan trọng để hệ thống đô thị trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội của từng vùng, từng địa phương và trên cả nước trong mối liên kết đa tầng bậc, có hiệu quả.
Phần lớn các đô thị đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế, tầm quan trọng của mình trong tổng thể cấu trúc của mạng lưới. Mạng lưới đô thị Việt Nam căn bản được phát triển và phân theo các cấp, bao gồm 5 thành phố trung tâm quốc gia, khu vực và quốc tế (Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, các TP Hải Phòng, Đà Nẵng và Huế), 12 đô thị là trung tâm cấp vùng (Hạ Long, Việt Trì, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nam Định, Vinh, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Biên Hòa, Vũng Tàu và Cần Thơ) và các đô thị còn lại là trung tâm của các tỉnh, huyện.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tái cấu trúc không gian lãnh thổ quốc gia trên cơ sở phát triển 4 vùng kinh tế trọng điểm với vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi tỉnh và cả nước, bao gồm: vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL với tổng số 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được xác định là các vùng động lực làm đầu tầu kéo theo sự phát triển của các vùng khác.
Đồng thời, Việt Nam cũng phát triển các khu công nghiệp tập trung, các khu kinh tế tổng hợp ven biển và cửa khẩu nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh, tạo ra các động lực, cực tăng trưởng chủ đạo hoặc cực tăng trưởng thứ cấp quốc gia có sức cạnh tranh và sự lan tỏa trong cả nước và khu vực. Các đô thị lớn như ở TP Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng đã có nền tảng phát triển kinh tế vững chắc, số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại cũng tăng mạnh hơn.
Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch quan trọng, các động lực phát triển mới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các lĩnh vực giáo dục, dịch vụ tài chính - ngân hàng, bất động sản, viễn thông và truyền thông… Các đô thị có điều kiện tự nhiên cảnh quan đẹp, đặc biệt như Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt, Sa Pa, Phú Quốc… hay các đô thị có di sản văn hóa - lịch sử tầm cỡ quốc gia và quốc tế như Huế, Hội An, Hạ Long,… đã coi du lịch trở thành động lực phát triển chính.
Phân loại đô thị gắn với định hướng quy hoạch tổng thể và các chiến lược đô thị
Trong 30 năm trở lại đây, hệ thống đô thị trên cả nước đã không ngừng phát triển về chất và lượng. Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phân loại đô thị, Cục Phát triển đô thị đã tham mưu lãnh đạo Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 (Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012) và Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2021).
Chương trình Phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 đã giúp thúc đẩy nhiều đô thị phát triển nhanh, nâng loại đô thị đúng hoặc sớm hơn kế hoạch. Chỉ tính từ tháng 7/2009 đến 12/2022, Bộ Xây dựng đã thẩm định, trình cấp có thẩm quyền hoặc quyết định theo thẩm quyền công nhận loại đô thị cho 115 đô thị, trong đó có 10 đô thị loại I, 21 đô thị loại II, 18 đô thị loại III và 66 đô thị loại IV. Các tỉnh đã thẩm định và công nhận trên 40 đô thị loại V.
Thực hiện Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức lập, ban hành Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và từng đô thị; các chương trình, nghị quyết đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị; kế hoạch phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước hạ tầng, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; có kế hoạch khắc phục các hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng; kế hoạch tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt trên địa bàn các đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Nhìn chung, hệ thống phân loại đô thị bảo đảm sự gắn bó với định hướng quy hoạch tổng thể và các chiến lược đô thị có tác động sâu sắc với các chức năng hành chính, thu thuế và quyết định ngân sách; các chính sách này đã tạo quyền tự trị lớn hơn và tăng tính linh hoạt tài chính tại các địa phương.
Nâng cấp phát triển đô thị tiến tới xây dựng văn minh đô thị
Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm đến công tác cải tạo, chỉnh trang nâng cấp đô thị và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng cảnh quan đô thị và chất lượng cuộc sống, tiến tới xây dựng văn minh đô thị. Các quy định về hoạt động quy hoạch đô thị, xây dựng không gian, kiến trúc, cảnh quan, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho một đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đô thị được thể chế hóa tại Luật Quy hoạch đô thị (2009).
Thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 và thúc đẩy triển khai Luật Quy hoạch đô thị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009 - 2020 (Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 08/6/2009) nhằm nâng cao chất lượng hơn 100 đô thị từ loại IV trở lên.
Với sự hỗ trợ nguồn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, Cục Phát triển đô thị đã đóng vai trò là cơ quan điều phối thực hiện các Dự án: (i) Nâng cấp đô thị 4 thành phố: Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định và Cần Thơ. (ii) Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL tại 6 thành phố gồm: Cần Thơ, Cà Mau, Cao Lãnh, Mỹ Tho, Rạch Giá và Trà Vinh; (iii) Chương trình đô thị miền núi phía Bắc triển khai tại 7 thành phố: Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên Phủ, Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Bái đã giúp từng bước cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị, điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao mức sống cho người dân.
Đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch
Việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị luôn có tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Do tính chất đặc thù và mức độ ảnh hưởng lớn tới các lĩnh vực quan trọng của đô thị nên công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị cần được kiểm soát chặt chẽ.
Với sự tham mưu, đề xuất của Cục Phát triển đô thị, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị và các văn bản hướng dẫn đã góp phần quan trọng tạo hành lang pháp lý để quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch, từng bước đảm bảo việc cung cấp dịch vụ hạ tầng đồng bộ cho người dân tại các khu đô thị mới.
Chính sách về đầu tư phát triển đô thị kiểm soát được quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Từ khi được ban hành và đi vào cuộc sống, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP đã từng bước thúc đẩy các hoạt động đầu tư phát triển đô thị trên cả nước theo quy hoạch và có kế hoạch, đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị, có sự kiểm soát thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tình trạng phát triển đô thị theo dự án tràn lan, tự phát trước đó đã được hạn chế, khắc phục.
Đồng thời là công cụ pháp lý quan trọng để từng bước thiết lập lại trật tự trong đầu tư phát triển đô thị và hình thành các khu vực phát triển đô thị để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, theo phong trào, lãng phí nguồn lực… Đây cũng là công cụ pháp lý để khắc phục những bất cập, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quản lý đầu tư phát triển đô thị hiện nay, đáp ứng được yêu cầu thực tế trong đầu tư phát triển đô thị; tạo ra môi trường sống tốt cho cư dân đô thị; bảo đảm lợi ích của cộng đồng hài hoà với lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư.
Theo hướng dẫn của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, phân loại các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở trên phạm vi cả nước, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu thị trường. Quy định về chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết được duyệt đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường Bất động sản, làm tăng cơ hội tiếp cận, sở hữu nhà ở với người dân, qua đó cũng góp phần điều tiết thị trường bất động sản theo chiều hướng tích cực, hướng tới phát triển bền vững.
Năm 2022, Cục Phát triển đô thị đã xây dựng, dự thảo các nội dung sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP đưa vào trong Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Theo đó, Dự án đầu tư phát triển đô thị bao gồm dự án khu đô thị và dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và muốn triển khai các dự án này, cần tuân thủ Chương trình phát triển đô thị được duyệt.
Phát triển đô thị thông minh, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu
Các quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng, Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu là thường xuyên, liên tục, nhất quán và bắt nhịp kịp thời với những chuyển biến nhận thức, xu thế phát triển của vấn đề biến đổi khí hậu trên thế giới, thể hiện tầm nhìn chiến lược, gắn ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường, với phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển bền vững.
Trên cơ sở những chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật với nhiều thay đổi, bổ sung nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào các pháp luật mới ban hành và nhiều chương trình kế hoạch hành động mới có liên quan đến lĩnh vực biến đổi khí hậu. Đặc biệt ngày 31/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2623/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020, giao Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì tổ chức triển khai thực hiện. Đây là đề án đầu tiên trong lĩnh vực phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu và Cục Phát triển đô thị là đơn vị đầu mối thực hiện.
Sau 7 năm thực hiện, năm 2020, Đề án tổng kết đã hoàn thành 5 chương trình: Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro đô thị (Atlas Đô thị và Khí hậu); Hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị có lồng ghép biến đổi khí hậu; Bổ sung lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh và quy hoạch đô thị; Xây dựng kế hoạch hành động và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật ứng phó với biến đổi khí hậu; Phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện nghiên cứu khoa học về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai thí điểm các dự án phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh ở Việt Nam. Với những kết quả tích cực từ giai đoạn 1, với yêu cầu từ thực tiễn và tầm quan trọng của Đề án, Cục Phát triển đô thị đã tham mưu lãnh đạo Bộ trình Chính phủ ban hành Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021 nhằm tiếp tục tăng tính chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tại các đô thị.
Việc xây dựng đô thị thông minh là xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị. Tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chính sách về phát triển đô thị thông minh đã kịp thời được ban hành để đáp ứng yêu cầu phát triển. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã đề ra mục tiêu hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Cục Phát triển đô thị đã nghiên cứu đề xuất lãnh đạo Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, nêu các quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình để xây dựng đô thị thông minh. Tiếp theo đó Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1627/QĐ-BXD ngày 27/12/2018 nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Chính sách về phát triển đô thị thông minh trên nền tảng liên kết cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng xã hội, chính quyền số giúp các đô thị quản lý điều hành hiệu quả và thống nhất ở tất cả các lĩnh vực giúp cuộc sống đô thị ngày càng văn minh hiện đại hơn; phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong quá trình phát triển đô thị Việt Nam.
Phát biểu nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Cục Phát triển đô thị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn khẳng định: Trong 15 năm xây dựng và phát triển, Cục Phát triển đô thị dưới sự lãnh đạo của Bộ Xây dựng đã có nhiều đóng góp cho công tác quản lý và nâng cao chất lượng phát triển đô thị. Bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước.
Do đó, Thứ trưởng đề nghị Cục Phát triển đô thị tiếp tục nỗ lực, đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần vào phát triển đô thị bền vững, văn minh theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ
Cục Phát triển đô thị - đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ Xây dựng - chịu trách nhiệm chính trong công tác tham mưu xây dựng chính sách quản lý, phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch - một trong những lĩnh vực quản lý trọng yếu của Bộ Xây dựng.
- Từ năm 2008 tới năm 2022: Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc.
- Trong các năm: 2011, 2013, 2017, 2019, 2021, Cục Phát triển đô thị được Bộ trưởng Bộ Xây dựng tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong công tác.
- Năm 2012: Cục Phát triển đô thị được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, do đã có thành tích xuất sắc trong việc tham gia lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Chi bộ Cục được Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương trao Bằng khen đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong ba năm liên tiếp (2010, 2011, 2012); Công đoàn Cục đã nhận được Cờ Thi đua của Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam trao tặng.
- Năm 2013: Cục Phát triển đô thị nhận được Bằng khen của Thủ tướng chính phủ; Bằng khen của Ban chấp hành Trung ương - Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Đảng bộ Cục được Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các Cơ quan Trung ương tặng Cờ thi đua Đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.
- Năm 2014, Cục Phát triển đô thị được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2011 đến năm 2013, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.
- Năm 2015, Cục Phát triển đô thị được Chính phủ tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2015.
- Năm 2016, Đoàn Thanh niên Cục Phát triển đô thị được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Xây dựng tặng Bằng khen do đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 2016.
- Năm 2017: Cục Phát triển đô thị được Chính phủ và Bộ Xây dựng tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2017.