Xung quanh sự kiện “tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch” - Dòng chảy tự nhiên hay cưỡng bức?
Khi đoàn công tác mở cửa xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch, ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ - cho biết, nếu tiếp tục xả nước trong vòng 2 giờ liên tục, hồ Tây sẽ bị cạn kiệt nước…
Thông tin này đã gây bất ngờ với các nhà lãnh đạo thành phố khiến Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu ngừng ngay việc xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch.
Quả vậy, cứu sông Tô Lịch mà lại hủy hoại căn cơ tồn tại của hồ Tây, một danh thắng của Hà Nội, một nơi được mệnh danh là “lá phổi của Thủ đô” thì không thể chấp nhận. Mà hiệu quả của nó lại chỉ cứu được trong... 2 giờ đồng hồ!
Nhiều câu hỏi được đặt ra, tại sao một dự án quan trọng như vậy, đầu tư nhiều tiền của, công sức như vậy, trong một thời gian dài như vậy mà đùng một cái phải ngừng lại? Có lãng phí không? Có ai chịu trách nhiệm không? Nguyên nhân từ đâu?...
Những câu hỏi trên chắc chắn sẽ được Hà Nội tìm ra nguyên nhân và trả lời. Tuy nhiên, có một vấn đề lớn hơn, bao quát hơn, bền vững hơn có lẽ cần phải bàn luận bởi Hà Nội có những 9 con sông, từ sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, rồi đến sông Nhuệ, sông Đáy… đều đang tựa như những cống thoát nước thải khổng lồ, hôi thối nồng nặc. Muốn làm sạch chúng, duy nhất chỉ có một phương án, đó là tạo ra một dòng chảy từ một nguồn nước sạch bền vững, không ô nhiễm.
Qua quan trắc khoảng 20 năm gần đây, các nhà khoa học đã đánh giá, về mùa khô, tình trạng hạn hán ở hạ du sông Hồng đã và đang xảy ra nghiêm trọng theo chiều hướng hết sức bất lợi.
Năm 2004, năm được coi là khốc liệt nhất trong vòng 40 năm trước đó, mực nước sông Hồng tại Hà Nội ở thời điểm tháng 01/2004 là +2,17 m, kiệt nhất có lúc xuống tới 1,75 m. Năm 2005 ở cùng thời điểm, mực nước xuống đến 2,06 m, kiệt nhất có lúc xuống tới 1,5 m. Vụ đông - xuân năm 2006 - 2007, mực nước sông Hồng tại Hà Nội giảm xuống còn 1,6 m, thấp nhất trong vòng 100 năm.
Tình trạng khan hiếm nguồn nước không dừng lại ở đó mà ngày càng gia tăng theo cấp số nhân. Cụ thể, tháng 11/2009, mực nước sông Hồng tại Hà Nội còn 0,7 m. Khi đó, các nhà khoa học đã đánh giá đây là mực nước cạn kỷ lục của sông Hồng trong vòng 107 năm qua. Nhưng rồi đến cuối tháng 12/2009, mực nước rút xuống 0,66 m và đến đầu tháng 01/2010 mực nước chỉ còn 0,5 m...
Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm của Hà Nội cũng bị khai thác quá tải và ô nhiễm nghiêm trọng. Kết quả khảo sát cho thấy, hàng loạt chỉ tiêu thiết yếu đều cao hơn giới hạn cho phép, trong đó, hàm lượng amoni, arsen và các hợp chất hữu cơ đều cao. Nếu kéo dài tình trạng này, nước ngầm ở Hà Nội sẽ dần suy kiệt và không còn dùng được. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do sự ô nhiễm nặng của các con sông nội đô, như Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ...
Sông Nhuệ là con sông ngoại thành có chức năng tưới, tiêu kết hợp lấy nước tự chảy từ sông Hồng qua cống Liên Mạc để tưới 81.148 ha và tiêu 107.530 ha đất nông nghiệp. Cống đầu mối Liên Mạc có cao trình đáy +1.00 m mực nước thiết kế +3.40 m. Nhưng đã từ nhiều năm vào mùa kiệt, mực nước sông Hồng ngày càng cạn, cống đầu mối Liên Mạc không có nước chảy qua nên sông Nhuệ cũng đã trở thành sông "chết"…
Chính vì thế, để tạo ra một dòng chảy cho các con sông nội đô, Hà Nội hiện nay đang phải dùng phương pháp cưỡng bức, tức là với hệ thống máy bơm khổng lồ để hy vọng có thể cải thiện được tình trạng ô nhiễm của các con sông nội đô.
Có thể khái quát, đập dâng là loại công trình được xây dựng nhằm ngăn chặn dòng nước mặt hoặc ngăn dòng giữ nước từ các con sông, con suối để khai thác sử dụng tài nguyên nước.
Để mong muốn có mực nước hữu hiệu trên sông Hồng, các nhà khoa học tại Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu tổng thể giải pháp công trình đập dâng nước, nhằm ứng phó với tình trạng hạ thấp mực nước, đảm bảo an ninh nguồn nước vùng hạ du sông Hồng” thực hiện từ năm 2015 - 2018 do GS.TS Trần Đình Hòa làm Chủ nhiệm. Cuối cùng, các nhà khoa học đã đề xuất xây dựng 2 đập dâng ở khu vực cống Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và cống Long Tửu (huyện Đông Anh, TP Hà Nội).
Mặc dù đề xuất xây dựng các đập dâng nhằm dâng mực nước sông Hồng đang gây nhiều lo ngại về những tác động không mong muốn, như dòng chảy thay đổi, kéo theo một loạt vấn đề môi trường, trong đó có chất lượng nước và hệ vi sinh… nhưng nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng đập dâng là phương án tối ưu nhằm khắc phục tình trạng kiệt nước của sông Hồng hiện nay.
Một nghiên cứu khác cũng của các nhà khoa học đề xuất, đó là dẫn nước sông Đà qua hệ thống kênh đào để tạo dòng chảy rửa sạch các con sông ô nhiễm của Hà Nội. Để tạo dòng chảy thường xuyên trên các trục sông của Hà Nội, cấp nước tưới ổn định cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế phía tây - nam sông Hồng, dự án sẽ thực hiện phương án xây dựng đập dâng trên sông Đà khu vực xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì), lấy nước qua cống Lương Phú theo sông Tích, đến cầu Ái Mỗ, xây dựng tuyến kênh theo hướng Quốc lộ 32 về đến hồ Tây.
Với cao trình mực nước thượng lưu ±14.00 m, lưu lượng qua cống Lương Phú khoảng 120 - 130 m3/s, cấp cho sông Tích khoảng 55,0 m3/s, sông Đáy 26,0 m3/s, sông Nhuệ 33,0 m3/s, sông Tô Lịch và Hồ Tây 16,0 m3/s.
Theo tính toán của các nhà khoa học, phương án này có tính khả thi cao bởi nhiều lẽ. Thứ nhất, trên sông Đà có các hồ thuỷ điện bậc thang Hoà Bình, Sơn La và Lai Châu đã đi vào hoạt động khiến nguồn nước sông Đà luôn luôn ổn định cả về mùa kiệt (lưu lượng qua một tổ máy phát điện 300 m3/s, thuỷ điện Hoà Bình nếu vận hành cả 8 tổ thì lưu lượng là 2.400 m3/s).
Thứ hai, nước sông Đà vào mùa kiệt không có phù sa, trong và sạch, đủ tiêu chuẩn cung cấp cho trồng rau sạch, nuôi trồng thuỷ sản và các ngành kinh tế khác, tạo ra được dòng chảy thường xuyên trên các con sông. Phương án này có tác dụng pha loãng lượng nước thải bị ô nhiễm trên các sông, hồ thuộc khu vực nội thành, giúp các nhà máy xử lý nước thải hoạt động nâng cao hiệu quả.
Thứ ba, kênh mới xây dựng có cao độ mực nước ổn định, nước trong và sạch, tạo ra được tuyến du lịch theo đường thuỷ từ Hồ Tây lên khu nước khoáng Thuần Mỹ. Nếu kinh doanh khai thác tổng hợp khu du lịch nước nóng Thuần Mỹ và hai bên bờ kênh sẽ có nguồn thu khả thi, thời gian hoàn vốn nhanh.
Thứ tư, tạo ra lòng sông Đà phía thượng lưu đập có cột nước cao ổn định, hạn chế việc xói lở hai bên bờ sông Đà và tạo điều kiện thuận tiện cho vận tải thuỷ từ Ba Vì lên Hòa Bình không bị mắc cạn vào mùa kiệt như những năm vừa qua.
Thứ năm, với lưu lượng khoảng 120 - 130 m3/s (bằng tổng lưu lượng đã thiết kế của các cống đầu mối) nên không làm ảnh hưởng đến việc chia sẻ lượng nước của sông Đà và sông Hồng cho các địa phương khác.
Thứ sáu, về vốn đầu tư, đoạn kênh mới từ cầu Ái Mỗ về đến Hồ Tây, đề nghị đấu thầu theo hình thức doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng và khai thác lợi thế thương mại, dịch vụ…
Theo các nhà khoa học, phương án trên sẽ giải quyết được tận gốc cho việc cấp nguồn ổn định để phục vụ sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế và làm "sống" lại các sông trong nội thành, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, xanh, sạch đẹp và bền vững.
Trở lại sự kiện các nhà lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu ngừng ngay việc xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch hôm mới đây. Đã gần 20 năm nay, việc ô nhiễm nặng nề những con sông của Thủ đô đã là nỗi ám ảnh không chỉ đối với người dân Hà Nội mà còn với người dân trong cả nước và khách nước ngoài. Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, đã có khoảng 30 nghìn tỷ đồng đầu tư các dự án làm sạch sông Tô Lịch nhưng đến nay chưa đạt kỳ vọng.
Ngay tại hiện trường hôm 02/12 ấy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã gợi mở về cách xử lý. Ông cho rằng việc lấy nước từ sông Hồng về hồ Tây nên có 2 đường ống, một đường bổ cập cho hồ Tây khi cần thiết; đường còn lại thường xuyên bổ cập nước cho sông Tô Lịch, chạy độc lập bằng ống thép, đi ngầm dưới lòng hồ, bơm thẳng vào sông Tô Lịch để không pha loãng nước hồ Tây…
Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng đây chỉ là giải pháp cụ thể trong một tình huống nhất thời và cũng chỉ có tính hữu ích với một con sông Tô Lịch. Còn nhiều con sông ô nhiễm khác của Hà Nội và nguyên nhân gốc rễ là sự ngày càng cạn kiệt của sông Hồng hơn 20 năm nay vẫn còn nguyên đó!