Cung-cầu ngành thép có cân bằng trở lại trong năm 2022?

07:00 14/01/2022
Biến thể Delta đã đảo lộn tình hình thế giới vào năm 2021 và gián tiếp đẩy giá thép tăng cao, bước sang năm 2022, giá thép được dự báo có nhiều biến động, khi cung - cầu toàn cầu trở nên cân bằng hơn.

Trong báo cáo ngành thép mới đây của Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), các chuyên gia kỳ vọng cung - cầu sẽ trở nên cân bằng hơn trong tương lai và giá thép toàn cầu sẽ giảm 10 - 15% vào năm 2022.

Theo đó, bên cạnh việc chính phủ các nước đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đối phó với việc suy giảm kinh tế, sự đồng loạt mở cửa trở lại của các nước phát triển đã tạo ra nhu cầu tăng cao về vật liệu xây dựng kể từ quý III/2021. Sang đến quý IV/2021, những nút thắt về nguồn cung đang dần giảm bớt do nhu cầu ở các nước phát triển chậm lại và sự mở cửa trở lại của các nước đang phát triển nhờ tỷ lệ tiêm phòng cao, dẫn đến giá thép giảm.

Năm 2022, OECD dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 4,46% năm 2022 và 3,24% vào năm 2023, từ mức 5,56% của năm 2021. Đối với thị trường thép, Hiệp hội Thép Thế giới ước tính nhu cầu của Trung Quốc sẽ không đổi khi chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tăng trưởng của các nước phát triển và phần còn lại của thế giới giảm hơn một nửa xuống còn lần lượt 4,3% so với cùng kỳ và 5.0% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các nhà sản xuất thép Trung Quốc có thể tăng cường sản xuất trở lại sau Thế vận hội mùa đông 2022. Do đó, MBKE kỳ vọng cung - cầu sẽ trở nên cân bằng hơn trong tương lai và giá thép sẽ giảm 10 - 15% vào năm 2022.

Về thị trường trong nước, MBKE kỳ vọng gói kích thích kinh tế 2022 - 2023 sẽ nhanh chóng giúp thị trường trong nước hồi phục. Bên cạnh đó, gói đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 150 nghìn tỷ đồng, cộng với mức 530 nghìn tỷ đồng đang có, sẽ giúp chi tiêu công tăng 38% trong năm 2022.

Năm 2021, trải qua đại dịch Covid-19, ngành thép trong nước vẫn có sự bứt phá ngoạn mục

Một số chuyên gia cho rằng, mặt bằng giá thép sẽ tiếp tục neo ở mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm 2022. Nguyên nhân là do nhiều dự án bất động sản đang trong quá trình triển khai đã bị hoãn lại do ảnh hưởng giãn cách xã hội, nhưng từ đầu năm nay các dự án này sẽ nhanh chóng được triển khai để đáp ứng yêu cầu về tiến độ đã cam kết với khách hàng.

Ngoài ra, năm 2022 sẽ chứng kiến nhiều dự án đầu tư công có quy mô lớn khởi công, đáng kể, nhất là các tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành và các tuyến vành đai... sẽ giúp lượng thép tiêu thụ phục hồi mạnh mẽ trong thời kỳ thích ứng với đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường tăng mạnh sẽ giúp xuất khẩu sắt thép trong nước gặp nhiều thuận lợi.

Mặt khác, giá nguyên liệu đầu vào của các nhà máy luyện thép tăng (cùng xu thế tăng giá dầu) khiến cho phí sản xuất thép thành phẩm khó lòng giảm nhiệt. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường tăng mạnh sẽ giúp xuất khẩu sắt thép trong nước gặp nhiều thuận lợi.

Dự báo trong nửa cuối 2022, mặt bằng giá thép có thể sẽ ổn định hơn khi tình trạng đứt gãy nguồn cung dần được giải quyết giúp chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm thép thấp hơn. Đồng thời, các nhà máy thép sẽ gia tăng sản lượng để giải quyết bài toán thiếu hụt sản phẩm.

Hơn nữa, những điều chỉnh về Luật Xây dựng, đầu tư và nhà đất sẽ tháo gỡ nút thắt đang ngăn cản sự phát triển ngành bất động sản nhà ở trong những năm gần đây. Điều này sẽ giúp thị trường thép trong nước tiếp tục sôi động và có thể tăng trưởng 15 - 20% trong năm 2022.

 

Bình luận