Ngày 14/02, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND về thực hiện Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy (PCCC) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, quản lý, khai thác, bảo trì hệ thống hạ tầng PCCC và thực hiện hiệu quả, khả thi các mục tiêu của quy hoạch hạ tầng PCCC, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Rà soát, điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch, dự án có liên quan đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 20250.
Bố trí sắp xếp trụ sở làm việc và bảo đảm các điều kiện hoạt động cho lực lượng dân phòng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động ở địa phương; nghiên cứu thí điểm thành lập và bố trí địa điểm hoạt động cho đội PCCC và cứu nạn cứu hộ tình nguyện tại các khu đô thị, khu dân cư, làng nghề sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ, cụm gia đình hoạt động kinh doanh dịch vụ…
Đồng thời, thực hiện phát triển đồng bộ hệ thống cấp nước PCCC tại các đô thị, khu công nghiệp đảm bảo tổng lưu lượng nước chữa cháy và phù hợp với định hướng phát triển cấp nước đô thị, khu công nghiệp Việt Nam và các ngành, lĩnh vực có liên quan; các đường ống, họng, trụ lấy nước chữa cháy đảm bảo các yêu cầu về lưu lượng, áp lực cần thiết theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC và được lắp đặt thống nhất trên toàn bộ hệ thống cấp nước đô thị, khu công nghiệp và các địa bàn trọng điểm thuộc phạm vi lập quy hoạch.
Cùng với đó, khai thác triệt để và sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ công tác PCCC; hoàn thành xây dựng các điểm lấy nước (bến, bãi, hố ga) thuận tiện cho xe chữa cháy lấy nước tại các ao, hồ, sông, suối, kênh… được quy hoạch làm nguồn nước PCCC; nghiên cứu quy hoạch các điểm phục vụ cho máy bay chữa cháy lấy nước ở những nơi cần thiết.
Xây dựng các bể nước PCCC cho từng khu vực tại các khu dân cư có đường hẹp, không thể lắp đặt họng, trụ nước chữa cháy hoặc không có hệ thống cấp nước tập trung và nguồn nước tự nhiên; phấn đấu đến năm 2030 hầu hết các khu dân cư đều được xây dựng bể nước PCCC.
Ngoài ra, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ đảm bảo phục vụ chữa cháy. Phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo các tuyến đường giao thông đường bộ đến trung tâm cấp huyện đáp ứng yêu cầu phục vụ PCCC (bảo đảm chiều cao, chiều rộng thông thủy, tải trọng của đường, cầu, cống, bãi đỗ và bãi quay đầu cho xe chữa cháy, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy hoạt động).
Từng bước nâng cấp các tuyến đường, phố, ngõ trong các khu dân cư cũ để xe chữa cháy có thể hoạt động; giải quyết dứt điểm tình trạng các đường, phố, ngõ vào khu dân cư bị chắn bởi đường dây viễn thông, điện lực, các loại cọc, cổng, rào, barie, mái che, mái vẩy làm cản trở khả năng di chuyển của xe chữa cháy và các loại xe chuyên dụng phục vụ cấp cứu và cứu nạn cứu hộ.