Ngày 30/6, UBND huyện Mê Linh phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức Hội thảo Quy hoạch xây dựng Vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.
Định hướng phát triển không gian: 1 trục, 2 cánh và 5 hành lang liên kết
Tại Hội thảo, đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị tư vấn lập quy hoạch Vùng huyện Mê Linh) đã trình bày phương án đề xuất xây dựng quy hoạch Vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, nhấn mạnh quan điểm quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh cần phải định hướng sự phát triển của huyện gắn với sự phát triển của Thủ đô. Thứ nhất, huyện Mê Linh là một phần của thành phố mới tương lai, tức là hành phố trong thành phố. Thứ hai, quy hoạch huyện Mê Linh theo hướng lên thành quận sau năm 2025.

Đồng thời, nghiên cứu mọi tiềm năng, lợi thế của huyện Mê Linh trong mối liên hệ vùng, tập trung nghiên cứu phát triển đô thị gắn với trục trung tâm là đường Vành đai 4 đi qua huyện 16 km, làm động lực phát triển chính.
Nghiên cứu quy hoạch huyện Mê Linh phát triển hài hòa về đô thị, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái, dịch vụ, du lịch; quy hoạch bảo tồn các làng nghề gắn liền với phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch.
Dựa trên thực tiễn phát triển của khu vực đề xuất mở rộng hoặc giới hạn và phân kỳ, củng cố các khu vực đô thị, cụm công nghiệp hiện có, các trung tâm cụm xã và các điểm dân cư nông thôn có tính chất đô thị hóa khác; phát triển và bảo vệ giá trị không gian các khu vực nông thôn, làng mạc truyền thống, khả năng phát triển du lịch.
Xây dựng huyện Mê Linh thành một vùng đô thị công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp sinh thái kết hợp công nghệ cao.
Đến năm 2030, Mê Linh trở thành vùng phát triển của thành phố, có hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản hoàn chỉnh, các vùng nông thôn được cải tạo và phát triển đảm bảo các tiêu chí theo mô hình nông thôn mới, xây dựng và phát triển một số khu đô thị xanh, đô thị sinh thái.
Về định hướng mô hình phát triển không gian vùng, dựa vào cấu trúc, không gian tự nhiên của huyện, hệ khung giao thông chính và khu vực dự kiến quy hoạch phát triển đô thị mới, quy hoạch dự kiến phát triển huyện theo mô hình: 1 trục, 2 cánh và 5 hành lang liên kết.
Trong đó, trục động lực là Vành đai 4. Cánh phía Tây là khu vực tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn, dịch vụ du lịch sinh thái, đô thị mới. Cánh phía Đông là khu vực tập trung phát triển đô thị - công nghiệp, trung tâm hành chính huyện, trung tâm dịch vụ thương mại. 5 hành lang liên kết gồm hành lang ven sông Hồng, sông Cà Lồ; hành lang dọc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai; hành lang dọc tuyến đường trục trung tâm Mê Linh và hành lang dọc tuyến đường Tiền Phong - Tự Lập.
Phương án quy hoạch cũng xác định khung phát triển vùng, dự báo phát triển về dân số, lao động, cơ cấu kinh tế, nhu cầu sử dụng đất; phân vùng chức năng và tổ chức không gian; quy hoạch sử dụng đất; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật…
Kết hợp phát triển hài hòa, bền vững giữa đô thị và nông thôn
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện quy hoạch Vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.
Nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, huyện Mê Linh cần định hướng quy hoạch trở thành quận để quản lý chặt chẽ theo các cấp đô thị và xa hơn nữa là “Thành phố trong thành phố”.
Muốn đạt được các định hướng trên, Mê Linh phải khai thác được các động lực, tiềm năng, lợi thế của huyện là lấy công nghiệp, dịch vụ làm nền tảng, động lực cho phát triển và phát triển nông nghiệp gắn với công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái. Đặc biệt tận dụng thế mạnh nguồn lực đất đai rộng lớn, hệ thống hạ tầng giao thông với Vành đai 3, Vành đai 4, sân bay quốc tế Nội Bài và vị trí cạnh sông Hồng…
Đồng tình về các mục tiêu đưa ra trong dự thảo quy hoạch, PGS.TS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đề nghị quy hoạch cần tập trung làm rõ một số đặc điểm riêng có của huyện Mê Linh và coi đó là thế mạnh để quy hoạch và phát triển. Cụ thể, rất ít địa phương có lợi thế cả về sân bay, đường cao tốc và đường sắt chạy qua hoặc ở sát gần như Mê Linh. Bên cạnh đó, Mê Linh là địa phương nằm cạnh sông Hồng và đó là không gian phát triển quan trọng cần được nhấn mạnh và đề cập cụ thể hơn khi xây dựng quy hoạch.
Thứ nữa là vấn đề lịch sử và văn hóa, Mê Linh là quê hương của Hai Bà Trưng, đây là lợi thế rất lớn để phát triển du lịch văn hóa, cội nguồn nhưng quy hoạch đề cập đến vấn đề này rất mờ.
Cũng tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức như: Tập đoàn Noble Hàn Quốc, Wimberly Allison Tong & Goo; Công ty Cổ phần Flamingo… các tổ chức tư vấn quy hoạch, cùng nhiều chuyên gia đầu ngành về quy hoạch kiến trúc đã có những đóng góp, tham luận nhằm làm rõ hơn vai trò của quy hoạch Vùng huyện Mê Linh.
Các ý kiến xoay quanh những giải pháp thúc đẩy đô thị thông minh, thành phố sáng tạo trong nhiệm vụ quy hoạch thành phố phía Bắc sông Hồng trực thuộc Thủ đô; ý tưởng quy hoạch phát triển đô thị sinh thái thông minh Mê Linh gắn với các giá trị văn hóa; quy hoạch Vùng huyện Mê Linh nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội huyện Mê Linh và Thủ đô Hà Nội…
Huyện Mê Linh nằm ở phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, có diện tích đất tự nhiên trên 14 nghìn ha. Huyện có 18 đơn vị hành chính cấp xã (16 xã, 2 thị trấn), dân số trên 25 vạn người.
Về cơ cấu kinh tế, công nghiệp - xây dựng chiếm 87%; dịch vụ 6,4%; nông nghiệp 6,6%. Đặc biệt, trên địa bàn huyện hiện có 2.416 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp doanh thu lớn cho địa phương.
Về hạ tầng kỹ thuật đô thị, huyện có KCN Quang Minh, diện tích 410ha, với trên 500 doanh nghiệp; Khu đô thị mới Mê Linh diện tích trên 2.300 ha với 47 dự án phát triển đô thị đã và đang triển khai.
Về hạ tầng giao thông, trên địa bàn có đường Vành đai 3 (đường Võ Văn Kiệt) đi qua, từ Mê Linh đến sân bay Nội Bài khoảng 8 km; có đường Trục trung tâm đô thị mới Mê Linh gắn kết Hà Nội với các tỉnh phía Bắc.
Hiện nay, huyện Mê Linh đang được TP quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng giao thông lớn đi qua huyện: Đường Vành đai 4 (dài 11,2 km) - cầu Hồng Hà; đường Vành đai 3,5 - cầu Thượng Cát; đường Tiền Phong - Tự Lập (mặt cắt 48 m); đường cảng Chu Phan - Quốc lộ 2; đường đê sông Hồng (dài 21 km).