Rà soát cơ chế đặc thù cho dự án đường kết nối Khánh Hòa với Lâm Đồng, Ninh Thuận

14:00 30/05/2023
Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, cần làm rõ việc trồng rừng thay thế, lưu ý phương án thiết kế mở rộng lòng đường để đáp ứng các mục tiêu đề ra…

Có phương án phục hồi, trồng rừng thay thế  

Tiếp tục chương trình phiên họp sáng 30/5,  Quốc hội thảo luận về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Về Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, các ĐBQH tập trung thảo luận về sự cần thiết đầu tư dự án, phạm vi, quy mô đầu tư, phương án thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phương án thiết kế sơ bộ…

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tại Nghị trường.

Thảo luận tại Nghị trường, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tán thành với chủ trương đầu tư Dự án. Dự án cần đưa ra Quốc hội thảo luận bởi liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Vấn đề liên quan đến chất lượng rừng đã được làm rõ trong Nghị quyết.

Tuy nhiên, cần làm rõ thêm việc trồng rừng thay thế; cung cấp thêm thông tin về cơ sở dữ liệu, số liệu đánh giá việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không tác động trực tiếp đến sinh thái, an toàn, môi trường, đặc biệt là bảo đảm về giá trị, tính chính xác của các thông số.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tại Nghị trường.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho biết, do tuyến đường đi sát vào khu bảo tồn quốc gia nên cần đặc biệt chú ý đến công tác bảo tồn, phải có phương án thi công cụ thể, có phương án phục hồi, trồng rừng thay thế, mở rộng diện tích khu bảo tồn ở phạm vi xung quanh để bù lại diện tích rừng thay thế.

Lưu ý phương án thiết kế mở rộng lòng đường

Bên cạnh đó, ý kiến các đại biểu cùng thống nhất với đề xuất có cơ chế đặc thù cho thực hiện dự án, tuy nhiên cần thận trọng và kỹ lưỡng bởi dự án có liên quan đến rừng.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận tin tưởng tỉnh Khánh Hòa sẽ tính toán làm tốt Dự án khi được Quốc hội thông qua; tin tưởng vào sự thành công của Dự án hình thành tuyến đường giao thông kết nối đa tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận và Ninh Thuận là điều kiện thuận lợi cho các tỉnh trong khu vực, kết nối trong các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương, khu vực và vùng.

Vì vậy, đại biểu thống nhất với đề xuất của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường về cơ chế đặc thù cho Dự án.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận tại Nghị trường.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP.HCM lưu ý, cần bảo đảm thận trọng kĩ lưỡng khi xem xét ban hành cơ chế đặc thù cho Dự án vì Dự án liên quan đến rừng, lưu ý phương án thiết kế mở rộng lòng đường để đáp ứng các mục tiêu đề ra.

Liên quan đến dự trù kinh phí thực hiện dự án trong đó có phần đền bù giải phóng mặt bằng, khi Dự án nằm trong khu vực có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ gia đình có công với cách mạng, do đó cần chú trọng chính sách đền bù để người dân có nơi ở mới phù hợp hơn, cao hơn từ đó cần dự trù kinh phí để đáp ứng đủ yêu cầu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP.HCM tại Nghị trường.

Bảo đảm tác động ít nhất đến chức năng rừng phòng hộ

Giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đa số ý kiến của các đại biểu đồng thuận với Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự án đã được lên kế hoạch từ lâu, cơ bản nhận được sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội, mang nhiều ý nghĩa về phát triển kinh tế-xã hội cũng như ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao đời sống vùng dân cư tuyến đường đi qua.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH.

Về hướng tuyến, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ lưỡng bảo đảm phù hợp cảnh quan môi trường, có ít nhất ảnh hưởng, tác động đến môi trường sinh thái cũng như chức năng phòng hộ đầu nguồn của rừng trong khu vực, có phương án trồng rừng thay thế hợp lý đúng quy định.

Đối với việc giải phóng mặt bằng, cơ quan hữu quan đã rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm công khai, minh bạch, ổn định được đời sống người dân, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Về cơ chế đặc thù áp dụng cho Dự án, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, rà soát lại kỹ càng, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tiết giảm quy trình thủ tục.

Bình luận