Sự phục hồi đầy chắc chắn của nền kinh tế sau một năm đại dịch khốc liệt

11:37 29/11/2022
Các chỉ số sản xuất công nghiệp, tình hình đăng ký doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu… trong tháng 11 và 11 tháng năm 2022 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi và có nhiều khởi sắc.

Chỉ số IIP tháng 11 tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,4%), đóng góp 6,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,1%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 6,5%, đóng góp 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Tính chung chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 02 địa phương trên cả nước (Trà Vinh giảm 24%; Hà Tĩnh giảm 16,9%).

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 11 tháng năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Bia tăng 34,9%; thủy hải sản chế biến và ô tô cùng tăng 17,3%; linh kiện điện thoại tăng 16,9%; xăng dầu các loại tăng 12,9%; sơn hóa học tăng 12%; thép thanh, thép góc tăng 11,8%; xe máy tăng 10,8%; giày, dép da tăng 9,7%; thuốc lá điếu và khí đốt thiên nhiên dạng khí cùng tăng 9,1%. 

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/11/2022 tăng 0,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 5,9% so với cùng thời điểm năm trước.

Hoạt  động sản xuất kinh doanh đều tăng trưởng

Trong tháng 11, cả nước có 11.943 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 8,3% so với tháng trước nhưng tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 6.267 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,6% so với tháng trước và tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2021; có 4.006 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 1,3% và tăng 13,7%; có 5.095 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,3% và tăng 9,8%; có 1.422 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 11,2% và tăng 13,2%.

Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng số doanh nghiệp tham gia vào thị trường (bao gồm đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động) đạt 194,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước, gấp 1,3 lần mức bình quân 11 tháng giai đoạn 2017-2021 (153,7 nghìn doanh nghiệp), bình quân một tháng có 17,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài đã gây sức ép và khó khăn lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nên số doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường là 132,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,3%; bình quân một tháng có 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ngoài ra, hàng loạt các tín hiệu tích cực khác của nền kinh tế như, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 514,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,9% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 tăng 14,9% so với 11 tháng năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Bên cạnh đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 tăng 0,39% so với tháng trước; tăng 4,56% so với tháng 12/2021 và tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,38%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,02%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 11,8%

Trong tháng 11, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 57,58 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng trước và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13,4%; nhập khẩu tăng 10,1%. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 29,18 tỷ USD tuy có giảm 3,9% so với tháng trước và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 28,4 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,16 tỷ USD, tăng 6,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,24 tỷ USD, giảm 0,6%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11 giảm 7,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 0,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 10,8%.
Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 115,42 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 216,19 tỷ USD, tăng 9,6%.

Như vậy, nhìn vào các con số trên, có thể thấy nền kinh tế của Việt Nam đã thực sự phục hồi qua 11 tháng năm 2022, một năm đầy khó khăn và thử thách do ảnh hưởng của đại dịch covid-19 kéo dài. Sự phục hồi này sẽ là nền tảng vững chắc để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

 

Bình luận