Bình Thuận định hướng trọng tâm phát triển trên 3 trụ cột: công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp

15:06 09/05/2023
Trọng tâm phát triển của tỉnh Bình Thuận là 3 trụ cột: công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp; đồng thời bố trí trục động lực Đông - Tây gắn với hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia và Quốc lộ 1A.

Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra ngày 5/5/2023 tại Hà Nội.  

Trọng tâm phát triển 3 trụ cột kinh tế

Theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh định hướng phát triển bền vững bao trùm, đảm bảo mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển và hưởng thụ thành quả của quá trình phát triển.

Đồng thời tỉnh chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực; phát triển toàn diện trên cơ sở tạo lập một hệ sinh thái phát triển hiện đại và bền vững; phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành nền kinh tế ít chất thải, kinh tế tuần hoàn.

Cũng theo Quy hoạch, trọng tâm phát triển của tỉnh là 3 trụ cột: công nghiệp với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên ngành.

Cùng với đó là ngành dịch vụ với các loại hình du lịch, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, dịch vụ logistics; nông nghiệp với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến.

Tỉnh Bình Thuận xác định đến năm 2030 đạt một số chỉ tiêu chính như: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7,5 - 8%. Đến năm 2030, quy mô GRDP đạt 266.357 tỷ đồng, tăng gấp 3,18 lần so với năm 2020 (năm 2020 đạt 83.726 tỷ đồng).

Kinh tế số chiếm tỷ trọng khoảng 30% trong GRDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 38 - 40% đến năm 2030.

Thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 36 - 38% so với GRDP giai đoạn 2021 - 2030.

GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 7.800 - 8.000 USD (năm 2020 đạt 2.911 USD) và thu nhập bình quân đầu người đến năm 2030 tăng gấp 2,7 - 3,5 lần so với năm 2020.

Báo cáo Quy hoạch tỉnh Bình Thuận cũng đề ra phương án phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, phương án phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, liên kết không gian các hoạt động kinh tế - xã hội và tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý trong đó bố trí trục động lực là trục Đông - Tây gắn với hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia và Quốc lộ 1A; kết nối giao thông với vùng Đông Nam Bộ, tiểu vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đặc biệt là kết nối với TP Hồ Chí Minh.

Làm rõ hơn phương án phát triển

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận được xây dựng công phu, nghiêm túc, bám sát các quy định của pháp luật về quy hoạch, môi trường; nội dung quy hoạch thể hiện được khát vọng phát triển của tỉnh.

Thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia đã tập trung trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về tính hợp lý và sự tuân thủ quy trình lập quy hoạch; việc tích hợp các nội dung quy hoạch; đồng thời đánh giá về vị thế, vai trò và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận…

Về quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển của tỉnh, có ý kiến cho rằng, việc lựa chọn phương án phát triển của tỉnh chưa rõ ràng khi lựa chọn mức tăng trưởng kinh tế theo kịch bản cơ sở (7,5 - 8%) và phấn đấu kịch bản kỳ vọng là chưa hợp lý, chỉ hơn mức bình quân vùng Tây Nguyên, thấp hơn cả Ninh Thuận (11%), trong khi tỉnh Bình Thuận được đánh giá có nhiều thuận lợi hơn so với Ninh Thuận.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung, xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết trong thời kỳ quy hoạch, trong đó cần chú trọng một số vấn đề về nhận thức, tư duy phát triển trong bối cảnh mới, chính sách phát triển, năng lực đội ngũ, hạ tầng kết nối vùng…

Đồng thời cần rà soát, đưa ra định hướng, giải pháp phát triển để đảm bảo tính khả thi các khâu đột phá, đặc biệt là khâu đột phá “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”; làm rõ giải pháp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; xem xét nghiên cứu khâu đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó bao gồm việc hoàn thành xây dựng sân bay Phan Thiết.

Sau khi thảo luận, cho ý kiến, các thành viên Hội đồng thẩm định xem xét, biểu quyết 3 nội dung: đánh giá Quy hoạch tỉnh; đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch; đánh giá đối với Dự thảo Báo cáo thẩm định Quy hoạch. Theo đó, Hội đồng thẩm định đã biểu quyết thông qua với kết quả 100% đồng ý với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.

Bình luận