Cần phân cấp cho địa phương ban hành quy chuẩn địa phương về an toàn cháy

16:10 15/08/2023
Từ việc tổng hợp một số nội dung soát xét chính trong QCVN 06:2022/BXD, đặt ra vấn đề cần phân cấp mạnh mẽ và rõ ràng hơn cho địa phương quyền ban hành các quy chuẩn địa phương thay thế cho các yêu cầu của QCVN 06:2022/BXD.

Hầu hết các ý kiến xuất phát từ góc độ kinh tế

Ngày 15/8, tại Hà Nội, Viện Khoa học công nghệ xây dựng - IBST phối hợp với Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình”.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng; TS Nguyễn Hồng Hải, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - IBST, cùng với các chuyên gia và đại diện các đơn vị có liên quan.

Bà Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam cho biết, sau một thời gian ứng dụng QCVN 06:2022/BXD vào thực tế đã đã gặp phải một số vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực trạng hiện tại. Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam cũng như các cơ quan, doanh nghiệp chủ đầu tư, nhà thầu đều mong muốn được thuận lợi hơn trong việc triển khai thực hiện QCVN 06:2022/BXD. Vì vậy, Hiệp hội cũng đã thu thập các ý kiến của các cơ quan, đơn vị trên cả nước gửi về Bộ Xây dựng để góp ý, sửa đổi nhằm hoàn thiện hơn nữa QCVN 06:2022/BXD.

Theo báo cáo tại Hội thảo, sau khi QCVN 06:2022/BXD chính thức được áp dụng từ ngày 16/01/2023, đã có nhiều văn bản góp ý, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung quy chuẩn phù hợp với thực tế. Do đó, Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, phục vụ việc lấy ý kiến và sửa đổi lần 1.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT - Bộ Xây dựng cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản trong việc ứng dụng QCVN 06:2022/BXD, cần rà soát, đảm bảo sự thuận lợi cho các nhà đầu tư cũng như đảm bảo an toàn PCCC là điều vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay. 

Trong quá trình ứng dụng QCVN 06:2022/BXD, Vụ KHCN&MT và cơ quan chủ trì soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban ngành, cũng như các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư…

PGS.TS Vũ Ngọc Anh bày tỏ mong muốn, thông qua cuộc Hội thảo này, Ban tổ chức sẽ nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hơn nữa QCVN 06:2022/BXD.

Theo số liệu thống kê từ sau Luật PCCC 2001 có hiệu lực đến hết 2022, có 38.140/1.182.722 công trình/cơ sở chưa đáp ứng được quy định PCCC (sau Luật PCCC), chiếm tỷ lệ 3,22%. Hơn 38.000 cơ sở chưa đáp ứng được quy định PCCC gồm: Các cơ sở kinh doanh, lưu trú là 15.577 (chiếm 40,8%); trụ sở, trường học, bệnh viện là 7.715 (chiếm 20,2%); công trình văn hóa, thương mai là 7.580 (chiếm 19,9%); chung cư, ký túc xá là 1.650 (chiếm 4,3%); các cơ sở công nghiệp là 4.610 (chiếm 12,1%); các công trình khác (xăng, dầu, điện, hóa chất, giao thông…) là 1.008 (chiếm 1,6%).

TS Cao Duy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng - IBST cho biết, so sánh với các quốc gia trên thế giới (các năm 2016-2020), Việt Nam có trung bình số lượng vụ cháy/1.000 dân là 0,04; đây là số liệu ở mức thấp trên thế giới. Tuy nhiên, số lượng người thiệt mạng qua các vụ cháy của Việt Nam lại cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới, trung bình số người tử vong/100 vụ cháy là 2,49 (xếp hạng thứ 7/64 quốc gia).

Các số liệu trên cho thấy tầm quan trọng trong công tác PCCC cũng như việc ứng dụng QCVN 06:2022/BXD vào điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Viện IBST cũng nhận được nhiều văn bản góp ý cho QCVN 06:2022/BXD, nhưng có đến 50% ý kiến không thuộc phạm vi quy chuẩn. Trong 50% còn lại, thì khoảng 90% là ý kiến về các quy định đã có từ QCVN 06:2010/BXD hoặc thậm chí từ năm 1995. Và hầu hết các ý kiến đều xuất phát từ góc độ kinh tế, không từ góc độ an toàn cho con người.

Ông Cao Duy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - IBST.

TS Cao Duy Khôi cũng nhấn mạnh, QCVN 06:2022/BXD chủ yếu quy định các yêu cầu an toàn cháy cho nhà và công trình, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho người. Có nhiều giải pháp khác nhau để đạt được các yêu cầu này và được áp dụng các giải pháp mà quy chuẩn không cấm.

Các nội dung của QC 06:2022/BXD cần soát xét

Từ các ý kiến góp ý cho thấy, việc thực hiện QCVN 06:2022/BXD cũng có những vướng mắc nhất định, Viện IBST đã tổng hợp một số nội dung soát xét chính để có những thay đổi phù hợp với thực tiễn. Trong đó, cần có sự điều chỉnh trong phạm vụ áp dụng QCVN 06:2022/BXD: Các nhà ở kết hợp kinh doanh chiều cao dưới 25 m được đề nghị đưa sang tiêu chuẩn nhà ở kết hợp kinh doanh, do các nhà này khi xây thường là nhà ở riêng lẻ, sau đó cải tạo kinh doanh, nên khó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn; và cũng không thể phá vỡ hệ thống, cấu trúc, nguyên lý chung của quy chuẩn để đáp ứng riêng các đối tượng này. Quy chuẩn cũng sẽ không áp dụng cho các công trình phục vụ giao thông vận tải và nông nghiệp và phát triển nông thôn, do không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Thực hiện phân cấp mạnh mẽ và rõ ràng hơn cho các địa phương về quyền ban hành các quy chuẩn địa phương thay thế cho các yêu cầu của QCVN 06:2022/BXD. Theo đó, các địa phương có thể ban hành quy định riêng phù hợp với điều kiện cụ thể, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ về việc phân cấp cho các địa phương, nhưng vẫn phải tuân thủ một nền móng chung là hệ thống phân loại kỹ thuật về cháy của quy chuẩn.

Bổ sung các quy định về pháp lý và kỹ thuật, các tài liệu viện dẫn, tiêu chí đánh giá để người thiết kế có thể thiết kế an toàn cháy gắn với điều kiện cụ thể của công trình (thiết kế theo công năng); cũng như thu hẹp phạm vi đối với các công trình cải tạo sửa chữa để đồng bộ với Nghị định 136/2020/NĐ-CP sửa đổi.

Bổ sung thêm các yêu cầu cụ thể gắn với các nội dung kỹ thuật về thoát nạn, ngăn cháy lan, chữa cháy, kết cấu, bảo vệ chống khói, khoang cháy và số tầng cao. Cũng như các đối tượng theo tính nguy hiểm cháy và thực tiễn xây dựng ở Việt Nam, trên nguyên tắc là không hạ thấp các yêu cầu an toàn cốt lõi.

Các chuyên gia nhận định, việc cân bằng các yếu tố kinh tế, kỹ thuật và an toàn là không dễ. Vì vậy, bên cạnh các quy định “tiền định”, Dự thảo quy chuẩn cần thiết lập rõ hơn hành lang pháp lý và kỹ thuật để thiết kế an toàn cháy phù hợp cũng như thiết lập hành lang pháp lý để các địa phương được ban hành quy định riêng phù hợp với điều kiện của mình…

Kiểm tra thiết bị PCCC. Ảnh: TTXVN

Ban tổ chức mong muốn thông qua cuộc Hội thảo lần này, Bộ Xây dựng, Bộ Công an sẽ cho biên soạn Hướng dẫn áp dụng QCVN 06:2022/BXD, biên soạn mới hoặc sửa đổi các tiêu chuẩn vệ tinh, hủy bỏ các tiêu chuẩn đã quá cũ, để xây dựng một hệ thống quy định kỹ thuật đồng bộ, phù hợp.

Đồng thời, Ban tổ chức cũng mong muốn các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có sự quan tâm sâu sát hơn nữa đến dự thảo sửa đổi QCVN 06:2022/BXD, có những ý kiến cụ thể, khách quan, nhiều chiều nhiều góc độ, đúng phạm vi để ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện.

Bình luận