

Cục Hạ tầng kỹ thuật - Kiến tạo nền tảng cho tương lai bền vững
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Cục hạ tầng kỹ thuật, phóng viên Tạp chí Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, về những kết quả nổi bật, bài học, cũng như những định hướng lớn để tiếp tục thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được Bộ Xây dựng giao phó.
Phóng viên: Thưa ông, thực tiễn những năm qua cho thấy, nội dung quản lý nhà nước về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật của Bộ Xây dựng đã được bổ sung, làm rõ hơn để phù hợp với yêu cầu quản lý phát triển. Trong bối cảnh đó, theo ông, sự ra đời của Cục Hạ tầng kỹ thuật đã đáp ứng yêu cầu như thế nào về quản lý và phát triển hạ tầng tại Việt Nam?
Ông Tạ Quang Vinh: Có thể nói, hơn 20 năm qua, công tác quản lý xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật ngày càng được Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm, là nội dung nhiệm vụ quan trọng trong các nghị quyết, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2003, khi Luật Xây dựng được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành, lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật lần đầu tiên được xác định với vai trò và vị trí quan trọng. Đó cũng là thời điểm Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị được thành lập theo Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng và Quyết định số 691/QĐ-BXD ngày 19/5/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Sau 5 năm, tại Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, thành lập Cục Hạ tầng kỹ thuật trên cơ sở tổ chức lại Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị và chuyển giao Ban Quản lý Dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị trực thuộc Bộ Xây dựng về Cục. Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 460/QĐ-BXD ngày 02/4/2008 về việc thành lập Cục Hạ tầng kỹ thuật.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, qua các Nghị định số 62/2013/NĐ-CP, Nghị định số 81/2017/NĐ-CP, Nghị định số 52/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, nội dung quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật gắn liền chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cục Hạ tầng kỹ thuật, ngày càng được rõ nét và hoàn thiện hơn, thể hiện qua Quyết định số 986/QĐ-BXD ngày 25/9/2017; Quyết định số 1155/QĐ-BXD ngày 01/12/2022.
Hiện nay, Cục Hạ tầng kỹ thuật được Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật đối với lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật bao gồm: Cấp nước đô thị và khu công nghiệp; thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung và khu công nghiệp; quản lý xây dựng hạ tầng kỹ thuật thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn; công viên, cây xanh đô thị; chiếu sáng đô thị; nghĩa trang (trừ nghĩa trang liệt sĩ) và cơ sở hỏa táng; kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; quản lý xây dựng ngầm đô thị; quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Về cơ cấu tổ chức, Cục Hạ tầng kỹ thuật hiện có 01 văn phòng, 04 phòng chuyên môn và 01 đơn vị sự nghiệp trực thuộc là Trung tâm Nghiên cứu phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Theo tôi, việc thành lập Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị, sau này là Cục Hạ tầng kỹ thuật mang một ý nghĩa to lớn, giúp tạo ra bước ngoặt phát triển mới trong công tác quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh liên kết vùng, khu vực và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, kết cấu hạ tầng các đô thị lớn được quy hoạch căn bản, tạo ra bước thay đổi lớn trong phát triển kinh tế - xã hội các đô thị; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng hiện đại, phục vụ hiệu quả yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giảm tiêu hao nhiên liệu, tăng hiệu quả sử dụng; xây dựng hệ thống các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu đồng bộ, hiện đại, giảm tỷ lệ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phóng viên: Nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, cũng như vai trò, vị thế của Cục Hạ tầng kỹ thuật, những năm vừa qua, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, góp phần thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, thưa ông?
Ông Tạ Quang Vinh: Thực tiễn quá trình xây dựng và phát triển, lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đã được Cục và các đơn vị liên quan tham mưu Bộ Xây dựng trình Chính phủ nhiều văn bản quy phạm pháp luật (nghị định, thông tư, chiến lược, chương trình, định hướng và quy hoạch chuyên ngành):
Giai đoạn 2003-2008: Trong 5 năm hình thành, mặc dù nhiệm vụ mới, đa dạng, khối lượng lớn, song các nhiệm vụ trọng tâm đã được Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị chủ trì soạn thảo và được ban hành đều đảm bảo chất lượng và tiến độ, nhiều quy định đã đi vào cuộc sống góp phần thay đổi nhận thức và đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, cụ thể như đã có 5 nghị định và 7 thông tư, quyết định được ban hành, góp phần bổ sung và từng bước hoàn thiện các cơ sở pháp lý đối với lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị (quy định về quản lý chất thải rắn; quản lý cây xanh; quản lý thoát nước và xử lý nước thải; quản lý cấp nước sạch đô thị; quản lý xây dựng ngầm đô thị....).
Ngoài việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị, theo chức năng nhiệm vụ được giao, còn tham gia, hướng dẫn việc kiểm tra tình hình đầu tư xây dựng, triển khai một số dự án hạ tầng giao thông đô thị, cấp, thoát nước, quản lý chất thải rắn,… tại các địa phương; phối hợp với các tổ chức nước ngoài (WB, ADB,…) chỉ đạo, điều phối các chương trình, dự án đầu tư xây dựng và đặc biệt có nhiệm vụ chính trị tham gia vào công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt nam với các nước: Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Giai đoạn từ năm 2008 đến nay: Trên cơ sở kết quả đã đạt được của giai đoạn 2003 - 2008, Cục Hạ tầng kỹ thuật tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, xây dựng các văn bản pháp luật về hạ tầng kỹ thuật của các lĩnh vực còn thiếu; đồng thời tổ chức điều tra, khảo sát và đánh giá các văn bản đã ban hành để từ đó đề xuất sửa đổi bổ sung; tập trung xây dựng các định hướng, chiến lược cũng như các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật mang tính liên vùng làm cơ sở kêu gọi đầu tư, thu hút các nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật.
Đến nay, tôi cho rằng về cơ bản hệ thống pháp luật chung đã bao phủ các hoạt động liên quan đến lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã tham mưu lãnh đạo Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành 7 nghị định chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cùng các thông tư hướng dẫn (bao gồm các lĩnh vực: cấp nước; thoát nước và xử lý nước thải; cây xanh đô thị; chiếu sáng đô thị; không gian ngầm đô thị; sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật đô thị; nghĩa trang và cơ sở hỏa táng). Các quy định nêu trên đã góp phần lớn vào công cuộc cải cách đầu tư xây dựng cơ bản, làm tiền đề cho việc phát triển bền vững trong tương lai.
Nhằm cụ thể hóa việc đầu tư xây dựng các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, cũng như kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã tham mưu lãnh đạo Bộ Xây dựng lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 13 đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật liên vùng (đồ án quy hoạch quản lý chất thải rắn; cấp nước và thoát nước) và 7 đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật thành phố trực thuộc Trung ương; hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành vùng tỉnh, đô thị trực thuộc tỉnh; tham mưu lãnh đạo Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiều đề án, chỉ thỉ, định hướng, chiến lược, chương trình quốc gia đối với việc phát triển lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật...
Ngoài công tác quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật, Cục Hạ tầng kỹ thuật còn được Bộ Xây dựng giao là đơn vị đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt - Trung, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.
Phóng viên: Thưa ông, trong các nhiệm vụ mà Cục Hạ tầng kỹ thuật đã thực hiện những năm gần đây, thì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có thể coi là một điểm sáng. Vậy theo ông, đâu là những điểm đột phá trong chiến lược xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của năm 2023?
Ông Tạ Quang Vinh: Có thể nói rằng, năm 2023, một năm bản lề nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã thống nhất, đoàn kết và tập trung nguồn lực, nhân lực xây dựng các chính sách liên quan đến lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, cụ thể như:
Luật Cấp, Thoát nước: Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kết luật 19/KL-TW của Bộ Chính trị khóa XIII về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã tham mưu lãnh đạo Bộ hoàn thiện Hồ sơ đề nghị theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ tại Tờ trình số 53/TTr-BXD ngày 02/11/2023. Ngày 17/11/2023, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề pháp luật, thống nhất thông qua Hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Cấp, Thoát nước để chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chính sách Quản lý không gian ngầm đô thị và Chính sách quản lý hạ tầng kỹ thuật trong Luật Quản lý phát triển đô thị: Cục Hạ tầng kỹ thuật phối hợp với Cục Phát triển đô thị hoàn thiện 2 chương trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, trình Bộ Tư pháp thẩm định. Dự kiến sẽ trình Chính phủ thống nhất thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trong tháng này.
Chính sách quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trong Luật Quy hoạch đô thị - nông thôn (sửa đổi): Cục Hạ tầng kỹ thuật bám sát các nội dung dự thảo Luật Quy hoạch đô thị - nông thôn và cùng đồng hành với Vụ Quy hoạch kiến trúc để triển khai thực hiện xây dựng Luật đảm bảo các chính sách về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật trong Luật Quy hoạch đô thị - nông thôn sửa đổi được thống nhất và thông suốt trong quá trình triển khai thực hiện.
Nghị định thay thế Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch: Cục Hạ tầng kỹ thuật đã tham mưu, bám sát các nội dung liên quan đến việc thay thế Nghị định số 117/2007/NĐ-CP và theo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 475/TB-VPCP ngày 18/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Bộ xây dựng xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Cấp, Thoát nước thay thế Nghị định số 117/2007/NĐ-CP theo tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội.
QCVN 07:2016/BXD về Quy chuẩn Quốc gia các công trình Hạ tầng kỹ thuật: Cục Hạ tầng kỹ thuật phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng thông qua việc sửa đổi đối với Quy chuẩn Quốc gia các công trình Hạ tầng kỹ thuật.
Tổng kết 12 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT/BXD-BCA: Cục Hạ tầng kỹ thuật đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an để tham mưu cho Bộ Xây dựng có Báo cáo số 111/BC-BXD ngày 29/05/2023 về tổng kết 12 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT/BXD-BCA ngày 10/4/2009 của Bộ Xây dựng và Bộ Công an hướng dẫn thực hiện việc cấp nước phòng cháy, chữa cháy tại đô thị và khu công nghiệp.
Nhìn chung, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được Cục thực hiện đúng tiến độ, chất lượng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương. Nội dung quy định trong các văn bản cơ bản đã được làm rõ có tính thống nhất cao, giúp điều chỉnh các mối quan hệ trong quản lý và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho phát triển hạ tầng kỹ thuật một cách đồng bộ.
Phóng viên: Trải qua các giai đoạn phát triển và trước những yêu cầu mới của thực tiễn, xin ông cho biết, Cục Hạ tầng kỹ thuật có giải pháp trọng tâm nào để phát huy những kinh nghiệm đã có, tiếp tục thực hiện chức năng nhiệm vụ được Bộ Xây dựng giao đạt kết quả?
Ông Tạ Quang Vinh: Từ những kết quả đạt được những năm qua, Cục Hạ tầng kỹ thuật đang tiếp tục triển khai thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ Xây dựng giao, cũng như triển khai hoàn thiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị ban hành và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và đồng bộ đối với lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật (Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong đó tập trung vào đột phá chiến lược xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại...).
Trong thời gian tới, Cục Hạ tầng kỹ thuật xác định một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:
Xây dựng luật về lĩnh vực cấp, thoát nước, không gian ngầm đô thị; hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị (bám sát các nội dung theo đúng tiến độ đặt ra trong việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua các Luật: Cấp, Thoát nước; Quản lý phát triển đô thị; Quy hoạch đô thị và nông thôn).
Công tác đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm tại các đô thị lớn, tập trung cho các lĩnh vực giao thông đô thị, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đô thị. Tham mưu đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, đặc biệt đối với các tuyến đường sắt đô thị.
Tham mưu triển khai hiệu quả các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đến năm 2030. Tăng cường công tác kiểm soát, quản lý xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch. Khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, xây dựng và phát triển hạ tầng xanh, công trình xanh, tiêu thụ năng lượng xanh tại đô thị. Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tại ĐBSCL. Đẩy mạnh quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, nhất là công tác quy hoạch không gian ngầm ở các thành phố trực thuộc Trung ương.
Thúc đẩy việc nghiên cứu, áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến trong quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật.
Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật.
Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý hạ tầng kỹ thuật ở các cấp thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài.
Với một tập thể luôn đoàn kết, không ngừng nỗ lực tìm tòi, học hỏi và hướng tới sự đổi mới, tiến bộ, tôi tin tưởng rằng, Cục Hạ tầng kỹ thuật dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Xây dựng sẽ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật được giao, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông!