Rà soát hạ tầng cảng phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi

07:00 02/08/2024
Việc nghiên cứu, rà soát hạ tầng cảng phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi nhằm xác định mức độ phù hợp và sẵn sàng trong ngắn hạn của cơ sở hạ tầng cảng hiện có…
Rà soát hạ tầng cảng phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi
Ảnh minh hoạ.

Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật tối thiểu là 160 GW cho điện gió ngoài khơi cách bờ 100 km, trong đó khoảng 100 GW là vùng điện gió ngoài khơi móng cố định.

Theo Quy hoạch điện 8 và kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 đã công bố, mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi là 6 GW vào năm 2030, được phân bổ như sau: 2,5 GW ở phía Bắc, 0,5 GW ở Trung Bộ, 2 GW ở Nam Trung Bộ và 1 GW ở Nam Bộ.

Theo các chuyên gia của Cục Năng lượng Đan Mạch (DEA), về mặt pháp lý, trọng tâm hiện tại là phát triển các dự án thí điểm. Tuy nhiên, cảng là cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các hoạt động liên quan đến điện gió ngoài khơi. Do đó, cần thiết có những nghiên cứu nhằm xác định mức độ phù hợp và sẵn sàng trong ngắn hạn của cơ sở hạ tầng cảng hiện có cùng những bất cập trong đầu tư, qua đó hỗ trợ các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên ở Việt Nam trong giai đoạn 2028-2033 và phục vụ triển khai sử dụng các turbin móng cố định 15 MW hiện đại.

Mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2030.

Theo kết quả nghiên cứu cảng ban đầu của nhóm tư vấn quốc tế và Việt Nam, bước sàng lọc ban đầu đã xác định được 51 cảng dọc bờ biển Việt Nam, trong đó có 3 cảng được đề xuất triển khai những ý tưởng phát triển mới, ngoài ra còn xác định được 30 nhà máy đóng tàu để đánh giá thêm. Cơ sở để xác định những cảng này là các nghiên cứu sẵn có của Ngân hàng Thế giới, MTBS, quy hoạch cảng biển tổng thể; phân tích tài liệu chiến lược của đơn vị tư vấn COWI; khuyến nghị của DEA, VPI…

Các chuyên gia đã chọn 11 cảng gồm: Cảng Quốc tế Hải Phòng; Cảng quốc tế Nghi Sơn; Cảng Vạn Ninh; Cảng Cửa Lò; Cảng Cà Ná; Cảng Vĩnh Tân; Cảng Chân Mây; Nhà máy đóng tàu Ba Son; Cảng Cái Mép Hạ; Cảng Long An và Cảng Hạ lưu PTSC.

Theo các chuyên gia, cảng phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi có chức năng là một cảng xây dựng, là nơi lưu trữ, tiền lắp ráp và loadout các bộ phận lắp đặt điện gió ngoài khơi; thường được bố trí trong phạm vi 400 km tính từ nhà máy điện gió ngoài khơi để giảm thời gian vận chuyển từ cảng đến nhà máy.

Chức năng của cảng xây dựng phát triển điện gió ngoài khơi.

Nếu có thể, cảng này sẽ được bố trí gần các trung tâm sản xuất, cụ thể là móng, vỏ, cánh quạt… Trong cảng, hoạt động tại bãi thường bao gồm: Dỡ hàng (tại nhà máy sản xuất); lưu trữ; tiền lắp ráp; Loadout (đưa đến nhà máy điện gió ngoài khơi)…

Theo đánh giá của các chuyên gia đối với 11 cảng đã được chọn, ở khu vực Vũng Tàu (Nam Bộ), đã bảo đảm phục vụ chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi với các hoạt động gồm: Chế tạo móng (móng nổi, gầu hút); chế tạo trạm biến áp; lưu trữ tổng hợp và vận chuyển móng.

Còn tại khu vực Bắc Bộ và Nam Trung Bộ, cần thêm nhiều nỗ lực hợp tác trong ngành để các cảng bắt kịp tốc độ phát triển của điện gió ngoài khơi.

Đáng chú ý, các cảng đã chọn có vị trí phù hợp để phục vụ những nhà máy điện gió ngoài khơi móng cố định được xác định trong Quy hoạch điện 8.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 356/TB-VPCP ngày 30/7/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.

Trong đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Petrovietnam, EVN thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó có đối tượng, phạm vi là các dự án thí điểm cụ thể, rõ ràng.

Các nội dung cần thực hiện từ khảo sát, chủ trương đầu tư đến thực hiện, hoàn thành đưa dự án vào vận hành khai thác, cơ quan thực hiện, thời gian hoàn thành.

Các nội dung vướng mắc do chưa có quy định của pháp luật, do pháp luật chưa rõ hoặc chồng chéo, đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết để thực hiện thí điểm. Đồng thời, soát kỹ các quy định pháp luật hiện hành, các vướng mắc đối với Đề án nêu trên, trên cơ sở đó tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bình luận