Chiều 3/10, tại Hà Nôi, trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Viêt Nam 2024, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) chủ trì tổ chức Hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề: "Kết hợp hiệu quả các giải pháp công nghệ và thiết bị hướng đến công trình tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải".
Phát triển công trình xanh là giải pháp trọng tâm
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hải - Viện trưởng IBST cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg là một bước tiến quan trọng trong kiểm soát và giảm thiểu phát thải từ ngành Xây dựng. Tuần lễ Công trình xanh là một trong những hoạt động chính nhằm thúc đẩy các giải pháp giảm phát thải, đồng thời khuyến khích các tổ chức phát triển công trình xanh để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đúng theo cam kết tại Hội nghị COP26.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu và đánh giá tiềm năng giảm phát thải KNK, ông Trần Phương - Trưởng phòng Công trình xanh và tiết kiệm năng lượng (IBST) cho rằng, Chính phủ cần ban hành quy định và hướng dẫn chi tiết, để đảm bảo việc giảm phát thải KNK được thực hiện đồng bộ, cần có các quy định cụ thể và dễ thực hiện cho từng loại công trình.
Tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu về phát thải KNK giúp theo dõi, đánh giá hiệu quả và tiềm năng giảm phát thải KNK của các công trình trong ngành Xây dựng.
Đồng thời, cần coi phát triển công trình xanh là giải pháp trọng tâm, nhắm đến việc thiết kế và xây dựng các công trình tiêu thụ ít năng lượng và tài nguyên, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Các công trình xây dựng cần được thiết kế và vận hành sao cho có khả năng chống chịu và thích ứng với những thay đổi của khí hậu.
Để đảm bảo kế hoạch giảm phát thải KNK được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, việc tuyên truyền, giới thiệu và tập huấn cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân là điều cần thiết. Điều này giúp các bên liên quan nắm rõ các chính sách và giải pháp kỹ thuật, từ đó có sự đồng thuận và hỗ trợ thực hiện.
Những giải pháp này không chỉ giúp giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải KNK mà còn góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có nền kinh tế xanh và phát triển bền vững theo đúng cam kết tại Hội nghị COP26.
Ứng dụng công nghệ để quản lý phát thải
Cũng tại Hội thảo, chia sẻ về các giải pháp quản lý và kiểm kê KNK tự động cho các công trình xây dựng, ông Shigeru Tamura - Trưởng phòng cấp cao Phát triển giải pháp số Toshiba Software Việt Nam cho biết, những giải pháp này tập trung vào việc ứng dụng công nghệ số hóa để giám sát và quản lý lượng phát thải KNK một cách hiệu quả và liên tục, giúp cải thiện việc báo cáo và tuân thủ các quy định về môi trường của Việt Nam.
Hệ thống kiểm kê tự động giúp giảm tải quy trình thủ công, tăng cường tính chính xác và khả năng theo dõi trong thời gian thực.
Chia sẻ về một công nghệ số tiên tiến giúp mô phỏng và theo dõi các công trình xây dựng trong thời gian thực, ông Rohan Rawte - Giám đốc điều hành IESVE Singapore Pte Ltd cho biết, công nghệ Digital Twins không chỉ giúp cải thiện hiệu quả năng lượng mà còn góp phần giảm phát thải carbon trong môi trường xây dựng; cho phép các bên liên quan phân tích dữ liệu chính xác về sử dụng năng lượng, tối ưu hóa hiệu suất vận hành và đề xuất các cải tiến kịp thời nhằm giảm phát thải...
Như vậy, có thể thấy với những bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ và chiến lược giảm phát thải, ngành Xây dựng Việt Nam đang hướng tới một tương lai bền vững hơn.
Việc ứng dụng các giải pháp quản lý KNK tự động của Toshiba hay công nghệ Digital Twins của IESVE, đều góp phần giúp các công trình xây dựng không chỉ cải thiện được hiệu quả năng lượng mà còn giảm đáng kể lượng phát thải.