Các yếu tố ảnh hưởng hiệu quả vốn đầu tư dự án bất động sản tại TP.HCM

Nghiên cứu này nhằm xác định các yếu tố chính ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án nhà ở, bao gồm giá bán, chi phí xây dựng, lãi suất tín dụng, khả năng huy động vốn và các chính sách nhà nước.
Các yếu tố ảnh hưởng hiệu quả vốn đầu tư dự án bất động sản tại TP.HCM
Ảnh minh họa. Nguồn: INT

1. Đặt vấn đề

BĐS là một trong những lĩnh vực đầu tư quan trọng nhất, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, thị trường nhà ở luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn đầu tư, tạo ra sự ổn định cho nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội [1].

Tuy nhiên, để đảm bảo lợi nhuận và hạn chế rủi ro, nhà đầu tư cần đánh giá chính xác hiệu quả đầu tư dự án nhà ở, bao gồm mức độ sinh lời, khả năng thu hồi vốn và những yếu tố tác động đến quyết định đầu tư.

Theo nghiên cứu của Nguyễn và Hà (2022), hiệu quả đầu tư không chỉ phụ thuộc vào giá bán và chi phí xây dựng, mà còn liên quan đến nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô như lãi suất tín dụng, chính sách nhà nước, nguồn cung - cầu và tâm lý thị trường [2].

Bất kỳ sự biến động nào từ các yếu tố này đều có thể tác động mạnh đến hiệu quả vốn đầu tư, ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi và tính thanh khoản của dự án. Việc đầu tư vào BĐS không chỉ đơn thuần là một quyết định tài chính mà còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như giá bán, chi phí xây dựng, chính sách nhà nước, lãi suất tín dụng và tốc độ tăng trưởng dân số. 

Việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án nhà ở là điều kiện tiên quyết để giúp nhà đầu tư lựa chọn loại hình BĐS phù hợp, phân bổ nguồn vốn hợp lý và giảm thiểu rủi ro tài chính.

Trong bối cảnh thị trường Việt Nam, nơi mà quy hoạch đô thị, chính sách tài chính và xu hướng tiêu dùng liên tục thay đổi, nhà đầu tư cần có một mô hình đánh giá chính xác để hiểu rõ mức độ tác động của từng yếu tố. Việc thiếu sót trong khâu phân tích và dự báo có thể dẫn đến những rủi ro lớn như bội chi ngân sách, giảm sút lợi nhuận, hoặc thậm chí mất khả năng thanh toán.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả vốn đầu tư dự án BĐS tại TP.HCM. Sử dụng phương pháp chỉ số quan trọng tương đối (RII), nghiên cứu giúp xác định các yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến hiệu quả đầu tư, từ đó đưa ra các gợi ý chiến lược cho nhà đầu tư.

2. Các nghiên cứu trước đây

Nghiên cứu trong nước

Bùi và Đoàn (2018) sử dụng mô hình véc tơ tự hồi quy (VAR) để đánh giá tác động của chính sách tiền tệ đến giá nhà ở tại TP.HCM [3]. Các dữ liệu được thu thập từ quý I/2009 đến quý II/2017 bao gồm: cung tiền, lãi suất cho vay, và chỉ số giá nhà ở.

Kết quả nghiên cứu cho thấy bị tác động bởi chính sách tiền tệ nhu: cung tiền (M2) có tác động ngược chiều đến giá nhà ở và mức độ tác động thay đổi theo thời gian. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay lại có tác động cùng chiều đến giá nhà ở.

Ngô và Nguyễn (2020) đã sử dụng mô hình tác động cố định và mô hình tác động ngẫu nhiên để nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của 27 doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM [4].

Nghiên cứu đã xác định các yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến khả năng sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE) bao gồm: đòn bẩy tài chính, quy mô doanh nghiệp, thời gian hoạt động của doanh nghiệp, quy mô hội đồng quản trị, sự đa dạng thành phần trong hội đồng quản trị, và tốc độ tăng truởng GDP. Bên cạnh đó, cấu trúc tài sản lại có những ảnh hưởng tiêu cực tới ROE của các doanh nghiệp BĐS.

Nguyễn và Trần (2021) tập trung vào việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị BĐS công nghiệp sử dụng phương pháp khảo sát với 25 yếu tố [5]. Các kết quả khảo sát được tiến hành kiểm định độ tin cậy và thực hiện các phân tích thống kê để xác định mối quan hệ giữa giá BĐS và các biến gồm: chi phí xây dựng, thời gian hoạt động, tốc độ tăng trưởng GDP, giá thuê đất, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, và diện tích đất. Các biến có mức độ ảnh hưởng khác nhau đến giá trị BĐS công nghiệp.

Nguyễn và cộng sự (2023) đã xác định những yếu tố ảnh huởng đến hiệu quả tài chính khi đầu tư dự án chung cư cao tầng dành cho nguời thu nhập thấp [6]. Nghiên cứu sử dụng thang đo khả năng xảy ra và mức độ tác động của các yếu tố đến hiệu quả tài chính để xác định tầm ảnh hưởng của từng yếu tố và phân loại được các yếu tố có tính rủi ro cao. Kết quả phân tích cho thấy tất cả các yếu tố đều có mức dộ rủi ro từ trung bình đến cao.

Các yếu tố rủi ro cao bao gồm: Chi phí xây dựng công trình tăng, thời gian hoàn thành dự án kéo dài, các cơ chế kiểm soát chi phí yếu kém, năng lực thi công của nhà thầu yếu kém, tính chính xác của dự toán kém, vật tư kém chất luợng, trao đổi thông tin chậm trễ do thiếu phối hợp giữa các bên tham gia dự án.

Nghiên cứu quốc tế

Hui (2011) đã tiến hành phân tích sự khác biệt giữa giá nhà của loại hình nhà ở chung cư và nhà ở thấp tầng (nhà sân vườn, nhà bán biệt lập và nhà đơn lập) [7]. Chu kỳ giá nhà của bốn loại được tiến hành xử lý. Tiếp theo, tác động giữa các chu kỳ giá nhà được ghi lại bằng cách sử dụng phân tích tương quan chéo, kiểm tra nhân quả Granger và các hàm phản ứng xung lực.

Cuối cùng, thực hiện việc dự báo chuỗi giá nhà tương ứng được tiến hành. Tác giả nhận thấy chu kỳ giá chung cư đi trước chu kỳ giá ở các thị trường nhà ở khác từ một đến hai phần tư quý. Thứ hai, chu kỳ giá chung cư thúc đẩy chu kỳ giá nhà vườn và nhà đơn lập. Thứ ba, chu kỳ giá chung cư có thể dự đoán chu kỳ giá các loại nhà ở khác với độ chính xác cao.

Bernardina (2013) đã tiến hành nghiên cứu xem xét các động lực chính của giá nhà thực tế ở năm quốc gia chính trong khu vực đồng euro (Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan) và các nền kinh tế Anglo-Saxon (Vương quốc Anh và Hoa Kỳ) từ năm 1970 đến năm 2010 [8].

Việc xác định các yếu tố quyết định giá nhà là rất quan trọng, vì chúng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh tế và ổn định tài chính. Nghiên cứu đã sử dụng mô hình thành phần đa biến không quan sát để mô hình hóa biến động giá nhà.

Phương pháp này cho phép xác định được những biến động giá không được giải thích đầy đủ bởi các nguyên tắc cơ bản kinh tế. Các kết quả cho thấy ngoài những thay đổi dưới tác động của thu nhập thực tế, lãi suất dài hạn, giá cổ phiếu và lạm phát, các thành phần tiềm ẩn có vai trò quan trọng trong việc giải thích giá nhà thực. Thành phần tiềm ẩn phản ánh những yếu tố không được quan sát cụ thể, chẳng hạn như thay đổi cấu trúc trên thị trường và thay đổi sở thích.

Ducksu và cộng sự (2018) phân tích các yếu tố quyết định giá nhà ở dựa trên khả năng chi trả của thị trường nhà tại TP.HCM [9]. Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích điều tra các yếu tố quyết định giá của các căn hộ giá phải chăng và có giá cao bằng cách sử dụng mô hình hồi quy Hedonic.

Nghiên cứu đã xác định các yếu tố chung giữa hai loại hình căn hộ, chẳng hạn như lối đi chung theo chiều dọc và gần trung tâm thành phố, cũng như các yếu tố riêng biệt của từng loại, chẳng hạn như nhiều tòa tháp cao tầng hơn, gần các tuyến đường chính và trung tâm mua sắm chỉ dành cho các phân khúc giá cả phải chăng.

Những phát hiện này có ý nghĩa và giá trị, không chỉ đối với các nhà đầu tư và nhà phát triển trong tương lai trong việc thiết lập các chiến lược phát triển nhà ở thành công, mà còn đối với khu vực công trong việc khuyến khích mạnh mẽ quan hệ đối tác công tư để phát triển nhà ở bền vững ở Việt Nam.

Ka-hung và Eddie (2018) đã xem xét hiệu quả của chính sách nhà ở liên quan đến việc cung cấp nhiều đất ở hơn và ảnh hưởng như thế nào đến thời điểm phát triển nhà ở theo chiến lược của các nhà phát triển BĐS [10].

Nghiên cứu này xem xét các tác động ngắn hạn và dài hạn của các yếu tố này đối với số lượng phát triển nhà ở dựa trên các số liệu từ quý II/1995 đến quý IV/2016 thông qua việc sử dụng mô hình sửa lỗi vectơ. Kết quả cho thấy nguồn cung đất chỉ có tác động tích cực tối thiểu đến phát triển nhà ở trong dài hạn.

Tuy nhiên, mức độ mà các nhà phát triển tham gia vào quá trình giao dịch đất đai (tức là trao đổi đất), do sự không chắc chắn trong các cuộc đàm phán giữa họ và chính phủ, có liên quan tiêu cực đến số lượng phát triển nhà ở.

Thay vào đó, phát triển nhà ở phụ thuộc vào biến động giá BĐS (cả chuyển động dự kiến và biến động của nó). Ngoài ra, sự biến động của chi phí xây dựng và biến động lãi suất đóng vai trò lớn hơn nhiều so với các biến động dự kiến tương ứng trong việc quyết định số lượng không gian nhà ở được phát triển, trong đó các chủ đầu tư có xu hướng từ chối xây dựng nhà ở khi các yếu tố này ngày càng trở nên không chắc chắn, do đó làm trì hoãn nguồn cung nhà ở. 

Singla và Bendigiri (2019) đã sử dụng bốn mô hình hồi quy bao gồm: mô hình hồi quy bình phương cực tiểu cơ bản (OLS), mô hình hồi quy ước lượng mạnh, mô hình hồi quy ước lượng phân cụm và mô hình hồi quy bình phương cực tiểu tổng quát (GLS) để tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến việc cho thuê căn hộ dân cư ở Ấn Độ [11].

Kết quả cho thấy, tổng diện tích sàn và số lượng phòng là những yếu tố ảnh hưởng tích cực đến giá trị cho thuê. Khoảng cách từ đồn cảnh sát và trạm cứu hỏa gần nhất là yếu tố an ninh và an toàn.

Kết quả cho thấy khoảng cách cao hơn với các yếu tố này dẫn đến giá trị cho thuê thấp hơn, vì an toàn và an ninh là ưu tiên hàng đầu của cư dân khi tìm kiếm nhà thuê. Khoảng cách đến địa điểm làm việc, đến trường học/cao đẳng gần nhất và đến trạm giao thông công cộng gần nhất là những yếu tố tiện lợi ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị cho thuê.

Khoảng cách lớn hơn, giá trị thuê thấp hơn và ngược lại. Khoảng cách đến các khu trung tâm thương mại và bệnh viện có tác động tích cực đến giá trị cho thuê của BĐS nhà ở. Điều này có nghĩa là khoảng cách cao hơn từ những nơi này có giá trị cho thuê cao hơn.

3. Phương pháp nghiên cứu

Quy trình nghiên cứu

Dựa trên bảng tổng hợp các yếu tố ảnh hưởng theo các nghiên cứu đã thực hiện trước đây, đồng thời tham khảo ý kiến của 5 chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS. Sau khi tiến hành khảo sát pilot test, 23 yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quản đầu tư dự án nhà ở đã được xác định và sử dụng để phát triển bảng câu hỏi chính thức. Bảng câu hỏi được xây dựng với thang đo 5 cấp độ với mức trả lời từ rất thấp đến rất cao.

Số liệu nghiên cứu được thu thập từ bảng câu hỏi khảo sát. Tổng cộng có 107 bảng câu hỏi được thu thập từ các chuyên gia trong ngành BĐS bao gồm nhà đầu tư, chuyên gia tài chính, tư vấn, nhà thầu thi công. Với tỷ lệ các vị trí như tổng/ phó tổng giám đốc; giám đốc/ phó giám đốc; trưởng phòng/ phó trưởng phòng chiếm khoảng 62%. Kết quả kiểm định hệ số Cronbach’s Alpha của toàn bộ mục hỏi (tất cả yếu tố) là 0.882 > 0.8, đồng thời hệ số Cronbach’s Alpha của từng yếu tố đều lớn hơn 0.8. Ðiều này chứng tỏ thang đo luờng là phù hợp [12]. 

Phương pháp phân tích dữ liệu

Phương pháp chỉ số quan trọng tương đối (RII) được sử dụng để xác định mức độ quan trọng của các yếu tố ảnh huởng đến hiệu quả vốn đầu tư dự án bất động sản [13, 14]. Phần mềm SPSS 22.0 và Microsoft Excel được sử dụng để phân tích và xử lý dữ liệu.

Công thức xác định chỉ số quan trọng tương đối (RII) như sau:

trong đó:

4. Kết quả nghiên cứu

Dựa vào dữ liệu thu thập từ khảo sát được xử lý phân tích thống kê, kết quả cho thấy 23 yếu tố ảnh hưởng hiệu quả vốn đầu tư dự án BĐS đều có giá trị trung bình (Mean) lớn hơn 3, chứng tỏ các yếu tố này đều có mức độ ảnh huởng đến đối tượng nghiên cứu. Xếp hạng các yếu tố theo từng mức độ ảnh hưởng thông qua chỉ số mức độ quan trọng tương đối (RII) được thể hiện cụ thể trong Bảng 1.

Phân tích kết quả nghiên cứu

Kết quả phân tích chỉ số quan trọng tương đối (RII) cho thấy 23 yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả vốn đầu tư giữa nhà phố thấp tầng và căn hộ chung cư tại TP.HCM. Các yếu tố này được chia thành ba nhóm chính theo mức độ quan trọng: Nhóm yếu tố quan trọng nhất (RII > 0.70), nhóm yếu tố có tác động đáng kể (0.65 ≤ RII < 0.70), và nhóm yếu tố có ảnh hưởng trung bình hoặc thấp (RII < 0.65).

Bảng 1: Kết quả phân tích chỉ số quan trọng tương đối (RII) của các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả vốn đầu tư

Nhóm yếu tố quan trọng nhất (RII > 0.70): Các yếu tố này có mức ảnh hưởng mạnh đến quyết định đầu tư BĐS và là những yếu tố nhà đầu tư cần ưu tiên xem xét trước khi ra quyết định.

Giá bán (RII = 0.79) là yếu tố có mức ảnh hưởng cao nhất đến hiệu quả đầu tư, phản ánh trực tiếp doanh thu và lợi nhuận của dự án. Giá bán căn hộ chung cư thường dao động lớn do ảnh hưởng từ thị trường và quy hoạch, trong khi giá nhà phố thấp tầng có tính ổn định hơn.

Trong bối cảnh TP.HCM, giá bán chịu ảnh hưởng từ: Nguồn cung - cầu trên thị trường; Chính sách tín dụng và khả năng tiếp cận vốn vay của người mua; Chất lượng dự án và vị trí địa lý; Sự thay đổi trong thu nhập của người dân.

Chi phí xây dựng (RII = 0.74) quyết định trực tiếp đến tổng mức đầu tư ban đầu của dự án và biên độ lợi nhuận. Sự gia tăng giá vật liệu xây dựng, nhân công, và chi phí vận hành là những yếu tố tác động chính đến chi phí này. Nhà phố thấp tầng có chi phí xây dựng cao hơn trên mỗi đơn vị diện tích so với căn hộ chung cư, nhưng có thể linh hoạt hơn trong thiết kế và thi công.

Lãi suất tín dụng (RII = 0.72) có tác động mạnh đến nhu cầu thị trường. Khi lãi suất tăng, người mua giảm vay vốn, dẫn đến giảm sức mua và tính thanh khoản của thị trường. Nhà phố thấp tầng thường ít phụ thuộc vào lãi suất hơn căn hộ chung cư, vì khách hàng mục tiêu của phân khúc này chủ yếu có khả năng tài chính tốt hơn. Khi lãi suất giảm, thị trường căn hộ chung cư có xu hướng bùng nổ do người mua dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay hơn.

Khả năng huy động vốn (RII = 0.71): Nhà đầu tư cần nguồn vốn lớn để triển khai dự án và khả năng huy động vốn quyết định việc phát triển dự án nhanh hay chậm. Các nguồn vốn huy động bao gồm: Vốn vay ngân hàng; Hợp tác đầu tư với các quỹ BĐS; Huy động vốn từ khách hàng qua các hình thức bán trước dự án. Nhà phố thấp tầng cần lượng vốn lớn ngay từ đầu, trong khi căn hộ chung cư có thể huy động vốn từ khách hàng theo từng giai đoạn.

Chi phí tài chính (RII = 0.71) bao gồm lãi suất vay vốn, chi phí huy động vốn, và các khoản phí tài chính khác. Nếu chi phí tài chính cao, lợi nhuận từ dự án sẽ giảm, gây rủi ro cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư BĐS cần tối ưu hóa dòng tiền và kiểm soát nợ vay để giảm áp lực tài chính trong dài hạn.

Nhóm yếu tố có tác động đáng kể (0.65 ≤ RII < 0.70): Nhóm này gồm các yếu tố có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả vốn đầu tư nhưng không mạnh bằng nhóm trên.

Tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu (RII = 0.70): Xác định mức độ rủi ro tài chính của dự án. Nếu chủ đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều, tức là tỷ lệ vay quá cao, sẽ dẫn đến rủi ro tài chính rất lớn trong điều kiện thanh khoản kém.

Chính sách nhà nước (RII = 0.69): Thuế đất, chính sách cấp phép xây dựng, và phí bảo trì có thể ảnh hưởng đến chi phí đầu tư. Chính sách hỗ trợ vay mua nhà hoặc ưu đãi thuế có thể kích thích thị trường, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư. Những thay đổi về chính sách quy hoạch đô thị có thể làm tăng hoặc giảm giá trị của BĐS trong từng khu vực.

Số lượng nhà giao dịch (RII = 0.69) phản ánh mức độ thanh khoản của thị trường. Khi giao dịch tăng, giá trị bất động sản cũng có xu hướng tăng, giúp nhà đầu tư tối ưu hóa lợi nhuận. Nhà phố thấp tầng có thanh khoản thấp hơn căn hộ chung cư do giá trị cao hơn và ít người mua hơn.

Loại sản phẩm (RII = 0.68): Nhà đầu tư cần xác định rõ nên đầu tư vào loại hình nào để phù hợp với mục tiêu lợi nhuận và rủi ro. Căn hộ chung cư có tính thanh khoản cao hơn nhưng giá trị tài sản tăng chậm hơn so với nhà phố thấp tầng. Nhà phố thấp tầng tạo ra giá trị tài sản lâu dài hơn nhưng yêu cầu vốn đầu tư lớn ngay từ đầu.

Số lượng nhà xây dựng (RII = 0.67): Việc xây dựng quá nhiều nhà có thể dẫn đến tình trạng dư cung và giảm giá bán. Ngược lại, cung thiếu so với cầu sẽ làm giá BĐS tăng cao, tạo ra lợi nhuận lớn hơn.

Nhóm yếu tố có ảnh hưởng trung bình hoặc thấp (RII < 0.65): Nhóm này gồm các yếu tố có mức độ ảnh hưởng thấp hơn đến quyết định đầu tư.

Lãi suất cho vay xây dựng (RII = 0.64): Ảnh hưởng đến chi phí đầu tư ban đầu của chủ đầu tư.

Chỉ số lạm phát (RII = 0.60): Ảnh hưởng gián tiếp đến giá bán và chi phí đầu tư.

Diện tích nhà (RII = 0.59): Ảnh hưởng đến giá bán nhưng không phải yếu tố quyết định chính.

Chi phí marketing (RII = 0.57) và chi phí bán hàng (RII = 0.56): Có tác động nhưng không đáng kể.

Lãi suất tiết kiệm (RII = 0.55): Chỉ ảnh hưởng gián tiếp đến khả năng đầu tư của khách hàng.

Tổng kết phân tích

Nhóm yếu tố quan trọng nhất quyết định trực tiếp đến hiệu quả vốn đầu tư gồm giá bán, chi phí xây dựng, lãi suất tín dụng, khả năng huy động vốn và chi phí tài chính.

Chính sách Nhà nước và số lượng giao dịch có tác động lớn đến thị trường, ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của dự án.

Nhà phố thấp tầng có ưu thế về giá trị tài sản lâu dài, nhưng yêu cầu vốn đầu tư lớn. Căn hộ chung cư có thanh khoản cao hơn, nhưng chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động thị trường.

Nhà đầu tư cần tối ưu hóa cơ cấu vốn và theo dõi sát sao các chính sách tài chính để đảm bảo lợi nhuận trong dài hạn.

5. Kết luận

Nghiên cứu này đã đánh giá hiệu quả vốn đầu tư giữa nhà phố thấp tầng và căn hộ chung cư tại TP.HCM, sử dụng phương pháp chỉ số quan trọng tương đối (RII) để xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến quyết định đầu tư. Kết quả cho thấy giá bán, chi phí xây dựng, lãi suất tín dụng, khả năng huy động vốn và chi phí tài chính là những yếu tố có tác động lớn nhất đến hiệu quả vốn đầu tư.

Giá bán được xác định là yếu tố quan trọng nhất, phản ánh trực tiếp lợi nhuận của dự án. Nhà phố thấp tầng có giá trị tài sản bền vững hơn trong dài hạn, trong khi căn hộ chung cư có tính thanh khoản cao hơn, phù hợp với nhu cầu của nhóm khách hàng trẻ và các nhà đầu tư ngắn hạn. Chi phí xây dựng và chi phí tài chính ảnh hưởng đến khả năng triển khai dự án và mức lợi nhuận kỳ vọng, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu biến động và chính sách tín dụng thay đổi.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng nhấn mạnh vai trò của lãi suất tín dụng và chính sách nhà nước trong việc điều chỉnh cung - cầu thị trường BĐS. Khi lãi suất tăng, sức mua giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến giao dịch, đặc biệt ở phân khúc căn hộ chung cư. Ngược lại, chính sách hỗ trợ vay mua nhà hoặc ưu đãi thuế có thể kích thích thị trường, giúp nhà đầu tư tối ưu hóa lợi nhuận.

Từ những kết quả này, nhà đầu tư cần xây dựng chiến lược tài chính hợp lý, đa dạng hóa danh mục đầu tư, và theo dõi chặt chẽ các biến động kinh tế và chính sách vĩ mô để đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả. Trong tương lai, nghiên cứu có thể mở rộng phạm vi khảo sát sang các thành phố khác để cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về thị trường bất động sản Việt Nam. 

* Tít bài do Tòa soạn đặt

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bộ Xây dựng. (2022), “Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam năm 2022”, Tạp chí Xây dựng và Đô thị, Vol. 18, No. 2, pp. 45-60.
[2]. Nguyễn, T. H. và Hà, D. L. (2024), “Những yếu tố tác động đến sự phát triển của lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, https://kinhtevadubao.vn/nhung-yeu-to-tac-dong-den-su-phat-trien-cua-linh-vuc-bat-dong-san-tai-viet-nam-30224.html
[3]. Bùi, N. T. và Đoàn, T. T. T. (2018), “Tác động của chính sách tiền tệ đến giá nhà ở - nghiên cứu trường hợp tại TP.HCM”, Tạp chí Khoa học Kinh tế, Vol. 6, No. 4, pp. 52-60
[4]. Ngô, T. H. và Nguyễn, T. T. L. (2020), “Các nhân tố ảnh hưởng tới khả năng sinh lời của doanh nghiệp bất động sản Việt Nam: Ứng dụng mô hình tác động ngẫu nhiên và tác động cố định”, Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng, Vol. 223, pp. 13-25.
[5]. Nguyễn, A. T. và Trần, D. K. (2021), “Các yếu tố ảnh huởng đến giá trị bất động sản công nghiệp ở khu vực phía Nam Việt Nam bằng phương pháp hồi quy”, Tạp chí Vật liệu và Xây dựng, Vol. 11, No. 5, pp. 99-103.
[6]. Nguyễn, K. Q., Nguyễn, T. B. H., Đỗ, T. M. H., Trần, T. P. H, và Huỳnh, T. N. (2023), “Các nhân tố rủi ro ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính khi đầu tư dự án chung cư cho người thu nhập thấp”, Tạp chí Xây dựng, Vol. 01-2023, pp. 116-121.
[7]. Hui, H.C. (2011), "Cycles in landed and non‐landed housing sub‐markets in Malaysia", International Journal of Housing Markets and Analysis, Vol. 4 No. 2, pp. 144-154. https://doi.org/10.1108/17538271111137921
[8]. Bernardina, A. (2013), “House price determinants: Fundamentals and underlying factors”, Comparative Economic Studies, Vol. 55, pp. 315-341.
[9]. Ducksu, S., You, S. C., and Youngsang, K. (2018), “Price Determinants of Affordable Apartments in Vietnam: Toward the Public–Private Partnerships for Sustainable Housing Development”, Sustainability, Vol. 10, No. 197; doi:10.3390/su10010197
[10]. Ka-hung, Y. and Eddie, C. H., (2018), “Housing construction and uncertainties in a high-rise city”, Habitat International, Vol. 78, pp. 51-67.
[11]. Singla, H.K. and Bendigiri, P. (2019), "Factors affecting rentals of residential apartments in Pune, India: an empirical investigation", International Journal of Housing Markets and Analysis, Vol. 12, No. 6, pp. 1028-1054.
[12]. Hoàng, T. và Chu, M. N. (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS Tập 1, 2, NXB Hồng Ðức.
[13]. Gebrehiwet, T. and Luo, H. (2017), “Analysis of delay impact on construction project based on RII and correlation coefficient: Empirical study”, Procedia Engineering, Vol. 196, pp. 366 - 374.
[14]. Nguyễn, H. N., Phạm, T. T., và Phạm, V. B. (2023), “Xác định các yếu tố quan trọng quyết định chất lượng hồ sơ dự thầu”, Tạp chí Xây dựng, Vol. 01-2023, pp. 106-109.

Bình luận