Đề xuất lập Quy hoạch đô thị Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

16:18 13/04/2024
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất chủ trương lập Quy hoạch chung đô thị Khánh Hòa, theo định hướng toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đề xuất của UBND tỉnh Khánh Hòa nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc quản lý đô thị một cách đồng bộ, tổng thể, đáp ứng nhu cầu quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng, phát triển đô thị Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị.

Theo đề xuất, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh Khánh Hòa; Quy hoạch chung đô thị Khánh Hòa được lập ở tỷ lệ 1/25.000 (riêng các khu vực đô thị trung tâm được lập ở tỷ lệ 1/10.000 theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 04/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng); kinh phí lập quy hoạch từ nguồn ngân sách địa phương. Thời gian lập quy hoạch từ năm 2024 đến 2026.

Khu kinh tế Vân Phong với diện tích 150.000 ha dự kiến sẽ là “thỏi nam châm” thu hút các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Báo Công Thương.

Trước đó, ngày 28/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra mục tiêu "đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển...".

Nhằm thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị; trong đó đặt ra nhiệm vụ lập mới và điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị phù hợp với Nghị quyết số 09-NQ/TW nhằm điều chỉnh không gian đô thị hợp lý, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương.

Trong đó, TP Nha Trang là đô thị hạt nhân; TP Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng; huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo đó, để có cơ sở triển khai công tác đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ theo định hướng đô thị trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm cụ thể hóa mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ nêu trên, cần thiết phải lập Quy hoạch chung đô thị Khánh Hòa (theo định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương), làm căn cứ để lập các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tiếp theo và triển khai dự án đầu tư theo quy định.

Ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. GRDP bình quân đầu người phấn đấu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.

Về tầm nhìn đến 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; phấn đấu trở thành một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu Á với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa.

Bình luận