
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố chính sách thuế quan mới, áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Đáng chú ý, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia phải chịu mức thuế cao nhất lên tới 46% với 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, cao thứ 2 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ, chỉ sau Campuchia (mức thuế 49% đối với 97% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ).
Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan bị áp thuế 36% đối với 72% tổng lượng hàng hóa, tiếp theo là Indonesia (32%, 64%), Malaysia (24%, 47%), Philippines (17%, 34%), Singapore (10%, 10%);
Trong danh sách các quốc gia và nền kinh tế bị áp thuế lần này, đáng chú ý là Trung Quốc (34%, 67%), Liên minh châu Âu (20%, 39%), Sri Lanka (44%, 88%), Bangladesh (37%, 74%), Đài Loan (32%, 64%), Thụy Sĩ (31%, 61%), Nam Phi (30%, 60%), Pakistan (29%, 58%), Ấn Độ (26%, 52%), Hàn Quốc (25%, 50%), Nhật Bản (24%, 46%), Israel (17%, 33%).
Nhóm các nước chịu mức thuế 10% đối với 10% hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ có Vương quốc Anh, Australia, Colombia, Chile, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. Riêng Canada và Mexico là hai quốc gia không nằm trong danh sách bị Mỹ áp thuế đối ứng lần này.
Phía Mỹ cho rằng, chính sách thuế trên được đưa ra nhằm phản ứng trước các biện pháp thuế quan và hàng rào thương mại mà nhiều nước khác đang áp dụng đối với hàng hóa Mỹ, đồng thời nhằm thu hẹp tình trạng thâm hụt thương mại của quốc gia này.
Thuế nhập khẩu tối thiểu sẽ có hiệu lực sau nửa đêm ngày 05/4 và các mức thuế cao hơn sẽ chính thức có hiệu lực vào lúc 12h01 sáng ngày 09/4 tới đây.
Mỹ hiện đang dẫn đầu các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn của Mỹ và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nhiều loại hàng hóa cho thị trường Mỹ. Việc áp dụng thuế nhập khẩu 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành mũi nhọn như điện tử, dệt may và giày dép.
Nếu Mỹ áp mức thuế cao hơn 10 - 20% hàng hoá của Việt Nam cũng sẽ tăng cao và khó cạnh tranh với các quốc gia khác tại thị trường Mỹ, ngay cả khi các nhà sản xuất có giảm biên lợi nhuận, với mức chênh lệch cao như vậy, sự cạnh tranh về giá vẫn là vô cùng khó khăn.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc áp mức thuế cao như trên không chỉ gây thiệt hại với các nhà xuất khẩu Việt Nam mà chính người dân và các nhà nhập khẩu của Mỹ cũng thiệt hại lớn khi Việt Nam đang là một trong những nhà cung cấp lớn cho Mỹ từ máy tính, điện thoại, tới máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, quần áo, dày dép, nông thủy hải sản và nội thất,...
Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 2 tháng năm 2025 đạt hơn 19,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao (hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh), các sản phẩm may mặc và giày dép, còn lại là các sản phẩm khác như nội thất và nông sản.
Trong năm 2024, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 23,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 19,4% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 22,05 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 18,4%. Tiếp đến là mặt hàng dệt may đạt 16,1 tỷ USD, chiếm 13,5% tỷ trọng xuất khẩu.
Trong 2 tháng của năm 2025, dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu vẫn là nhóm mặt hàng vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 4,3 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 22,1% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 3,3 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 16,8%.