Có một câu nói truyền miệng khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ: “Hãy làm việc đúng trước khi làm đúng các việc”. Ý nghĩa của câu nói ấy có thể hiểu rằng, hãy xác định mục tiêu cho đúng rồi làm đúng từng bước để tiến tới mục tiêu.
Ý nghĩa ấy đã được áp dụng thành công ở TH True milk. Ngay từ khi ra đời, doanh nhân Thái hương đã khẳng định mục tiêu rất rõ ràng: Sữa, trẻ em, nguồn gốc thiên nhiên và… rất sạch!
Việc một số nông trường ở huyện Nghĩa Đàn gặp khó khăn, đời sống công nhân nông trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng đã trở thành chủ đề nóng nhiều năm của các cấp chính quyền địa phương khi ấy. Cấp xã lo lắng, cấp huyện lúng túng, cấp tỉnh trăn trở… tìm giải pháp.
Còn với doanh nhân Thái Hương, với tình yêu quê hương cháy bỏng của mình, hẳn bà cũng đã nghĩ đến điều này, cũng muốn xắn tay vào chia sẻ nhưng theo cách nào đây, bằng “cho con cá” hay “cho chiếc cần câu”. Mà kể cả cho “chiếc cần câu” thì ở một vùng đất nông nghiệp bán sơn địa ấy, bà con sẽ “câu” cái gì cho bền vững?
Và thế là từng dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại vùng đất nghèo khó ấy dần dần thành hiện thực. Những trang trại chăn nuôi bò sữa, những đồng cỏ mênh mông, xanh mướt, những nhà máy hiện đại… lần lượt hiện ra trên miền quê nghèo như trong câu chuyện cây đèn thần vậy.
Đầu tiên, Tập đoàn TH bắt đầu đầu tư vào huyện Nghĩa Đàn với dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi sạch TH. Hiện nay, cụm trang trại TH tại Nghĩa Đàn có tổng đàn bò tiệm cận con số 70 nghìn con. Nhà máy sữa TH có diện tích xây dựng 5,2ha với công suất chế biến lên tới hơn 500 ngàn tấn sữa/năm. Từ mô hình chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa theo chuỗi khép kín ở Nghĩa Đàn, bà Thái Hương đã nhân ra nhiều tỉnh thành khác ở cả 3 miền trên dải đất hình chữ S.
Tiếp theo, hàng loạt các dự án, nhà máy mới của TH cũng được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Năm 2013, dự án rau sạch FVF của Tập đoàn TH được triển khai và sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap với những quy trình sản xuất, chăm sóc và quản lý nghiêm ngặt. Hơn 100 loại rau, củ quả được đưa ra thị trường và được người tiêu dùng nhiệt liệt đón nhận.
Năm 2015, Công ty Cổ phần Dược liệu TH (TH Herbals, JSC) đã chính thức đi vào hoạt động và ra mắt sản phẩm tại thị trường Mỹ cũng như tại thị trường Việt Nam. Tháng 8/2017, tại xã Nghĩa Sơn, TH đã tiến hành xây dựng Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên… Gần đây nhất, TH triển khai xây dựng hàng loạt nhà máy chế biến thức ăn cho bò; nhà máy chế biến gỗ, xi măng. TH cũng tiếp quản và vận hành nhà máy đường, xây dựng vùng nguyên liệu mía đường bát ngát trên cao nguyên Phủ Quỳ.
Bạn đọc thử nghĩ xem, một huyện nghèo như Nghĩa Đàn được tiếp nhận hàng tỷ USD từ Tập đoàn TH, tạo công ăn việc làm bền vững cho hàng chục nghìn lao động trong một thời gian chưa đầy chục năm… hẳn có ý nghĩa như thế nào đối với nhân dân và chính quyền địa phương? Và tất nhiên, những dự án lớn được đầu tư bài bản với công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới cùng với hệ thống quản trị hiện đại ấy cũng đã đem lại hiệu quả không nhỏ cho TH True milk không chỉ về kinh tế mà cả về uy tín, lòng tin và giá trị thương hiệu trên thương trường.
“Đặt lợi ích riêng của Tập đoàn nằm trong lợi ích chung của quốc gia. Không tìm cách tối đa hóa lợi nhuận mà là hợp lý hóa lợi ích”, đó là thông điệp ngay từ khi mới thành lập và cũng là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong toàn bộ sự nghiệp của doanh nhân Thái Hương cũng như của toàn bộ hệ thống quản trị của TH True milk.
Khi hiểu rõ được thông điệp tâm can này thì mới hiểu rõ sự bền bỉ của bà trong việc nỗ lực minh bạch thị trường sữa, vận động xây dựng chương trình sữa học đường quốc gia, đề xuất luật luật hóa lĩnh vực dinh dưỡng học đường, trong đó có bữa ăn học đường... Tất cả để hướng tới tiêu chuẩn sữa sạch, thực phẩm sạch - hữu cơ nhằm bảo vệ những giá trị cao thượng trong sự nghiệp bảo vệ bà mẹ và trẻ em, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo phân tích của các chuyên gia, thời điểm những năm 2010, quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT) còn không ràng buộc nhà sản xuất phải ghi rõ nguyên liệu đầu vào. Khi ấy, sữa nước chế biến từ sữa bột pha lại (sữa hoàn nguyên) còn được ghi trên nhãn mác là “sữa tiệt trùng”, trong khi “tiệt trùng” vốn là từ miêu tả công nghệ sản xuất, chứ không phải tên gọi của nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm. Với cách gọi lập lờ “sữa tiệt trùng”, người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn giữa sữa tươi thật và sữa bột pha lại.
Không chấp nhận sự lập lờ đó, trong nhiều năm liền, bà Thái Hương đã kiên trì lên tiếng ở hàng trăm cuộc hội thảo, hội nghị, gửi công văn lên Quốc hội, đưa kiến nghị nhằm thay đổi QCVN 5-1:2010, minh bạch hóa thị trường sữa.
Bà bền bỉ đề xuất, doanh nghiệp phải ghi rõ xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm là sữa tươi hay sữa bột pha lại và cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát, kiểm tra, phân loại các sản phẩm sữa đang lưu hành trên thị trường, xử lý nghiêm khi có vi phạm.
Thực tế, để có một sản phẩm sữa tốt nhất thì phải có sự đồng bộ cao nhất cả chu trình nuôi dưỡng, sản xuất, bao gồm: Giống bò sữa tốt; đồng cỏ, thức ăn tốt; chế độ dinh dưỡng tốt; quy trình vắt sữa tốt, bảo quản tốt.
Sự bền bỉ của bà đã góp phần thúc đẩy Bộ Y tế sửa đổi QCVN 5:1/2010-BYT; Bộ NNPTNT ban hành Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu, phát triển ngành chăn nuôi bò sữa theo hướng chất lượng, bài bản; Chương trình Sữa học đường quốc gia đã có tiêu chuẩn cho sản phẩm đưa vào trường học phải là sữa tươi nguyên chất, đạt chuẩn...
Với bà Thái Hương, quan tâm đến lợi ích quốc gia cũng là quan tâm đến chính mình. Lấy tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế làm thước đo cho chính nỗ lực của mình. Chính vì thế, các sản phẩm của Tập đoàn TH hoàn toàn đáp ứng một cách khắt khe nhất các tiêu chuẩn này từ khi nó mới xuất hiện trên thị trường.
Kỳ sau: Cuộc “viễn chinh” lịch sử!