Tập trung giải quyết nhóm chính sách lớn trong sửa đổi Luật Khoáng sản

14:37 21/05/2022
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam vừa hoàn thành Dự thảo lần thứ nhất Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi), trong đó, tập trung giải quyết 5 Chính sách lớn.

Cụ thể, chính sách thứ nhất về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản nhằm bổ sung quy định rõ ràng, đầy đủ về quản lý tài nguyên địa chất, khoáng sản; quản lý thông tin, dữ liệu địa chất; nội dung công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên địa chất, tài nguyên khoáng sản, công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng của thông tin, dữ liệu địa chất; nguồn vốn đầu tư cho điều tra cơ bản địa chất đảm bảo tính ổn định, đầy đủ, kịp thời để thực hiện các dự án điều tra địa chất đạt được mục tiêu, đúng tiến độ được phê duyệt.

Chính sách thứ 2 về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản đối với công tác bảo về tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác nhằm luật hóa quy định về quản lý tài nguyên địa chất, quản lý, kiểm soát hệ thống điều tra địa chất, hiệu quả dữ liệu địa chất nhằm bảo đảm an ninh đảm bảo nguồn nguyên liệu, an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển ngành địa chất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài nguyên khoáng sản theo mục tiêu sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên; phát triển ngành công nghiệp khai khoáng theo quan điểm về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu tối đa phát thải khí nhà kính.

Đối với công tác xây dựng chiến lược khoảng sản, chính sách này nhằm định hình rõ quan điểm, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải phải pháp để thực hiện chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Đối với công tác quy hoạch khoảng sản, chính sách này nhằm bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính để không gây chồng chéo trong thực hiện các nhiệm vụ về quy hoạch khoáng sản.

Chính sách thứ 3 về khu vực khoáng sản nhằm sửa đổi, bổ sung nhóm các quy định về khu vực khoáng sản, bao gồm Khu vực hoạt động khoáng sản, khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; Khu vực cấm hoạt động khoáng sản; Khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia về khái niệm, tiêu chí khoanh định, điều chỉnh khu vực,... nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản, giải quyết những vấn đề bất cập trong thực tiễn thi hành.

Chính sách thứ 4 trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản đặt mục tiêu sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Khoáng sản hiện hành đối với các nhóm quy định về quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản theo một số hướng.

Cụ thể, đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để khai thác, chế biến khoáng sản, bảo vệ môi trường theo mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn; hoàn thiện chính sách tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội,... đảm bảo quyền lợi cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, hoàn thiện chế định về cấp phép thăm dò, khai thác đối với các loại khoáng sản nói chung, trong đó, có quy định riêng đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cát, sỏi lòng sông; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động khoáng sản, góp phần hạn chế hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, gây tổn thất tài nguyên, trong đó, có phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản (đến cấp huyện).

Chính sách thứ 5 là chính sách tài chính về địa chất và khoáng sản. Mục tiêu của chính sách này là hoàn thiện quy định về tài chính về địa chất nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời, bảo đảm phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến trình cải cách dịch vụ công và sự ổn định hoạt động của bộ máy Nhà nước, hướng tới mục tiêu phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân, giảm thu ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, thống nhất quản lý, nâng cao chất lượng công tác tính, thu tiền cấp - quyền khai thác khoáng sản; phân định rõ phạm vi, trách nhiệm của các cấp, các ngành và tạo khung pháp lý cơ bản để các cơ quan quản lý Nhà nước hướng dẫn, kiểm tra và thực thi đầy đủ các quy định pháp luật về việc chấp hành nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản.

Chính sách này cũng nhằm phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính: giảm thiểu tối đa các nội dung cần hướng dẫn thực hiện sau khi ban hành Luật Khoáng sản sửa đổi; trình tự thủ tục rút gọn, nhanh chóng tạo thuận lợi trong thực hiện; đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong từng giai đoạn từ lập kế hoạch đấu giá, xây dựng hồ sơ mời đấu giá, lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia đấu giá, tổ chức phiên đấu giá và phê duyệt kết quả trúng đấu giá

Hoàn thiện hơn nữa quy trình tổ chức “đấu giá quyền khai thác khoảng sản” chung trên toàn quốc, tuân thủ Luật Đấu giá tài sản, tuy nhiên, phải có đề xuất, phương án “đặc thù” cho tài sản là “quyền khai thác khoáng sản”. Đây cũng là mục tiêu chính sách đề ra.

Mỗi nhóm chính sách trên bao gồm các chính sách mới (về điều tra cơ bản địa chất, tài chính về địa chất), có chính sách kế thừa (chính sách về khu vực hoạt động khoáng sản, về thăm dò, khai thác khoáng sản, tài chính về khoáng sản) để tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện quy định hiện hành và có các chính sách mới được bổ sung theo quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 10-NQ/TW.

 

Nguồn: Báo Tài nguyên& Môi trường 

Bình luận