Thị trường kim loại cơ bản chịu sự chi phối từ các quyết sách của FED?

12:33 20/06/2023
FED quyết định giữ nguyên lãi suất sau 10 đợt tăng liên tiếp, điều này khiến đồng Dollar suy yếu và giảm sức ép lên thị trường kim loại cơ bản. Tuy nhiên, tín hiệu dự báo FED sẽ tăng lãi suất trở lại khiến thị trường kim loại tiếp tục biến động theo.

Theo CNBC, kết thúc cuộc họp chính sách vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất ở phạm vi 5%-5,25%.

Tuyên bố của FED nêu rõ: "Giữ nguyên lãi suất tại thời điểm này cho phép Ủy ban thị trường mở (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của FED, đánh giá thêm thông tin và tác động của chính sách tiền tệ”.

Bên cạnh đó, FED cũng đưa ra tín hiệu cần tăng lãi suất thêm. Dự báo của Ngân hàng trung ương Mỹ cho thấy, hầu hết các nhà hoạch định chính sách đều nhất trí cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Lãi suất quỹ liên bang được kỳ vọng sẽ đạt mức cao nhất là 5,6% trong năm nay, nghĩa là sẽ có thêm hai lần tăng 25 điểm cơ bản nữa vào năm 2023. Con số này tăng so với ước tính lãi suất đạt 5,1% trong loạt dự báo cuối cùng được đưa ra vào tháng 3.

Theo đó, FED sẽ có 6 tuần thăm dò phản ứng của thị trường, trước khi nhóm họp lần tiếp theo vào ngày 25-26/7 để bàn và đưa ra quyết sách mới về chính sách tiền tệ của Mỹ.

Như vậy, sau 10 lần tăng liên tiếp, FED đã tạm dừng để đánh giá thêm ảnh hưởng từ các động thái trước lên nền kinh tế cũng như tác động của nó đối với chính sách tiền tệ.

Việc FED ngừng tăng lãi suất là yếu tố làm cho đồng Dollar trượt giá vào phiên giao dịch cuối tuần vừa qua. Đây cũng là nhân tố tích cực hỗ trợ cho giá của mặt hàng kim loại cơ bản tăng giá, nhạy cảm nhất là đà tăng của giá đồng.

Theo diễn biến trên thị trường Mỹ tuần qua, chỉ số Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,32%, xuống mốc 103,02.

Trước đó, theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, nếu FED giữ nguyên lãi suất, giá đồng có thể duy trì được đà tăng. Triển vọng vĩ mô tích cực này có thể là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng.

Tuy nhiên, cũng theo MXV, kết thúc phiên giao dịch đầu tuần này (19/6), ngoại trừ quặng sắt, tất cả các mặt hàng kim loại đều giảm giá so với phiên cuối tuần trước. Có thể thấy, hầu hết các mặt hàng kim đồng loạt chịu sức ép do sự tăng trở lại của đồng Dollar từ mức thấp nhất trong 1 tháng vào phiên cuối tuần trước. 

Đồng Dollar đang trên đà phục hồi nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ để hạ nhiệt lạm phát. Củng cố kỳ vọng này, vào cuối tuần trước, loạt quan chức Fed bao gồm Thống đốc Fed Christopher Waller và Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin tiếp tục thể hiện thái độ ủng hộ đối với quan điểm cần thêm nhiều đợt tăng lãi suất hơn nữa do lạm phát vẫn chưa quay trở lại mức 2%.

Hiện tại, theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch, đã có khoảng 75% số nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ khởi động lại chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 7, tăng từ mức 60% của tuần trước. Hơn nữa, có tới 65% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa trong tháng 9.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tiếp tục giảm 0,62%. Trong khi quặng sắt là mặt hàng tăng giá duy nhất trong nhóm, ghi nhận mức tăng 0,3% lên 113,85 USD/tấn.

Đối với thị trường đồng, sức mua đồng được củng cố nhờ kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay cơ bản chuẩn vào 20/06, tiếp nối hai lần cắt giảm lãi suất ngắn hạn và trung hạn trong tuần trước.

Tuy nhiên, đồng Dollar phục hồi trở lại là yếu tố khiến giá đồng chịu sức ép. Bên cạnh đó, nguồn cung tích cực cũng làm suy yếu lực mua đồng trong phiên hôm qua. Tồn kho đồng trên Sở COMEX đã phục hồi từ mức đáy thấp nhất kể từ đầu năm 2023, chỉ đạt 26.502 tấn vào ngày 12/06. Hiện tại, tồn kho đã tăng thêm 13% kể từ mức đáy này, đạt 30.002 tấn. 

Đối với thị trường quặng sắt, kỳ vọng Trung Quốc tiếp tục hạ lãi suất cho vay cơ bản cũng là yếu tố dẫn dắt giúp giá giữ được đà tăng.

Trung Quốc mua hơn 70% tổng khối lượng quặng sắt vận chuyển bằng đường biển toàn cầu và sản xuất hơn một nửa lượng thép của thế giới, điều này khiến các điều kiện kinh tế của nước này trở thành chìa khóa quan trọng cho triển vọng của nguyên liệu thô chính sản xuất thép toàn cầu.

Hơn nữa, hàng tồn kho giảm tại các cảng của Trung Quốc cũng giúp hỗ trợ cho giá sắt. Các kho dự trữ cảng do tư vấn SteelHome giám sát đã giảm xuống 126,2 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 09/06, giảm so với 126,9 triệu tấn của tuần trước đó và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.

Bình luận