Tìm cách tiêu thụ lượng gỗ rừng bị gãy đổ do bão số 3

09:24 25/09/2024
Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành lâm nghiệp, với hơn 170.000 ha rừng bị phá hủy tại 13 tỉnh, thành phố ở miền Bắc. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến ngày 24/9 để bàn giải pháp khắc phục hậu quả, đảm bảo nguồn cung gỗ nguyên liệu và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

 Nguy cơ thiếu nguyên liệu gỗ

Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp, tính đến ngày 23/9, diện tích rừng thiệt hại tại 13 tỉnh, thành phố đã lên tới gần 170.000 ha. Trong đó, Quảng Ninh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 110.000 ha rừng bị phá hủy, tiếp theo là Bắc Giang (26.000 ha), Lạng Sơn (20.000 ha) và Hải Phòng (10.000 ha).

Tan hoang rừng thông thuộc Chi cục Kiểm lâm vùng 1, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Không chỉ rừng trồng bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp gỗ cũng chịu tổn thất lớn. Tổng thiệt hại của các doanh nghiệp là hội viên Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp sản xuất ván dán, dăm gỗ và viên nén, ước tính lên đến hơn 510 tỷ đồng.

Một xưởng gỗ tại huyện Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh) sau bão số 3. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho biết, bão số 3 đã làm hư hại khoảng 12 triệu m³ gỗ nguyên liệu. Thiệt hại này khiến chuỗi cung ứng gỗ nguyên liệu có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng trong các năm tới, khi diện tích rừng trồng bị phá hủy, phải mất 5 - 7 năm mới có thể khai thác trở lại.

Giải pháp cứu rừng

Trước tình hình thiệt hại lớn, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng phương án tiêu thụ lượng gỗ nguyên liệu từ diện tích cây bị gãy đổ, đồng thời phục hồi diện tích rừng bị thiệt hại. Việc trồng lại rừng sẽ được ưu tiên triển khai ngay khi thời tiết thuận lợi.

Rừng trồng tại huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh bị tàn phá sau bão số 3. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng và địa phương bị ảnh hưởng có các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho doanh nghiệp và người dân. Bộ NN&PTNT đã đề xuất Chính phủ xây dựng và triển khai chính sách bảo hiểm cho rừng trồng sản xuất, nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai đối với người trồng rừng. Đây được coi là biện pháp lâu dài, giúp giảm gánh nặng tài chính cho các hộ dân và doanh nghiệp khi đối mặt với các thảm họa tự nhiên như bão lũ.

Bộ cũng đề nghị các địa phương thúc đẩy mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và người trồng rừng nhằm nâng cao giá trị chuỗi sản xuất và cung ứng lâm sản. Điều này sẽ giúp tạo đầu ra ổn định cho gỗ nguyên liệu, hỗ trợ người trồng rừng vượt qua khó khăn sau thiên tai.

Theo Bộ NN&PTNT, phải sau 5 - 7 năm rừng mới lại cho nguyên liệu gỗ. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Để khôi phục rừng và sản xuất lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Chính phủ cung cấp các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp nhằm phục hồi nhanh chóng sau bão. Đồng thời, người dân sẽ được hưởng chính sách khoanh nợ, giãn nợ để tiếp tục sản xuất.

Nguồn: Báo SGGP

Bình luận