Làm rõ lý do diện tích cây xanh ngày càng thu hẹp
Theo Quyết định số 117/QĐ-BHTĐT của BQLDA ĐTXD hạ tầng đô thị TP.HCM, giai đoạn 2024-2030 TP.HCM sẽ đầu tư 2 công viên lớn gồm: Khu công viên cây xanh 150 ha, tại phường Thạnh Xuân, Quận 12 có vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng; và Khu lâm viên sinh thái 128 ha tại TP Thủ Đức có vốn đầu tư 6.400 tỷ đồng. Đây là 2 trong tổng số 5 dự án lớn của Thành phố để đảm bảo tiêu chí đạt không dưới 1m2/người vào năm 2030.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, chương trình phát triển công viên cây xanh công cộng trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2030, đến hết năm 2023 Thành phố đã phát triển được 24,92/150 ha công viên công cộng, tương ứng tỷ lệ diện tích cây xanh đô thị là 0,57m2/người (đạt 17% kế hoạch); đã phát triển được 29,6/10 ha mảng xanh công cộng (đạt 296%); đã trồng và cải tạo 26.132 cây xanh công cộng (đạt 87%).

Về mảng xanh công cộng, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết, cây xanh ở TP.HCM thấp nhất trong cả nước, chỉ khoảng 0,57 m2/người, trong khi UNESCO đưa ra là 10 m2/người. Nghĩa là phải tăng lên gấp 20 lần, số lượng cây trồng thêm có bù đắp được hàng trăm cây cổ thụ đã chặt, sắp tới làm metro cũng chặt tiếp vài trăm cây nữa (?).
Đồng tình với ý kiến của KTS Ngô Viết Nam Sơn, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải làm rõ vì sao diện tích cây xanh tại đô thị vào loại lớn nhất cả nước như TP.HCM ngày càng bị thu hẹp. Không thể lấy con số bù qua bù lại kiểu chặt 100 cây thì trồng thêm 100 cây hay 1.000 cây, bởi vì cây cổ thụ cả trăm năm bóng mát và lợi ích loại cây này mang lại khác hẳn với cây mới trồng. Chưa kể đến việc phải đợi một thời gian dài, tiêu hao nhiều kinh phí chăm sóc cây mới có thể sống và phát triển.
Để cải tạo được không gian xanh trong đô thị, TP.HCM lập kế hoạch giai đoạn 2024-2025 sẽ phát triển tối thiểu 68 ha công viên công cộng, tối thiểu 4 ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh. Giai đoạn 2026-2030, sẽ tập trung đầu tư các công viên quy mô lớn tại TP Thủ Đức, Quận 12, huyện Củ Chi và Hóc Môn để đảm bảo chỉ tiêu cây xanh công cộng trên địa bàn Thành phố đến năm 2030 đạt không dưới 1 m2/ người.
Sở Xây dựng cho biết, để thực hiện chỉ tiêu cây xanh trong giai đoạn 2020-2025, Thành phố cần thực hiện 55 dự án với tổng kinh phí ước tính 4.480 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới có 9 dự án với tổng diện tích là 36,1 ha có trong trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao nhiệm vụ đề xuất chủ trương đầu tư, trong đó mới có 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích là 18,7 ha và kinh phí là 1.591 tỷ đồng.
Đồng thời, Sở này kiến nghị, trong trường hợp Thành phố không cân đối, bố trí đủ vốn để đầu tư các dự án xây dựng công viên sẽ phải điều chỉnh chỉ tiêu đạt không dưới 0,61m2/người, đạt 72% chỉ tiêu đề ra. Do đó, đề suất bổ sung thực hiện 46 dự án với kinh phí 2.664 tỷ đồng.
Chưa khuyến khích các nguồn lực bên ngoài
Một khó khăn nữa là việc mời gọi đầu tư đối với lĩnh vực công viên cây xanh hiện nay không thể thực hiện được do quy định tại Luật Đầu tư số 64/2020/QH14 và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP thì công viên cây xanh không thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP và xã hội hóa. Vì vậy, chưa khuyến khích các nguồn lực bên ngoài tham gia thực hiện.

Trên thực tế cho thấy, không chỉ riêng lĩnh vực công viên cây xanh mà các lĩnh vực thuộc công trình công cộng, cũng rất khó kêu gọi nhà đầu tư tham gia, hoặc nhà đầu tư đã tham gia nhưng kéo dài nhiều năm. Có thể điểm danh một số dự án sau: Dự án trồng cây phủ xanh tại công viên Sài Gòn Safari (giai đoạn 2) được phê duyệt từ năm 2011 sẽ thực hiện trồng trên 100 nghìn cây xanh để phủ xanh 220 ha. Nhưng đến ngày 01/3/2024, Sở Xây dựng đã phải ra quyết định hủy bỏ Dự án theo chủ trương của UBND TP.HCM, sau đó tiếp tục lập dự án mới tại vị trí này. Lý do, Dự án không thể thực hiện vì đền bù không thỏa đáng dẫn đến khiếu kiện và phản ứng của người dân.
Không chỉ có các dự án dở dang, trên lĩnh vực này có những dự án đã đi vào hoạt động nhưng do thua lỗ phải dừng như dự án Saigon Water Park có diện tích 5 ha, tổng mức đầu tư 12 triệu USD. Dự án đi vào hoạt động từ năm 1997, đến năm 2006 dừng hoạt động. Đến nay, Dự án chỉ còn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Dự án này thuộc diện công viên nước đời đầu của TP.HCM và từng là nơi sầm uất của thành phố.
TP.HCM hiện có khoảng 10 triệu dân sinh sống, chưa kể đến lượng người cơ hữu ở các địa phương khác chuyển đến. Với diện tích khoảng xanh liên tục bị thu hẹp do các dự án BĐS xen lẫn trong các đô thị hiện hữu, gây áp lực lên hạ tầng đô thị, việc đầu tư các mảng xanh, công viên rất cần thiết. TP.HCM cũng chủ động, quyết liệt cho vấn đề này, bởi hiện nay TP.HCM là đô thị có mảng xanh ít nhất trong các đô thị cả nước.