Tránh rủi ro cho nhà đầu tư trước khi tham gia đấu thầu và thực hiện dự án

07:04 16/05/2024
Chuyên gia đề xuất, cơ quan có thẩm quyền phải rà soát lại sự phù hợp của quy hoạch trước khi tổ chức triển khai lập hồ sơ mời thầu, nhằm tránh rủi ro cho nhà đầu tư…

Làm rõ việc áp dụng chỉ định thầu

Bộ KH&ĐT đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (dự thảo Nghị định).

Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định, do Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) phối hợp với Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam và Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (CELG) - Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) tổ chức tại TP.HCM ngày 04/5/2024, Luật sư Lê Vũ Bằng - Luật sư thành viên Công ty Luật Nishimura & Asahi (Nhật Bản) cho biết, riêng về chỉ định thầu, theo khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư có quyền sử dụng đất được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận không thông qua đấu giá hoặc đấu thầu.

Còn theo quy định của Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu 2013 về lựa chọn nhà đầu tư, được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn.

Và, theo khoản 3 Điều 29 Luật Đầu tư 2020; khoản 3 Điều 29 Nghị Định số 31/2021/ND-CP ngày 26/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; và Điều 18 dự thảo Nghị định, trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm hoặc nhiều nhà đầu tư đăng ký nhưng chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm, thì chấp thuận nhà đầu tư.

Từ đó, Luật sư Lê Vũ Bằng đặt vấn đề, chỉ định thầu đối với dự án đầu tư có sử dụng đất “trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn” có tiếp tục được áp dụng theo trường hợp đang được quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP nữa không?

Việc không quy định rõ nội dung này trong Luật Đấu thầu 2023 cũng như dự thảo Nghị định, có thể dẫn đến khó khăn khi áp dụng trong thực tế. Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ việc áp dụng chỉ định thầu như quy định tại Nghị Định số 25/2020/ND-CP.

Tránh rủi ro cho nhà đầu tư trước khi đấu thầu

Bên cạnh đó, liên quan đến điều kiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án có sử dụng đất, Luật sư Lê Vũ Bằng cho rằng, có sự không đồng nhất giữa dự thảo Nghị định (quy định từ Điều 20 - 25) và pháp luật hiện hành.

Trong đó, Luật Đất đai 2024 quy định điều kiện: Có quy hoạch chi tiết hoặc có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu; đáp ứng các điều kiện khác theo Điều 126 Luật Đất đai 2024.

Luật Quy hoạch đô thị và Luật xây dựng quy định điều kiện: Là bản vẽ của đồ án quy hoạch phân khu, được thực hiện theo tỷ lệ 1/2000 hoặc tỷ lệ 1/5000;

Khoản 4 Điều 11 của Nghị định 25/2020/NĐ-CP (được sửa đổi) quy định điều kiện: Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng có tỷ lệ 1/2000 hoặc 1/500 (nếu có), hoặc quy hoạch phân khu đô thị có tỷ lệ 1/2000, hoặc tỷ lệ 1/5000 theo quy định của pháp luật…

Do đó, Luật sư Lê Vũ Bằng đề nghị làm rõ tiêu chí đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đất đai 2024, làm căn cứ cho HĐND cấp tỉnh quyết định tại dự thảo Nghị định hoặc các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Đất Đai 2024…

Đáng chú ý, liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt là về căn cứ lập hồ sơ mời thầu, quy định tại khoản 2 Điều 6 dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Thái Hưng - Thanh tra xây dựng Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương kiến nghị bổ sung nội dung: “cơ quan có thẩm quyền phải rà soát lại sự phù hợp của quy hoạch trước khi tổ chức triển khai lập hồ sơ mời thầu”, nhằm tránh rủi ro cho nhà đầu tư.

Lý giải về kiến nghị, ông Nguyễn Thái Hưng cho biết, thực tế có những quy hoạch đã được lập, phê duyệt từ nhiều năm, trước khi tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, đến lúc triển khai thực hiện đã lỗi thời, không còn phù hợp, thường thấy ở các điểm dân cư nông thôn.

Ví dụ như tuyến đường đi qua dự án dự kiến lựa chọn nhà đầu tư tại thời điểm lập, phê duyệt quy hoạch là đường cấp 4, hành lang an toàn 9 m. Tuy nhiên, đến thời điểm lựa chọn nhà đầu tư, tuyến đường này đã được hoặc đang được trình nâng cấp thành đường cấp 3, hành lang an toàn 13 m, dẫn đến hành lang an toàn có sự thay đổi; hoặc có thể sẽ có sự thay đổi làm ảnh hưởng đến quy hoạch dự án. Do đó, việc rà soát lại sự phù hợp của quy hoạch là cần thiết để tránh rủi ro đối với các nhà đầu tư, trước khi tham gia đấu thầu và thực hiện dự án.

Theo ông Nguyễn Thái Hưng, việc buộc phải điều chỉnh quy hoạch dẫn đến thay đổi về phương án kiến trúc, công năng, phương án kinh doanh. Đối với dự án điểm dân cư, khu đô thị có thể làm tăng, giảm số lượng các lô đất được phép kinh doanh. Từ đó, dẫn đến thay đổi phương án thực hiện của nhà đầu tư được đề cập đến trong hồ sơ dự thầu ban đầu...

Tại dự thảo Tờ trình của Bộ KH&ĐT, nội dung liên quan đến thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch, cơ quan chuyên môn của Bộ KH&ĐT cho biết, ở giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ xem xét chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án để thực hiện dự án đầu tư. Vì vậy, yêu cầu thẩm định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng với các quy hoạch chi tiết và phân khu sẽ làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đầu tư.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, khoản 5 Điều 31 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020, theo hướng bãi bỏ quy định về yêu cầu xem xét sự phù hợp của dự án với quy hoạch chi tiết…

Bình luận