Câu hỏi này đặt ra thoạt đầu nghe có vẻ thừa, vì ai cũng biết rằng, vỉa hè trên các tuyến đường bộ là thuộc về tài sản công và việc sử dụng là dành cho cộng đồng. Có lẽ chính vì thế mà người ta thường gọi những nơi ấy là nơi công cộng.
Đã là tài sản công thì việc quản lý thuộc về cơ quan Nhà nước, nó được sử dụng vào mục đích gì, dành cho những đối tượng nào, thời gian nào, khu vực nào… đều thuộc ý chí của cơ quan công quyền tại địa phương đó nhận định và ra quyết định.
Thế nhưng đã từ nhiều chục năm nay, việc quản lý những nơi công cộng như thế luôn luôn khiến cho các cơ quan quản lý lúng túng, không chỉ ở các đô thị lớn mà cả ở những vùng thị xã, thị trấn nơi xa xôi. Hẳn nhiều người còn nhớ một đoạn video từng đưa trên mạng xã hội hình ảnh không hay về vị Trưởng công an xã Quảng Điền (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) đã đá bay thau cá của người dân bán hàng trên vỉa hè đường bộ. Đã có bài báo đặt câu hỏi: “Công an xã có quyền xử lý lấn chiếm vỉa hè?”.
Ngay tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, nơi có bề dày kinh nghiệm quản lý đô thị vào hàng bậc nhất cả nước thì cũng lúng túng không kém. Trở lại vụ việc cách đây đã 20 năm, khi Việt Nam chuẩn bị tổ chức SEA Game 2003, Hà Nội đã phát động một cuộc “ra quân” lớn về quản lý, chỉnh trang đô thị để đón hàng chục nghìn khách quốc tế. Ngoài việc tổng vệ sinh thường xuyên, thu dọn phế thải tồn đọng, khơi thông cống rãnh, quét vôi lại mặt nhiều tuyến phố… thì bên cạnh đó là giữ gìn văn minh nơi công cộng, vỉa hè, lòng đường.
Khi đó, có một chủ trương rất nhân văn, đó là tại Hà Nội và TP.HCM, các cơ quan có trách nhiệm sẽ tổ chức tập trung, phân loại và “bàn giao” các em bán hàng rong, đánh giày về gia đình hoặc các trung tâm bảo trợ xã hội. Con số không hề nhỏ, trên dưới 15 nghìn em.
Quả là không đẹp đẽ chút nào cho bộ mặt xã hội khi trên đường phố thi thoảng lại gặp những gương mặt nhếch nhác của trẻ thơ trên con đường mưu sinh. Đứa tay thùng tay dép làm nghề đánh giày. Đứa vẹo người bê một thùng sách báo to tướng bằng bìa các-tông. Đứa chìa bàn tay bé xíu năn nỉ xin ăn. Đứa lẽo đẽo bám theo khách du lịch nài mua đồ lưu niệm… Những đôi mắt ngây thơ cứ bạc dần theo thời gian cùng với những hy vọng mong manh. Ước mơ của chúng chỉ vo tròn vào những đồng bạc lẻ. Chúng lang thang kiếm sống trên con đường bất tận. Chúng lang thang vì chúng có quyền mưu sinh. Chúng lang thang vì sự bất lực của người lớn…
Việc chấm dứt tình trạng chợ “cóc”, ngăn chặn những người bán hàng rong khác trên đường phố cũng đã tốn khá nhiều giấy mực và công sức của các nhà quản lý. Nhìn cảnh anh công an mặc sắc phục uy nghi giằng kéo gánh hàng rong với một phụ nữ chân lấm tay bùn, mặt bạc phếch vì khốn khó, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Ai cũng đúng mà hình như ai cũng sai. Một người vì công vụ, một người vì mưu sinh. Cuối cùng, hàng rong vẫn nhan nhản trên đường phố…
Đến đây, chúng ta mới thấy rằng, việc minh định cho câu hỏi “Vỉa hè là của ai?” nó khó đến mức nào?
Theo Hiến pháp của nước nhà, “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc” - Điều 35; “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động” - Điều 57.
Cùng với đó, một thực trạng xã hội mà ai cũng biết, đó là nguồn sống của rất rất nhiều gia đình ở những khu đô thị liên quan đến cái vỉa hè. Vỉa hè là nơi công chúng được quyền sử dụng theo nhu cầu chính đáng của mình, nó có thể là nơi dạo chơi cho người đi bộ thì tại sao lại không thể là nơi giúp cho sự mưu sinh của nhiều người khác? Hai nhóm người đó đâu có gì khác nhau, cùng có nhu cầu chính đáng, được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện!
Và như vậy, sự lúng túng trong việc quản lý vỉa hè, lòng đường ở nhiều địa phương nằm ở sự giằng xé này. Dẹp nguồn sống của người dân thì không được, mà để bộ mặt đô thị nhếch nhác cũng không được. Chính vì thế đã xảy ra tình trạng nể nang và không quyết liệt trong các “chiến dịch” của TP Hà Nội cũng như TP.HCM, mà có người ví hài hước rằng, đó là những chiến dịch bắt cóc bỏ vào đĩa, một thời gian ngắn sau, đâu nó lại vào đấy.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà quản lý không nên “cố chấp” với quan niệm vỉa hè là chỉ dành riêng cho người đi bộ, bởi lẽ nó còn có những giá trị khác nữa, không những về văn hóa mà còn cả giá trị về kinh tế.
Theo KTS Lê Nguyễn Hương Giang, vỉa hè vừa là không gian sinh kế đa dạng, linh hoạt, vừa là không gian sinh hoạt rộng mở, không gian xã hội đặc thù, không gian nghệ thuật độc đáo và không gian ký ức sống động: “Những người bán hàng trên vỉa hè, từ những quang gánh, trở thành quán nhỏ, dần trở nên lâu đời và là một phần văn hóa, một nét đặc trưng trong kinh tế đô thị không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước”.
Nhìn về góc độ kinh tế, TS Nguyễn Văn Đáng - giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - nêu quan điểm, ở góc độ xã hội học, kinh tế vỉa hè trở thành nét đặc thù ở xã hội đang phát triển. Với một nước có truyền thống văn hoá tiểu nông như Việt Nam thì kinh tế vỉa hè càng phát triển hơn. Thực tế trên thế giới, nhiều đô thị lớn cũng kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè. Để tận dụng tốt đặc tính của nó, các nước phát triển và đang phát triển dần hoàn thiện các quy trình và mô hình quản lý để tận dụng không gian của đời sống.
Ví dụ như Quảng trường Times (New York, Mỹ) đã thử nghiệm chặn xe và tạo thành không gian vỉa vè cho người dân sinh hoạt. Song chính từ thử nghiệm đó, con phố này trở nên nhộn nhịp hơn và người dân thích thú với nó. Một số quốc gia ở khu vực châu Á cũng đang mang trở lại các khu phố ẩm thực và quảng bá như một nhận diện văn hóa của nước mình, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… với các chợ đêm, lề đường sôi động, tấp nập.
TS Nguyễn Văn Đáng còn cho hay, từ rất lâu, kinh tế vỉa hè là một phần tự nhiên của đời sống đô thị, cho dù chưa được đề cập chính danh trong chính sách kinh tế - xã hội của các đô thị. Giữ gìn nét đặc trưng của vỉa hè sẽ giúp cân bằng và hài hòa được nhiều nhu cầu thực tế, nhất là việc giải quyết việc làm, thu nhập… cho một bộ phận cư dân đô thị.
Ủng hộ quan điểm này, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu dùng từ “mỹ quan vỉa hè đô thị” thì không hoàn toàn rõ hết ý nghĩa về một khía cạnh giá trị của “kinh tế vỉa hè”. Vì nếu được tổ chức tốt, những hoạt động này còn góp phần trang điểm cho đường phố thêm đẹp. Những mô hình như vậy đã được áp dụng thành công và mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ tại Thái Lan hay Singapore. Các hàng quán trên các tuyến phố được trang trí đẹp rực rỡ như ngày hội, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và sử dụng dịch vụ.
Cụ thể như ở Singapore, một quốc gia nổi tiếng về một đô thị văn minh, sạch sẽ cũng đã từng phải đối mặt với vấn nạn hàng rong lấn chiếm vỉa hè. Dẫu vậy, Singapore vẫn đánh giá cao sự đóng góp của loại hình kinh doanh hàng rong vào nền kinh tế.
Các chuyên gia đã phân tích, với thói quen không hay nấu ăn tại gia, các quán hàng rong đóng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp nhu yếu phẩm, các bữa ăn hàng ngày cho người dân, đặc biệt là tầng lớp bình dân, cũng như giữ cho giá cả sinh hoạt của Singapore không bị tăng cao.
Nhằm giữ gìn được loại hình kinh doanh đầy màu sắc văn hóa này, Singapore đã có quy hoạch cho các gánh hàng rong từ thập niên 1980 bằng cách xây dựng những trung tâm mua bán thực phẩm, chợ cóc rồi tập trung các cửa hàng rong vào đó.
Với sự quy hoạch tập trung ấy, các cửa hàng rong có thể sử dụng điện nước, vứt rác đúng chỗ cũng như quy tụ được thành tụ điểm ẩm thực, mua bán thu hút khách hàng. Chính quyền địa phương cũng có thể quản lý tốt được các tụ điểm bán hàng rong này, đồng thời giải phóng mặt bằng cho vỉa hè nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ này.
Thậm chí, chính phủ còn tạo điều kiện để các nhà đầu tư dự án mở những khu vực chuyên kinh doanh hàng rong, nâng mật độ khu chuyên bán hàng rong có quy hoạch lên, qua đó tạo điều kiện để các hộ kinh doanh không phải thay đổi địa điểm bán hàng quá xa, gây mất khách…
Trở lại câu hỏi “Vỉa hè là của ai?” và lý giải sự lúng túng của nhiều cơ quan có chức năng quản lý nguồn tài sản công có phần nhạy cảm này, đó là sự hài hòa giữa quyền quản lý của cơ quan Nhà nước và lợi ích sử dụng chính đáng của người dân.
Không chỉ kinh nghiệm ở một số địa phương trong nước mà còn bài học của nhiều nước chắc chắn sẽ giúp các nhà quản lý đô thị giỏi giang, công tâm và linh hoạt của chúng ta tìm được giải pháp hài hòa ấy, người dân vẫn giữ được kế sinh nhai và mỹ quan đô thị vẫn bảo đảm.
Cũng xin giải thích thêm cụm từ “các nhà quản lý đô thị giỏi giang, công tâm và linh hoạt” bởi theo phân tích và nhiều bài học được dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng, hiện nay, việc lấn chiếm vỉa hè đô thị làm nơi kinh doanh, buôn bán... ở nhiều địa phương không giản đơn chỉ là dân nghèo mưu sinh, mà đã và đang sinh ra “lợi ích nhóm”, có “cai vỉa hè”, có thế lực “chống lưng”... Các hình thức “bảo kê” vỉa hè diễn ra rất đa dạng dưới nhiều lớp vỏ bọc khác nhau, “chia đều” lợi ích. Một số nơi, do đặc thù kinh doanh, chính quyền một số quận buộc phải “thương lượng” để các cơ sở kinh doanh được sử dụng tạm thời vỉa hè, với điều kiện phải đóng phí…
Cho nên, việc trả lời câu hỏi: “Vỉa hè là của ai?” lại càng tựa như một bài toán có nhiều ẩn số, khó có thể tìm ra được một đáp số minh bạch như những quy định của pháp luật!