Quy hoạch - kiến trúc

Xác định rõ vị thế của đô thị Hiệp Hòa trong Vùng Thủ đô

Xác định rõ vị thế của đô thị Hiệp Hòa trong Vùng Thủ đô

Tuấn Đông Tuấn Đông - 17:26, 25/05/2023

Mục tiêu của Nhiệm vụ Quy hoạch là từng bước xây dựng đô thị Hiệp Hòa thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mới, logistics, động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Tây tỉnh Bắc Giang.

Ngày 25/5, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000

Đến năm 2045, đô thị Hiệp Hòa trở thành đô thị loại III

Theo dự thảo Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Hiệp Hòa, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Hiệp Hoà, khoảng 20.599,65 ha.

Ranh giới lập quy hoạch có phía Bắc giáp huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên; phía Đông giáp huyện Tân Yên và Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; phía Nam giáp huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; phía Tây giáp thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên và huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Thời hạn lập điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch ngắn đến năm 2030, quy hoạch dài đến năm 2045.

Toàn cảnh Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Hiệp Hòa.

Mục tiêu của Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch nhằm điều chỉnh các nội dung không còn phù hợp của đồ án Quy hoạch chung đô thị Hiệp Hoà đã được phê duyệt năm 2018, nhằm đảm bảo tính thống nhất với Quy hoạch tỉnh Bắc Giang và các định hướng phát triển mới của huyện Hiệp Hoà.

Đồng thời, cụ thể hoá những định hướng chiến lược phát triển của quốc gia, Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; từng bước xây dựng đô thị Hiệp Hòa thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mới, logistics của tỉnh, động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Tây tỉnh Bắc Giang.

Đến năm 2045, đô thị Hiệp Hoà trở thành đô thị loại III, sau năm 2045 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Về tính chất, đô thị Hiệp Hòa là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá, động lực phát triển kinh tế của khu vực phía Tây tỉnh Bắc Giang; trung tâm phát triển công nghiệp mới, trung tâm logistics của tỉnh, vùng phát triển nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao, công nghệ cao và dịch vụ thương mại, du lịch; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Theo dự thảo Quy hoạch, dự báo dân số toàn đô thị Hiệp Hoà đến năm 2030 khoảng 300.000 người; dân số nội thị khoảng 180.000 người, dân số nông thôn khoảng 120.000 người.

Đến năm 2045, dân số toàn đô thị khoảng 400.000 người; dân số nội thị khoảng 260.000 người, dân số nông thôn khoảng 140.000 người.

Dự báo chỉ tiêu sử dụng đất, đất dân dụng khoảng 50-80m2/người; đất ngoài dân dụng khoảng 60-70m2/người; dự báo nhu cầu đất xây dựng đến năm 2045 khoảng 4.180 - 5.700ha, trong đó đất dân dụng khoảng 1.900 - 3.040ha, đất ngoài dân dụng khoảng 2.280 - 2.660ha.

Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu lấy theo chỉ tiêu đô thị loại IV cho giai đoạn đến năm 2030 và loại III cho giai đoạn đến năm 2045.

Nhấn mạnh vị thế của đô thị Hiệp Hòa trong Vùng Thủ đô

Tại Hội nghị, tư vấn đã trình bày những vấn đề trọng tâm của nội dung điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Hiệp Hoà, giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, hiệp hội.

Các thành viên Hội đồng cũng đã đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Hiệp Hòa đến năm 2045: đánh giá rõ hơn về ảnh hưởng của lĩnh vực công nghiệp với phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thân thiện môi trường; lưu ý vấn đề đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy tại các khu công nghiệp.

Hạn chế san gạt các điểm cao trong các khu vực phòng thủ, các quy hoạch không làm ảnh hưởng đến khu vực quân sự trên địa bàn.

Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc nhận xét dự thảo Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Hiệp Hòa.

Lưu ý vấn đề hạ tầng và môi trường thích ứng với điều kiện phát triển công nghiệp; phát huy thế mạnh của văn hoá với nhiều nét đặc thù; giữ đất nông nghiệp để duy trì cân bằng sinh thái; tận dụng thế mạnh gần Hà Nội và có đường Vành đai 4 chạy qua.

Đồng thời chú trọng xây dựng hệ thống dịch vụ phụ trợ cho phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ; phát triển hạ tầng xanh cho đô thị thông minh, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường…; nghiên cứu phát triển trung tâm du lịch lớn, gắn với các thế mạnh của tỉnh.       

Kết luận Hội nghị, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc đánh giá đồ án đã được địa phương và đơn vị tư vấn chuẩn bị kỹ càng, bài bản; đồng thời có một số lưu ý về tên gọi của đồ án, và vấn đề kế thừa các yếu tố hợp lý của quy hoạch trước đây.

Đồng thời bổ sung các căn cứ chính trị liên quan, chú ý vấn đề phát triển công nghiệp, hệ thống logistics và hệ thống dịch vụ đô thị để tận dụng các lợi thế của yếu tố Vùng Thủ đô.

Bên cạnh đó, cần có đánh giá ký hơn hiện trạng phát triển hạ tầng; các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật; nghiên cứu xem xét các yếu tố của đô thị loại II; tăng chỉ tiêu cây xanh; bảo tồn và phát huy giá trị di tích; khai thác thế mạnh từ đường Vành đai 4 chạy qua.

Ý kiến của bạn