Xây dựng định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2025 thống nhất với mục tiêu chung

07:16 23/05/2024
Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nghiên cứu, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2025 bảo đảm thống nhất với mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương.

Ngày 22/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Chỉ thị về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 tăng tối thiểu khoảng 5-7%

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện nhất quán mục tiêu xuyên suốt giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó là đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện, rà soát chính sách pháp luật để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, cảng biển và sân bay; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm về đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả...

Đối với nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, Thủ tướng lưu ý, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 tăng tối thiểu khoảng 5-7%; dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024.

Dự toán chi ngân sách nhà nước sát khả năng thực hiện, hạn chế tối đa việc hủy dự toán và chuyển nguồn sang năm sau.

Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH của quốc gia và địa phương năm 2025

Thủ tướng chỉ thị xây dựng dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2025 phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH của quốc gia và địa phương năm 2025, giai đoạn 2023-2025; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện; chế độ, chính sách chi ngân sách nhà nước, bảo đảm đủ nguồn lực thực hiện các chế độ, chính sách do Trung ương đã ban hành.

Ngoài các quy định hướng dẫn chung về công tác lập dự toán ngân sách nhà nước, việc lập, xây dựng dự toán ngân sách địa phương cần chú ý một số nội dung chủ yếu sau:

Các địa phương xây dựng dự toán thu ngân sách trên địa bàn trên cơ sở tổng hợp toàn bộ các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác trên địa bàn theo quy định tại Điều 7 của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan. 

Chỉ thị cũng yêu cầu lập dự toán thu ngân sách nhà nước tích cực, sát thực tế, tổng hợp đầy đủ các khoản thu mới phát sinh trên địa bàn để tính đúng, tính đủ nguồn thu, không dành dư địa để địa phương giao chỉ tiêu phấn đấu thu; phân tích đánh giá cụ thể những tác động ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025 theo từng địa bàn, lĩnh vực thu, khoản thu, sắc thuế.

Đồng thời, xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương trên cơ sở nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương xác định bằng số giao được dự toán năm 2024 (nếu có), số bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện cải cách tiền lương năm 2025 sau khi đã sử dụng nguồn cải cách tiền lương theo quy định của địa phương (nếu có).

Xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương chi tiết từng lĩnh vực chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, đảm bảo ưu tiên bố trí đủ dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện các dự án, nhiệm vụ đã cam kết, chế độ chính sách đã ban hành.

Bình luận