Nhu cầu đầu tư, mua sử dụng BĐS vẫn ở mức cao
Theo đó, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, cả nước có 126 dự án với 55.732 căn hộ được cấp phép; 466 dự án với 228.029 căn hộ đang được triển khai xây dựng và 91 dự án với 18.206 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.
Đối với dự án nhà ở xã hội, trên cả nước có 09 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng và 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, đối với dự án nhà ở công nhân, trên cả nước có 02 dự án được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; 01 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng và 04 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Đối với dự án du lịch, nghỉ dưỡng, trên cả nước có 12 dự án được cấp phép và 30 dự án đã hoàn thành xây dựng.
Cũng theo số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2022, số lượng dự án và căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trong cả nước là 252 dự án với 65.909 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, giảm gần 50.000 căn hộ và bằng khoảng 58% so với năm 2021.
Tổng hợp đến cuối năm 2022, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công là 150.268 giao dịch. Qua đánh giá cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường năm 2022 tốt hơn năm 2021. Nhìn chung, trong năm 2022, số lượng bất động sản (BĐS), nhà ở trong các dự án mới đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế, chủ yếu các sản phẩm BĐS đưa vào giao dịch là hàng tồn kho của các dự án đã mở bán.
Trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao; các phân khúc nhà ở chung cư, nhà riêng lẻ, đất nền hầu như không phát sinh lượng tồn kho và có tính thanh khoản tốt.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện nay, lượng tồn kho BĐS hầu như chỉ có ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng và đặc biệt là đối với các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi và thuộc về nhà đầu tư thứ cấp.
Tạo xung lực mới cho thị trường
Theo Bộ Xây dựng, lĩnh vực BĐS là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế lớn như xây dựng, tài chính, du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng, thị trường vốn…và có sức lan tỏa đến trên 40 ngành, lĩnh vực.
Chính vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm đến sự phát triển của thị trường BĐS, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp và hàng loạt các chỉ đạo điều hành quyết liệt, sâu sát để thị trường BĐS phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh làm động lực thúc đẩy sự phát triển cho các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế khác.
Bên cạnh đó là hàng loạt các chỉ đạo, điều hành kịp thời, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành thông qua các nghị quyết, chỉ thị, công điện, quyết định, kết luận hội nghị, cuộc họp, văn bản chỉ đạo điều hành, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn đối với lĩnh vực BĐS và một số lĩnh vực khác có tác động tương hỗ đến lĩnh vực BĐS như: tín dụng, trái phiếu,...Tất cả điều này đã tạo ra các xung lực mới, có tác động tích cực tới thị trường BĐS.
Để đảm bảo thị trường BĐS trong thời gian tới tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu đề xuất ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Mặt khác, nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ hợp thứ 5 tháng 5/2023, thông qua tại kỳ hợp thứ 6 tháng 10/2023 đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, BĐS trên địa bàn, trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.
Đẩy nhanh, cải cách thủ tục hành chính, tránh đùn đẩy trách nhiệm hoặc trậm trễ trong giải quyết các thủ tục triển khai dự án BĐS trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư giúp làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại cho thị trường BĐS.