Thị trường

Chú trọng phát triển các dự án công nghiệp hỗn hợp

Chú trọng phát triển các dự án công nghiệp hỗn hợp

Hữu An Hữu An - 08:19, 25/12/2021

Các KCN, KKT đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới với nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường toàn cầu, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế của khu vực và thế giới.

Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư, trong đó trọng tâm là hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông kết nối thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn và phù hợp với thông lệ quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng nền hành chính minh bạch, thân thiện và đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược, định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam. Qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, hiện trên cả nước có 395 KCN được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích gần 123 nghìn ha; 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng 871,5 ngàn ha.

Cần bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc phát triển mô hình KCN, KKT mới

Các KCN, KKT đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như Samsung, Sumitomo, Foxcon, LG, Hyosung, Canon, Robert Bosch… với nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường toàn cầu, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế của khu vực và thế giới. Nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN đã phát triển thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, dần vươn tới các thị trường ngoài nước, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế. Hệ thống các KKT ven biển đã tận dụng và phát huy được lợi thế về địa chính trị kinh tế. Các KKT như Chu Lai, Dung Quất, Vũng Áng, Nghi Sơn... đã thu hút được các dự án công nghiệp nặng quy mô lớn trong lĩnh vực cơ khí, hóa dầu, nhiệt điện, sản xuất thép, lắp ráp ô tô…

Các KCN, KKT đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, giá trị công nghệ; thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết việc làm; phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; bảo vệ môi trường sinh thái; mở rộng quan hệ đối ngoại...

Báo cáo của Vụ Quản lý các KKT cho biết, tính đến cuối tháng 10/2021, đã có 10.996 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 230,2 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện khoảng 69%. 10.211 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 2,54 triệu tỷ đồng, vốn thực hiện khoảng 46,5%. Riêng năm 2020, các doanh nghiệp trong KCN, KKT đóng góp giá trị kim ngạch xuất khẩu 138 tỷ USD, tương đương tỷ trọng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp vào ngân sách 137 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 4 triệu lao động.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam chia sẻ, hiện nay không chỉ ở phía Nam, mà đất dành cho bất động sản công nghiệp ở các tỉnh thành khu vực lân cận Hà Nội ngày càng “chật chội”, đặc biệt giá có xu hướng tăng cao. Do vậy, các nhà đầu tư đang hướng đến những tỉnh thành xa hơn và Thanh Hóa đang nổi lên là lựa chọn phù hợp. Địa phương này có lợi thế lớn về quỹ đất, nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng tốt và liên tục được đầu tư phát triển, như có quốc lộ 1A đi qua, cảng nước sâu Nghi Sơn hay Sân bay quốc tế Thọ Xuân, đoạn cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam dự kiến được hoàn thiện trong năm 2022.

Thanh Hóa cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đầu tư 43 dự án giao thông với vốn đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng, đảm bảo việc di chuyển thuận lợi nhiều hơn nữa giữa các khu vực của địa phương có diện tích rộng và nhiều kiểu địa hình này.

Đáng chú ý là Thanh Hóa hiện dẫn đầu khu vực miền Trung về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 165 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD tính đến tháng 11/2021. Hiện Foxconn muốn chọn địa phương này làm nơi đầu tư nhà máy có quy mô từ 100 đến 150 ha, tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh số xuất khẩu 10 tỷ USD/năm. Cùng với đó, dự kiến Trung tâm thương mại Aeon Mall Thanh Hóa sẽ được khởi công trong quý đầu tiên của năm 2022… là những tín hiệu vui cho thấy nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn muốn đầu tư vào tỉnh Bắc Trung bộ này.

Với định hướng xuất khẩu, Chính phủ Việt Nam khuyến khích phát triển sản xuất và thu hút đầu tư bằng cách thành lập các KCN, KKT. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do được ký kết và thực thi cũng giúp mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái trực tuyến, dẫn đầu bởi ngành thương mại điện tử thúc đẩy dịch vụ hậu cần kho bãi phát triển với công nghệ tiên tiến và hiệu quả hơn. Đặc biệt, nhà phát triển cần chú ý trang bị kho lạnh cho thuê, cơ sở vật chất xanh và bền vững, hệ thống điện dự phòng lớn ở các nhà kho cao tầng.

Để có thể đón làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, cần tạo ra các dự án công nghiệp hỗn hợp bằng cách phân vùng đất cho hậu cần, kho lạnh, trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam lại lưu ý về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp chuyển sang tự động hóa và nâng cao công nghệ chuỗi cung ứng để đảm bảo hiệu suất hoạt động, tối ưu chi phí trong kho hàng với các giải pháp nổi bật bao gồm robot di động tự động và các công cụ phân tích thời gian thực.

Nhằm tiếp tục nâng cao sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh vào KCN, KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là hoàn thiện mô hình quản lý và ưu đãi đầu tư; phát triển các mô hình KCN, KKT với chất lượng quy hoạch, trình độ quản lý và cơ sở hạ tầng kỹ thuật cao hơn; nâng cao tính liên kết, hợp tác giữa các KCN, KKT. Bộ vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc phát triển mô hình KCN, KKT mới, Vụ trưởng Lê Thành Quân nhấn mạnh.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

Ý kiến của bạn