Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và nhà máy thông minh là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững. Tuy nhiên, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang gặp nhiều rào cản khi tiếp cận công nghệ và cần thêm nhiều trợ lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.
Đây là nội dung được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ tại Hội thảo giải pháp cho nhà máy thông minh do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) phối hợp với các đơn vị tổ chức, ngày 28/8.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA cho biết trong gần 30 năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh đã khai thác tối đa các nguồn lợi truyền thống như tài nguyên tự nhiên, thâm dụng lao động để tăng trưởng.
Hiện nay, các nguồn lực cũ đang cạn dần, nền kinh tế cần có nguồn lực mới phục vụ nhu cầu tăng trưởng bền vững hơn. Các giải pháp về công nghệ được xem là giải pháp tạo ra động lực mới cho nền kinh tế, cụ thể là công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, các nhà máy thông minh.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đang là bài toán khó cho hầu hết doanh nghiệp hiện nay bởi việc chuyển đổi mô hình đòi hỏi phải thay đổi toàn diện từ tư duy đến đầu tư vốn, nhân lực… Do đó, các doanh nghiệp vẫn cần thêm nhiều trợ lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghệ nhanh hơn, hiệu quả hơn.
PGS.TS Thoại Nam - Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, nhà máy thông minh là một hệ thống tích hợp kết hợp công nghệ vật lý và kỹ thuật số để tạo ra một môi trường sản xuất được kết nối và thông minh.
Cách tiếp cận mang tính cách mạng này cho phép giám sát theo thời gian thực, ra quyết định dựa trên dữ liệu và sản xuất tự chủ, khiến nó trở thành một giải pháp hấp dẫn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đang tìm cách nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Thị trường sản xuất thông minh cũng được dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trên 13% trong khoảng 7 năm tới, đạt tổng trị giá 658,41 tỷ USD vào năm 2030.
Khảo sát của SME và CESMII (năm 2022 ) cho thấy 77% số người được hỏi tin rằng công nghệ thông minh sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho tổ chức của họ, nhưng chỉ một nửa sẵn sàng đầu tư vào những sáng kiến này. Nhiều người tin rằng, chỉ những doanh nghiệp lớn mới có thể tiếp cận hoặc hưởng lợi từ công nghệ này.
Theo PGS.TS Thoại Nam, trên thực tế, sản xuất thông minh đã trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang đối mặt với những không ít trở ngại khi tiếp cận và ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo như thiếu dữ liệu, thiếu kiến thức, kỹ năng; hạn chế về ngân sách; khó khăn trong việc xác định giải pháp phù hợp; thiếu sự tham gia và chiến lược quản lý…
“Không có giải pháp nào phù hợp cho tất cả các nhà máy, do đó, doanh nghiệp phải lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện thực tế cả về mặt kỹ thuật và túi tiền. Với doanh nghiệp nhỏ, tài chính và nhân sự có hạn nên ưu tiên lựa chọn chuyển đổi mô hình mới nhưng đơn giản, chỉ bao gồm các công nghệ cần thiết, dễ dàng cài đặt và vận hành; ưu tiên tính tương tác, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống trong nhà máy. Khi chuyển đổi số, nhà máy thông minh, doanh nghiệp phải đặc biệt chú trọng an toàn thông tin,” PGS.TS Thoại Nam khuyến nghị.
Ông Nguyễn Thế Phương - Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số, FPT Digital chia sẻ, có hai xu hướng đang song hành trong các doanh nghiệp trên toàn cầu đó là tăng đầu tư vào yếu tố bền vững và xem thực hành ESG (môi trường - xã hội - quản trị) là trọng tâm/tiêu chí chính trong việc lựa chọn và ưu tiên các sáng kiến chuyển đổi số.
Khi chuyển đổi số và chuyển đổi xanh được tích hợp (chuyển đổi kép) sẽ tối đa hoá hiệu quả và giá trị của cả hai chương trình.
Dù lợi ích và hiệu quả của việc chuyển đổi đã được chứng thực nhưng quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nói riêng và chuyển đổi kép nói chung ở doanh nghiệp Việt đang gặp không ít thách thức.
Có thể kể đến là nhận thức thấp, thiếu đồng thuận từ cấp lãnh đạo đến nhân viên; thiếu nguồn lực và không có chiến lược rõ ràng cho việc chuyển đổi. Quy mô kinh doanh nhỏ và thiếu tính đồng bộ; thiếu cơ sở hạ tầng và kiến trúc công nghệ thông tin khiến các doanh nghiệp e ngại.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn yếu, chưa có hệ sinh thái hỗ trợ hiệu quả cho việc chuyển đổi số và xanh của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thế Phương, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần tiếp cận chuyển đổi kép một cách toàn diện theo từng bước.
Trước tiên phải khảo sát và đánh giá thực trạng, xác định những vấn đề và cơ hội tăng trưởng khi chuyển đổi; tích hợp các mục tiêu về chuyển đổi số vào chiến lược chuyển đổi xanh; xây dựng lộ trình chuyển đổi kép phù hợp; chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực, con người cho chuyển đổi; trong đó, mấu chốt quyết định chính là sự sẵn sàng, thống nhất của đội ngũ nhân sự từ người đứng đầu đến nhân viên trong việc thay đổi tư duy, phương thức, mô hình hoạt động doanh nghiệp.
Các chuyên gia nhận định, lực cản lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số, nhà máy thông minh ở doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất phát từ năng lực tài chính. Bởi chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất là một quá trình đòi hỏi phải đầu tư nhiều kinh phí.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có không ít doanh nghiệp coi đó là kinh phí đầu tư cho phát triển dài hạn để tạo ra nhiều cơ hội mới. Vấn đề là doanh nghiệp cần được có chính sách hỗ trợ một cách thực tế hơn bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi, có thời hạn phù hợp với quá trình chuyển đổi.
Để tạo ra hệ sinh thái chuyển đổi, cần sự phối hợp đồng bộ của Nhà nước, doanh nghiệp, trường/viện; trong đó, Nhà nước cần xây dựng chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh, lan toả mô hình, bài học chuyển đổi thành công; xây dựng tiêu chuẩn nhà máy thông minh để doanh nghiệp đối chiếu, vạch ra lộ trình phù hợp.
Doanh nghiệp chủ động cập nhật công nghệ và thật sự bắt tay vào triển khai. Các trường, viện nghiên cứu phát triển giải pháp nhà máy thông minh và các công nghệ quan trọng, đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động thiết kế, vận hành nhà máy thông minh.
Nguồn: Vietnam+