Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đó, nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là bảo đảm các di sản văn hóa phi vật thể hướng con người, cộng đồng tới các giá trị văn hóa tốt đẹp; gìn giữ bản sắc; bảo vệ môi trường; ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Nghị quyết nêu rõ, việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện đối với 7 loại hình di sản: Tiếng nói chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Nghề thủ công truyền thống; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian.
Thời gian kiểm kê từ 3-6 năm, cụ thể đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách đại diện, thực hiện kiểm kê 06 năm một lần hoặc theo quy định khác của UNESCO; đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp, kiểm kê 04 năm một lần hoặc theo quy định khác của UNESCO; đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục của quốc gia, kiểm kê 03 năm một lần tính từ thời điểm được ghi danh.
Nghị quyết cũng quy định về liên hoan di sản văn hóa phi vật thể (Liên hoan) là hoạt động bảo vệ di sản được cam kết trong hồ sơ trình UNESCO, bao gồm: tổ chức thực hành, trình diễn của cộng đồng chủ thể; trưng bày, triển lãm, giới thiệu, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, giáo dục, quảng bá về di sản văn hóa phi vật thể.
Liên hoan tất cả các loại hình di sản văn hóa phi vật thể do cơ quan chức năng về quản lý di sản văn hóa thuộc Bộ VHTT&DL tổ chức ở quy mô quốc gia, quốc tế tại Việt Nam theo định kỳ 03 năm một lần;
Liên hoan từng loại hình di sản văn hóa phi vật thể quy mô quốc gia ở trong nước do cơ quan chức năng về quản lý di sản văn hóa thuộc Bộ VHTT&DL tổ chức theo định kỳ 01 năm một lần.