Xác định nhiều vấn đề quan trọng, định hướng lớn
Thực hiện theo Luật Quy hoạch 2017, các tỉnh, TP trong cả nước đang tích cực triển khai, hoàn thành Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Đối với Hà Nội, đây vừa là việc mới, khó, lần đầu tiên thực hiện, vừa cùng lúc triển khai với nhiều nhiệm vụ lớn quan trọng như điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và điều chỉnh, bổ sung Luật Thủ đô.
Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của Thành ủy, sự chủ động của UBND TP triển khai đồng bộ các bước, rút gọn quy trình thủ tục, đồng thời bảo đảm đúng quy định, đến nay nhiều đầu việc quan trọng của quá trình lập Quy hoạch Thủ đô đã hoàn thành.
Đặc biệt, việc xây dựng Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô đã được lãnh đạo UBND TP trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng, dự thảo nhiều lần và được Thành ủy thông qua vào tháng 4/2023. Trong đó xác định nhiều vấn đề quan trọng, định hướng lớn của Quy hoạch Thủ đô, làm cơ sở lập Quy hoạch Thủ đô.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Lê Ngọc Anh cho biết, báo cáo Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô được soạn thảo dựa theo hướng dẫn xây dựng Báo cáo Quy hoạch của Luật Quy hoạch (Điều 27) và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP (Điều 28).
Đồng thời, bám sát tinh thần của Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở tài liệu, số liệu thu thập ban đầu, báo cáo đưa ra một số nhận xét sơ bộ, đề xuất những vấn đề cần nghiên cứu, những nội dung quy hoạch cần thực hiện làm cơ sở cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai công tác phối hợp lập Quy hoạch Thủ đô.
Đại điện Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô, GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, ngay sau khi TP có quyết định công nhận đơn vị tư vấn (ngày 1/6/2023), liên danh đã tổ chức nhiều buổi toạ đàm với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để thu nhận những ý tưởng phát triển các ngành, lĩnh vực và phân bổ không gian… theo Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô.
Theo đó, xác định đặc trưng của Hà Nội vẫn là “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, “Xanh - Thông minh - Thịnh vượng” và là TP kết nối toàn cầu. Định hướng phát triển các ngành kinh tế xác định kinh tế dịch vụ là động lực, trong đó dịch vụ đô thị là nguồn chính. Hà Nội định hướng là trung tâm logistics hàng không và phân phối hàng hóa khu vực phía Bắc. Văn hóa, di sản, du lịch và dịch vụ vui chơi giải trí phải trở thành nguồn lực chính cho phát triển...
Cần cơ chế đặc thù riêng để phát triển cho Hà Nội
Theo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, ngoài việc tập trung vào những nội dung chủ yếu theo yêu cầu của bản quy hoạch theo quy định, nguyên tắc lập Quy hoạch Thủ đô cần có những điểm khác biệt so với quy hoạch của các tỉnh khác.
Trong đó khẳng định được vị trí, vai trò của Hà Nội là Thủ đô của một đất nước hơn 100 triệu dân, đến năm 2030, cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; là hạt nhân, lan tỏa, trở thành vùng động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, là một trong hai cực tăng trưởng của đất nước, phấn đấu ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Về sứ mệnh, tầm nhìn, khát vọng phát triển của Thủ đô đến năm 2050, mục tiêu trước hết và trên hết là phục vụ Nhân dân, hướng tới sự phát triển, thịnh vượng để Nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, trở thành TP kết nối toàn cầu...
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, muốn đặt ra mục tiêu, tầm nhìn phát triển cho một vùng nào đó thì phải hiểu rõ được thế mạnh, đặc điểm riêng của vùng đó thì mục tiêu phát triển mới có sự khác biệt. Hơn lúc nào hết, mục tiêu tầm nhìn cho Hà Nội cần một tư duy mới, khác biệt trong bản Quy hoạch Thủ đô.
Hà Nội có điểm gì khác so với TP.HCM và các TP trực thuộc T.Ư ở chỗ nào cần phải được phân tích thấu đáo để thấy được điểm mạnh, đặc trưng riêng. Đặc biệt lưu ý Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam để đề ra mục tiêu, tầm nhìn phát triển.
Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên lưu ý, để lập được bản quy hoạch chất lượng, xứng tầm, Hà Nội cần đánh giá được lợi thế, tiềm năng khác biệt để từ đó biến thành sức mạnh. Tiếp đó, cần nhận định, phân tích rõ xu thế thời đại đang tác động như thế nào đến Hà Nội với tư cách là Thủ đô dẫn dắt cả nước phát triển, đại diện cho quốc gia phát triển thành đô thị cạnh tranh hàng đầu và định hình rõ sứ mệnh, vai trò, chức năng của Hà Nội đối với đất nước.
Còn theo Nguyên Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên Hợp quốc tại Việt Nam, TS Nguyễn Quang, quy mô diện tích, dân số Thủ đô Hà Nội giờ đây đã lớn hơn rất nhiều so với trước. Vì vậy Quy hoạch Thủ đô lần này không chỉ là tích hợp lồng ghép tất cả các lĩnh vực mà đòi hỏi phải là quy hoạch chiến lược, đặt ra được chiến lược ưu tiên, tạo ra những không gian sáng tạo mới để phát triển và xác định được nguồn lực thực hiện.
Cần đề cập các chính sách và sáng kiến phát triển Thủ đô trong bối cảnh liên kết vùng. Đặc biệt quan tâm các lĩnh vực liên quan tới đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hướng tới người dân, đô thị thông minh, tăng trưởng xanh và liên kết đô thị nông thôn. Đây là những vấn đề thời đại, có vai trò quan trọng trong phát triển Thủ đô bền vững.
Với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lần này được lập theo hướng đồng bộ, nổi bật nhất là tích hợp, đa ngành, sẽ giải quyết hài hòa được 3 mục tiêu lớn trong quá trình phát triển. Đó là, làm rõ những định hướng, quan điểm về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; quan điểm phát triển, gắn kết hạ tầng và cuối cùng là việc tổ chức sắp xếp lại không gian. Ba mục tiêu này được đề cập hài hòa trong cùng một bản quy hoạch chứ không còn tách biệt. Từ đó thể hiện tầm nhìn và khẳng định vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội là xây dựng TP phát triển nhanh nhưng vẫn đảm bảo bền vững.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam
Nguồn: kinhtedothi.vn